Bí mật về công ty sản xuất vaccine Moderna

Thứ Năm, 26/11/2020, 07:30
Hơn 1 tỉ người có thể miễn nhiễm với virus COVID - 19 vào cuối năm 2021 bằng vaccine của hai công ty Pfizer và Moderna.


Đặc biệt, tỉ lệ thành công của vaccine Moderna lên đến 95% trong cuộc thử nghiệm trên 30.000 người Mỹ. Tháng 12 năm nay, những người đầu tiên tham gia cuộc thử nghiệm cho cả hai loại vaccine đều sẽ vượt qua mốc theo dõi tác dụng phụ kéo dài 57 ngày. Nếu hai loại vaccine không gây ra tác dụng phụ nào đáng ngại, hai công ty có thể nộp đơn lên Cục Quản lý thực phẩm và thuốc Mỹ để được cấp phép hàng loạt. Khi nhận được giấy phép, vaccine có thể được đưa ra thị trường vào tháng 1-2021.

Vaccine Moderna có giá đắt nhất

Cả hai loại vaccine đều sử dụng cùng một loại công nghệ đó là sao chép mã gen của virus COVID - 19 để tấn công các “gai” protein của chính loại virus này. Tuy nhiên, vaccine Moderna chỉ cần được bảo quản ở nhiệt độ -4 độ C và đa số các bệnh viện ở Mỹ đều có thể đảm bảo mức nhiệt độ này. Công ty Moderna đã tuyên bố các nhà nghiên cứu của công ty đã kéo dài thành công hạn sử dụng của vaccine. Điều này có nghĩa là vaccine sẽ có hạn sử dụng lên tới 6 tháng nếu được bảo quản ở nhiệt độ -20 độ C, và 3 tháng ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C. Ngoài ra, công ty còn cam đoan sẽ sản xuất thêm được 1 tỉ liều vào cuối năm 2021, đưa kho dự trữ vaccine lên thành 1,3 tỉ.

Với mức giá 38 tới 45 bảng Anh (khoảng 1,1 - 1,3 triệu VNĐ), Moderna đắt hơn cả hai loại vaccine COVID - 19 đang được thử nghiệm của Đại học Oxford và Công ty Johnson & Johnson kết hợp với Sanofi và GSK. Giáo sư dược Stephen Evans, hiện đang giảng dạy tại khoa Dịch tễ và Bệnh Nhiệt đới khẳng định rằng cho dù nhiều người nghi ngại tỉ lệ thành công 95% của Moderna, nhưng dựa trên những thông số ông nhận được, ông tin rằng con số chính xác chắc chắn vượt quá 85% - vẫn là một tỉ lệ đáng nể.

Một người dân Mỹ tham gia thử nghiệm vaccine Moderna.

Nơi hiện thực hóa các công trình nghiên cứu

Công ty dược phẩm Moderna có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts, được thành lập năm 2010 để thương mại hoá các nghiên cứu của nhà khoa học tế bào gốc Derrick Rossi. Ông Derrick Rossi hiện là giáo sư giảng dạy tại Khoa Tế bào gốc và Sinh học tái tạo tại khoa Y, trường Đại học Harvard. Ông còn là thành viên chủ chốt tại Viện Nghiên cứu tế bào gốc Harvard, Viện Nghiên cứu bệnh miễn dịch, cũng như Khoa Dược tế bào và Phân tử tại Viện Nhi Boston. Những nghiên cứu của ông từng được Time liệt vào danh sách 10 phát kiến y học của năm 2010, bản thân ông cũng đã lọt vào danh sách “100 người ảnh hưởng nhất năm 2011” của tờ báo này.

Moderna tập trung vào nghiên cứu phát minh và phát triển các loại thuốc cũng như vaccine mới dựa vào công nghệ mRNA. Về cơ bản, mRNA là hành động tiêm RNA nhân tạo vào một tế bào sống để thúc đẩy tế bào đó tự tạo ra phản ứng miễn dịch, thay vì sử dụng thuốc để tạo ra phản ứng miễn dịch. Đây là một công nghệ rất mới, và đã từng bị lãng quên vì những tác dụng phụ của việc điều chỉnh tế bào. Tính đến năm 2014, Moderna mới chỉ hợp tác với Công ty dược phẩm AstraZeneca trong lĩnh vực thuốc đặc trị mãn tính mang lại lợi nhuận cao, và với Công ty dược phẩm Alexion trong lĩnh vực điều trị bệnh hiếm gặp.

Sau nhiều cuộc thử nghiệm điều trị thất bại, ông Rossi chuyển hướng sang nghiên cứu vaccine sử dụng công nghệ mRNA. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhân sự cấp cao của công ty đã không ủng hộ hướng đi của ông Rossi vì vaccine không mang lại lợi nhuận cao. Cuối cùng, ông rời Moderna. 

Tháng 2 - 2016, tuần san khoa học danh tiếng Nature đã xuất bản một bài báo phê bình Moderna vì không đăng bất kì nghiên cứu khoa học nào, khác với đa số các công ty công nghệ sinh học có uy tính khác, và so sánh Moderna với công ty dược lừa đảo Theranos. 

Vận xui vẫn chưa buông tha Moderna khi vào tháng 9-2018, tờ Thrillist đăng một bài báo với tiêu đề “Lý do tại sao công ty khởi nghiệp này có thế sẽ trở thành Theranos tiếp theo”. Trong bài báo, Thrillist phê phán cung cách làm việc hết sức bí mật của công ty, cùng với việc Moderna từ chối để các nhà khoa học khác bình duyệt nghiên cứu của mình, cho dù Moderna lúc đó là công ty công nghệ sinh học tư nhân có định giá tới 5 tỉ USD.

Ban lãnh đạo của công ty cũng không được đánh giá cao. Từ năm 2011, công ty được dẫn dắt bởi bà Stephane Bancel, một nữ doanh nhân người Pháp với nhiều năm kinh doanh và phát triển dược phẩm. Các nhân viên mô tả Bancel là một lãnh đạo có phong cách làm việc bí hiểm và cực kì cứng rắn. Tờ Stats rất chú ý đến việc Bancel, một cá nhân chưa hề có kinh nghiệm làm việc với công nghệ mRNA, lại đứng tên với tư cách đồng phát minh trong hơn 100 đơn xin cấp phép sở hữu trí tuệ của các sản phẩm của Moderna. Nhiều người đánh giá đây là một điều rất bất thường với một giám đốc kinh doanh không có bằng tiến sĩ khoa học.

Đi ngược lại những nghi ngờ này, vào cuối năm 2018, Moderna trở thành ngôi sao trên sàn chứng khoán nhờ màn ra mắt cổ phiếu cao nhất trong lịch sử các công ty công nghệ sinh học. Cụ thể hơn, 8% cổ phần của Moderna trị giá 600 triệu USD, và điều này có nghĩa là công ty trị giá 7,5 tỉ USD. Tính tới tháng 11-2020, Công ty Moderna được định giá ở mức 35 tỉ USD, và vaccine Moderna là ứng cử viên duy nhất đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.  
Huyền Thi
.
.
.