Bí ẩn tình báo Mossad

Thứ Tư, 01/08/2018, 12:29
Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho tình trạng của siêu sao Lionel Messi của đội tuyển Argentina tại World Cup 2018, từ chiến thuật sai lầm của huấn luyện viên (HLV) Jorge Sampaoli, việc các đồng đội không nỗ lực đủ tốt để hỗ trợ “số 10”, đến vấn đề tâm lý của Messi do chịu sức ép phải vô địch quá lớn.


Nhưng với nhiều fan của Messi, thì việc “số 10” Argentina không còn là chính mình tại giải đấu diễn ra ở Nga lại có liên quan đến… Cơ quan tình báo Israel - Mossad! Theo cuộc khảo sát của tờ Nacional thì có hàng triệu người Argentina tin rằng Mossad phải chịu trách nhiệm cho những màn trình diễn kém cỏi của Messi.

Thần thánh phương nào?

Trong giai đoạn chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup, Argentina đã buộc phải hủy bỏ trận giao hữu với Israel khi Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) nước này cố tình thay đổi kế hoạch, dời địa diểm tổ chức trận đấu tới sân Teddi Kollek Malcha, ở phía nam Jerusalem. Sân bóng này được xây dựng trên mảnh đất của một ngôi làng Palestine đã bị Israel phá hủy trong cuộc chiến tranh 70 năm trước.

Phía Palestine đã dành cho Messi và Argentian sự phản đối cực lớn và trước tình hình an ninh không đảm bảo cùng nhạy cảm chính trị không đáng có, LĐBĐ Argentina đã chủ động hủy trận giao hữu này.

Thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Lieberman đã phát biểu: "Thật tiếc khi những hiệp sĩ bóng đá Argentina không chịu được sức ép từ những phần tử chống Israel". Còn Tổng thống Israel, ông Reuven Rivlin thì tuyên bố: "Có những giá trị lớn hơn cả Messi. Việc chính trị hóa của người dân Argentina khiến tôi quan ngại sâu sắc”.

Người Argentina tin rằng, việc đội tuyển không đá trận giao hữu với Israel đã chọc giận phía Israel và không loại trừ “thuyết âm mưu” rằng Mossad đã có những động thái nhất định khiến Messi lo lắng không yên dẫn tới việc chẳng thể tập trung thi đấu tại World Cup 2018.

Mossad là Cơ quan Tình báo của Israel chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo, chống khủng bố, tiến hành các chiến dịch bí mật như các hoạt động bán du kích và hỗ trợ aliyah (hoạt động di cư trở về quê hương của người Do Thái). Vai trò và các chức năng của Mossad, về cơ bản tương tự như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Sở Tình báo mật vụ Anh (MI-6)…

Tháng 6-1948, 6 người đàn ông âm thầm tiến vào một căn nhà ở đường Ben-Tehuda, thủ đô Tel Aviv, Israel. Tất cả đều hướng về căn phòng nhỏ ngoài cửa có tấm biển “Cơ quan hỗ trợ các cựu chiến binh”. 

Trong cuộc họp bí mật ngay sau đó, Trung tá Isser Beeri - Chỉ huy tình báo của lực lượng quân sự bí mật Haganah, được cộng đồng người Do Thái thành lập tại Palestine từ năm 1920 - thông báo quyết định của “Ông già” - cách gọi Thủ tướng David Ben Gurion của Israel khi đó - giải thể bộ phận cũ để thành lập 3 cơ quan hoàn toàn mới là Tình báo Quân sự (Aman), Tình báo Chính trị (sau này trở thành Mossad) và Cơ quan An ninh nội bộ (Shabak, còn gọi là Shin Bet).

Năm 1950, Đại sứ Israel tại Mỹ là Reuven Shiloah đã đề nghị Thủ tướng D.Ben Gurion nên cải tổ lại các cơ quan tình báo và biến nó thành một cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng. Ngày 1-9-1951, Viện Tình báo và các nhiệm vụ đặc biệt” (Mossad) được thành lập. 

Đại sứ Reuven Shiloah là Giám đốc đầu tiên của Mossad. Ngoài chức năng thu thập tin tức tình báo, Mossad còn tiến hành các chiến dịch đặc biệt như ám sát, lấy cắp công nghệ và có chức năng chống khủng bố. Phạm vi hoạt động của các điệp viên Mossad trải rộng khắp thế giới.

Mossad tuyển dụng điệp viên rất gắt gao với các trắc nghiệm tâm lý chuyên biệt và nhiều nhiệm vụ “bất khả thi”. Các ứng viên trước hết phải là người Do Thái, làm việc trong Bộ Quốc phòng, hoặc sinh ra và lớn lên tại Bắc Mỹ và châu Âu, thành thạo Anh ngữ, tiếng Arab…

Các điệp viên trong những đội ám sát, hành động đặc biệt phải trải qua thêm 2 năm huấn luyện các kỹ năng gián điệp như theo dấu, chống và cắt bám đuôi, ăn trộm tài liệu, nghe lén, chiến đấu tay không, sử dụng vũ khí, lái các loại xe hơi, đội lốt, nằm vùng…

Tổ chức khét tiếng

Tại thành phố Tel Aviv Israel, Mossad có khoảng 1.200 nhân viên. Mossad là một cơ quan dân sự mặc dù đa số nhân viên của họ đã từng phục vụ trong các lực lượng quốc phòng Israel. Cơ quan này gồm 8 bộ phận.

Phòng thu thập: Có trách nhiệm điều hành các hoạt động gián điệp ở nước ngoài và hoạt động dưới nhiều vỏ bọc. Các sĩ quan tình báo hiện trường của họ, được gọi là katsa, tương tự như case officers của CIA. 30-40 người cùng hoạt động ở một thời điểm, chủ yếu tại châu Âu và Trung Đông.

 Phòng hành động chính trị và Phòng liên lạc: Chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan tình báo đồng minh nước ngoài và các quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel. Trong số các phòng của Mossad có Nhóm các hoạt động đặc biệt, hay '"Metsada". Đây là đơn vị tham gia vào nhiều vụ ám sát, các chiến dịch bán quân sự, phá hoại và chiến tranh tâm lý.

Chiến tranh tâm lý cũng là nhiệm vụ của Lohamah Psichlogit Department, phòng này cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền và mị dân. Ngoài ra, Mossad còn có một Phòng Nghiên cứu, với trách nhiệm đề xuất điệp vụ tình báo, và một Phòng Kỹ thuật chịu trách nhiệm phát triển các công cụ phục vụ cho các hoạt động của Mossad.

Danh tính giám đốc Mossad thường được xếp vào diện bí mật quốc gia của Israel. Tuy nhiên, truyền thống này chấm dứt vào tháng 3-1996 khi Chính phủ Israel tuyên bố việc bổ nhiệm tướng Danny Yatom vào chức vụ này. Giám đốc Mossad hiện nay là Yossi Cohen, có 30 năm kinh nghiệm trong lực lượng tình báo.

Trong 68 năm hoạt động, Mossad từng tiến hành nhiều chiến dịch bắt cóc và ám sát. Năm 1960, Mossad bắt cóc thành công Adolph Eichmann, tội phạm chiến tranh phát xít Đức khi đang lẩn trốn tại Argentina. Năm 1986, lực lượng này bắt được Mordechai Vanunu, kỹ sư nguyên tử từng hé lộ thông tin về chương trình vũ khí hạt nhân của Israel với một tờ báo của Anh.

Vào thập niên 70, chương trình ám sát của Mossad đã gieo rắc kinh hoàng trong thế giới Arab. Sau khi ám sát hàng loạt người Arab có liên quan tới tổ chức khủng bố Tháng 9 đen (Black September), Mossad giáng một đòn mạnh vào Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) trong vụ ám sát lãnh đạo cấp cao PLO Abu Jihad vào tháng 4-1988.

Chưa đầy 2 năm sau, Mossad lại ám sát Gerald Bull, nhà khoa học Canada chịu trách nhiệm phát triển dự án "Siêu pháo" của Iraq. Cái chết của Bull đánh dấu chấm hết cho tham vọng sở hữu pháo hạng nặng có tầm bắn lớn nhất thế giới của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Từ năm 1992-2016, Mossad đã thực hiện ít nhất 7 vụ ám sát quan chức Hamas và Hezbollah, những tổ chức vũ trang vốn bị Israel coi là kẻ thù.

Tuy nhiên, lực lượng này cũng hứng chịu một số thất bại, nổi bật nhất là vụ ám sát nhầm Ahmed Bouchikhi, một bồi bàn người Morocco ở Na Uy vào ngày 21-7-1973. Đặc vụ Mossad đã nhầm Bouchikhi với Ali Hassan Salameh, Tham mưu trưởng của tổ chức Tháng 9 đen.Vụ này khiến toàn bộ nhóm điệp viên bị bắt giữ và kết tội, để lộ toàn bộ mạng lưới gián điệp và cơ sở hạ tầng của Mossad tại châu Âu, cũng như làm danh tiếng của cơ quan này bị tổn hại nghiêm trọng.

(Còn tiếp)

Hồng Định
.
.
.