Bí mật radar "khủng nhất" thế giới của Iran

Thứ Tư, 03/07/2019, 10:53
Mặc dù đài radar cảnh báo sớm Ghadir được Iran ca ngợi sẽ giúp họ phát hiện và đẩy lui cuộc tấn công của tiêm kích tàng hình Mỹ, tuy nhiên, các chuyên gia quân sự thế giới lại không nghĩ vậy. NI ngày 29-6 cho hay.


Khi "vòng kim cô" thắt chặt

Khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Hải quân Mỹ được lệnh sẵn sàng chiến đấu thì nguy cơ Washington tấn công Tehran vẫn chưa được đẩy lùi. Hiện nay tàu sân bay USS Abraham Lincoln được hộ tống bởi tàu khu trục USS Bainbridge và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Leyte Gulf vẫn đang ở trong tư thế sẵn sàng tấn công Iran. 

Ngoài ra còn phải kể tới số lượng lớn tiêm kích đa dụng và máy bay ném bom (gồm cả loại tàng hình) cùng rất nhiều tàu ngầm và tàu chiến mặt nước khác đang có mặt tại (hoặc gần vùng Vịnh) đều có thể tham chiến mà không cần phải áp sát Iran.

Dấu hiệu trên cho thấy Mỹ chưa từ bỏ ý định sẽ tấn công trả đũa Iran vì đã bắn rơi chiếc máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk của họ mà chỉ tạm hoãn để xây dựng kế hoạch tác chiến một cách cụ thể hơn, vì lần dự định oanh kích trước bị cho là quá vội vàng.

Chưa dừng lại đó, nhiều quốc gia Arab khác như Israel hay Saudi Arabia cũng cho thấy động thái đã sẵn sàng tham gia liên minh quân sự để tấn công Iran cùng với Mỹ. Bên cạnh các đồng minh khu vực, hải quân hoàng gia Anh cũng đã gửi nhóm lính thủy đánh bộ đầu tiên tới Trung Đông và cho biết sẽ điều động chiến hạm tuần tra vịnh Ba Tư nhằm duy trì quyền tự do đi lại ở đây. Tổng hợp tất cả những động thái trên cho thấy một vòng vây ngày càng thắt chặt xung quanh Iran và hành động quân sự có thể xảy đến trong thời gian sớm nhất.

Đài radar trinh sát cảnh báo sớm Ghadir của Iran.

Hàng "khủng" khiến Mỹ dè chừng

Trước nguy cơ bị Không quân và Hải quân Mỹ trút đòn tấn công phủ đầu thông qua tên lửa hành trình và máy bay tàng hình thì lực lượng phòng không Iran đã bước vào tình trạng trực sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. 

Tehran tự tin cho rằng họ đủ khả năng đẩy lui cuộc tấn công đường không từ Mỹ, bên cạnh việc nắm trong tay nhiều tổ hợp tên lửa phòng không tiên tiến của Nga mà nổi bật là S-300PMU-2 thì Iran còn tự sản xuất được nhiều vũ khí, khí tài có tính năng rất đáng nể. 

Ngoài tổ hợp tên lửa phòng không nội địa Khordad-3 vừa bắn hạ chiếc RQ-4A của Mỹ đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng quốc tế thì Iran mới đây đã công khai dàn radar siêu khủng mà theo giới thiệu của họ thì đủ sức nhận biết tiêm kích và máy bay ném bom tàng hình Mỹ từ cự ly rất xa. 

Sản phẩm đáng lưu ý là đài radar trinh sát cảnh báo sớm Ghadir do Iran thiết kế và chế tạo dựa trên nguyên mẫu Resonance-NE của Nga, chưa rõ chúng được sản xuất theo giấy phép hay đây chỉ đơn giản là hành động sao chép vũ khí mà thôi.

Theo giới thiệu thì đài radar Ghadir có khả năng phát hiện và phận loại mục tiêu từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, tiêm kích siêu thanh, máy bay không người lái nhỏ, mục tiêu ứng dụng công nghệ giảm diện tích phản xạ radar... 

Hệ thống sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo giúp xử lý được khối lượng lớn dữ liệu với tốc độ rất nhanh. Hệ thống radar Ghadir có thể chia sẻ dữ liệu với các đài radar phòng không khác, cho phép theo dõi mục tiêu trong bán kính 1.100km, cấp tham số bắn cho tên lửa từ cự ly 600km. Tổ hợp không có cơ cấu quay bằng cơ khí mà sử dụng ăng ten mảng pha nên có khả năng chịu nhiễu rất tốt.

Mặc dù Iran rất tự tin vào sản phẩm radar cảnh báo sớm của mình nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia quân sự thì Ghadir sẽ bị tiêu diệt ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc tấn công vì nó có điểm yếu rất lớn. 

Đài radar của Iran rất cồng kềnh trong khi nó lại chuyên bám bắt mục tiêu hoạt động ở độ cao lớn, gần như bị "bịt mắt" trước phương tiện bay cỡ nhỏ hoạt động ở độ cao thấp như tên lửa hành trình hay máy bay không người lái (UAV) cảm tử kiểu Harop.

Mỹ và Israel chắc chắn cũng đã hiểu rất rõ nhược điểm của đài radar Ghadir và trong tay họ có đầy đủ vũ khí giúp khai thác điểm yếu của nó, nhằm tiêu diệt một cách nhanh nhất. Sẽ không ngạc nhiên nếu như khí tài trinh sát tối tân này của Iran bị vô hiệu hóa bởi đòn tập kích cường độ cao được không quân Mỹ hay Israel thực hiện.

Nguyễn Minh
.
.
.