Biệt đội G5 Sahel bị tấn công

Thứ Tư, 04/07/2018, 17:04
Vì vụ tấn công vào trụ sở của biệt đội quân sự khu vực G5 Sahel ở Mali diễn ra đúng hôm bế mạc Hội nghị cấp cao đầu tiên về chống khủng bố của Liên hợp quốc, nên dư luận càng quan tâm.


Hơn nữa, 1 trong 6 mục tiêu của hội nghị là củng cố vai trò của Liên hợp quốc trong công tác hỗ trợ các nước đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố. 

Theo hãng Reuters, cho đến nay, cơ quan chức năng của Mali và phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đều chưa làm rõ được danh tính của những kẻ đã tấn công trụ sở của lực lượng quân sự khu vực G5 Sahel tại miền Trung Mali hôm 29-6. 

Giới truyền thông cho biết, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động gần 8 tháng trước (11-11-2017), biệt đội quân sự khu vực G5 Sahel (bao gồm Cộng hòa Chad, Burkina Faso, Mauritanie, Mali và Niger), đã gặp không ít khó khăn trong cuộc chiến trấn áp tình trạng bạo lực do các phần tử thánh chiến Hồi giáo gây ra tại Tây Phi.

Binh sỹ thuộc biệt đội G5 Sahel.

G5 Sahel có trụ sở tại Mali, nhưng hoạt động dưới sự chỉ huy của lực lượng gìn giữ hòa bình MINUSMA thuộc Liên hợp quốc, vốn được triển khai tại Mali từ năm 2013. Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc El-Ghassim Wane từng cảnh báo về mối đe dọa khủng bố xuyên quốc gia tại khu vực Sahel. 

Hơn 1 năm trước (16-6-2017), Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Dio từng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sớm thông qua nghị quyết ủng hộ việc thành lập lực lượng đặc nhiệm tại khu vực Sahel của châu Phi, để chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan đang tăng cường tiến hành những hoạt động khủng bố và buôn bán ma túy trong khu vực. 

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita cũng từng bày tỏ quan ngại trước việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chậm phê duyệt nghị quyết này.

Mấy ngày trước (26-6), Ngoại trưởng Maroc Nasser Bourita cảnh báo, châu Phi hiện có hơn 10.000 phần tử thánh chiến Hồi giáo thuộc IS và chi nhánh của Al-Qaeda ở Bắc Phi. 

Hãng tin tư nhân ANI của Mauritani từng khuyến cáo, 3 nhóm thánh chiến hoạt động tại khu vực Sahel, có mối liên hệ với Al-Qaeda là Ansar Dine, Al-Mourabitoune và Katibas du Macina đã thông báo sáp nhập với nhau. 

Và tổ chức mới có tên gọi "Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo" và do thủ lĩnh nhóm thánh chiến Ansar Dine tại Mali Iyad Ag Ghali cầm đầu. 

Hơn 1 tháng trước (23-5), Thư ký thường trực của G5 Sahel Maman Sidikou đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kéo dài thời gian hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình để đảm bảo khả năng can thiệp hiệu quả chống khủng bố của Liên hợp quốc tại khu vực này. 

Bởi theo ông Maman Sidikou, lực lượng G5 Sahel "vẫn còn yếu kém trong việc tự đảm bảo an ninh. Được biết, lực lượng G5 Sahel hiện có 5.000 binh sỹ và Liên hợp quốc cần "đóng góp phù hợp hơn", nhất là về hậu cần để họ hoàn thành nhiệm vụ.

Binh sỹ thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Theo giới truyền thông, khi G5 Sahel mới hoạt động, lực lượng Barkhane chống thánh chiến của Pháp tại khu vực này (khoảng 4.000 binh lính) đã phải hỗ trợ họ. 

Gần 1 năm trước (30-7-2017), Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã tới Chad, để khẳng định sự ủng hộ đối với lực lượng chống khủng bố G5 Sahel. 

Trước đó (6-6-2017), Pháp đã trình dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đề nghị cho phép triển khai lực lượng G5 Sahel để đối phó với các tay súng thánh chiến; cũng như cho phép họ được "sử dụng tất cả các phương tiện cần thiết để chống khủng bố, buôn bán ma túy trái phép và buôn người". 

Nhưng Mỹ lại cho rằng, nhiệm vụ của G5 Sahel thiếu tính chính xác và có quá nhiều quyền hạn, có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm khi cho phép sử dụng vũ lực trong nhiều hoạt động, nên đã phản đối. 

Hơn 3 tháng trước (24-3), Ủy viên phụ trách các vấn đề Hoà bình và An ninh của Liên minh châu Phi Smail Chergui và Thư ký điều hành G5 Sahel Maman Sidiko đã ký bản ghi nhớ (MoU) về hỗ trợ hoạt động cho lực lượng chống khủng bố của các nước G5 Sahel. 

Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị Cấp cao về chống khủng bố của Liên hợp quốc hôm 29-6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đặc biệt hối thúc các nước thành viên thực hiện nghị quyết 2396 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 12-2017, để ngăn chặn việc quá cảnh của các phần tử khủng bố. Đồng thời hoan nghênh việc thiết lập "Diễn đàn Internet toàn cầu để chống khủng bố" và những quan hệ đối tác tương tự khác để ngăn chặn sự truyền bá nội dung cực đoan trên mạng. Và nhấn mạnh tới sự cần thiết của phụ nữ trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như vai trò của thanh niên trong vấn đề này - phải trao quyền cho thanh niên thông qua giáo dục, việc làm và đào tạo nghề. Trước đó, ông Antonio Guterres cảnh báo chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan đang gây phương hại hòa bình và an ninh quốc tế, gây chia rẽ các cộng đồng, làm trầm trọng các cuộc xung đột và gây bất ổn toàn bộ các khu vực.
Thiện Lân
.
.
.