Bí ẩn đội mật vụ bảo vệ lãnh đạo CHDCND Triều Tiên
- Kỷ nguyên mới cho CHDCND Triều Tiên
- CHDCND Triều Tiên từng đề xuất thành lập nhà nước trung lập trên bán đảo
- Chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên qua 3 đời lãnh đạo
Hình ảnh cả thế giới thấy được là đội mật vụ này đã chạy bộ để hộ tống chiếc xe ô tô chở ông Kim Jong-un trong phiên họp sáng 27-4, khi đến Bàn Môn Điếm cũng như lúc trở lại Triều Tiên. Họ ăn mặc khá lịch sự: áo sơ mi trắng, khoác ngoài bộ vest đen lịch sự và đeo huy hiệu đảng bên ngực trái. AFP cho biết các vệ sĩ này được lựa chọn cẩn thận về thể lực, tài bắn súng, kỹ năng võ thuật và thậm chí cả vẻ bề ngoài.
Được biết, mật vụ Triều Tiên trực thuộc Tổng cục An ninh Quốc gia, được mệnh danh là đội "ngự lâm quân" của các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, là đội quân tinh nhuệ nhất trong các đội quân tinh nhuệ của quân đội Triều Tiên, là tuyến phòng thủ cuối cùng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Lực lượng này là một trong những cơ quan bí ẩn nhất của Triều Tiên.
Bách phát bách trúng
Lực lượng đặc vụ thuộc Tổng cục An ninh Triều Tiên lần đầu tiên công khai trong Hội nghị cấp cao liên Triều ngày 15-6-2000, với nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo bấy giờ là ông Kim Jong-il. Theo Wikiedia, quân hàm của các mật vụ này đều là đại tá hoặc thượng tá, trong đó, vệ sĩ đảm bảo an ninh cho lãnh đạo tối cao thường có quân hàm thượng tướng. Người này nắm toàn quyền phụ trách an ninh nên còn được coi là "trưởng nhóm an ninh".
Theo lời khai của Lee Young-kuk, một cựu mật vụ Triều Tiên, lực lượng này tuyển dụng tân binh ở các trường trung học nơi học sinh được xếp hàng để kiểm tra. Điều kiện tiên quyết về thể chất bao gồm không có vết sẹo trên khuôn mặt và thân hình cân đối. Các ứng cử viên tiềm năng sẽ được xét lý lịch kỹ lưỡng, gia đình phải có truyền thống trung thành với đảng. Sau khi được chọn, họ được cấp một số ID trong khi tất cả các bản ghi khác bị xóa; liên hệ với gia đình bị cấm. Và trong một gia đình chỉ có tối đa một người được tham gia mật vụ.
Ðội mật vụ tháp tùng ông Kim Jong-un trong phiên họp ngày 27-4 |
Sau đó, tân binh sẽ được đưa đến các trại huấn luyện đặc biệt trong 6 tháng, nếu đạt, họ tiếp tục được huấn luyện trong 2 năm. Chương trình đào tạo bao gồm các lớp Taekwondo, thiện xạ, chạy bộ, bơi... Truyền thông Hàn Quốc từng tiết lộ:
"Tổng cục An ninh yêu cầu các nhân viên bắt buộc phải có bản lĩnh "bách phát bách trúng". Ví dụ, trong 1 phút với phạm vi 100m, một mật vụ phải bắn hạ 8 người mới đạt 90 điểm; trong khi đó nếu lái xe môtô hoặc ngồi thuyền nhắm bắn các mục tiêu di động cũng buộc phải đạt tỷ lệ bắn trúng cao. Đối với tân binh, mỗi tuần phải vác 25kg hàng hóa hành quân 100km, trong 7 ngày phải bơi 4km".
Lấy người Nga làm tấm gương
Ngày 1-3-1946, khi ông Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un) tham gia một hội nghị ở Bình Nhưỡng, một quả lựu đạn đã được ném lên khán đài về phía ông. Tuy nhiên, Trung úy Liên Xô Yakov Novichenko đã nhanh như chớp tóm lấy quả lựu đạn và ông đã bị thương dẫn tới mất một cánh tay. Sau này Novichenko đã được Triều Tiên phong tặng danh hiệu Anh hùng. Cũng vì thế ông đã trở thành biểu tượng tinh thần của mật vụ Triều Tiên.
"Các hoạt động ngoài trời có ông Kim Jong-il tham gia đều được coi là "hành động số 1", hành động tuyệt mật", một cựu đặc vụ Triều Tiên chia sẻ. Theo đó, Tổng cục An ninh Triều Tiên tổ chức rất chặt chẽ với phân công chi tiết, trong đó, Bộ tham mưu có 3 Cục 1, 2, 3; trong Cục 1 lại có 3 đơn vị đặc vụ 1, 2, 3. Đơn vị số 1 bảo vệ Kim Nhật Thành đã bị giải tán năm 1994 sau khi ông qua đời; Đơn vị số 2 có nhiệm vụ bảo vệ ông Kim Jong-il; Đơn vị số 3 bảo vệ các ủy viên Bộ Chính trị khác.
Lực lượng đặc vụ bảo vệ ông Kim Jong-un hiện nay do Đơn vị mật vụ số 2 đảm trách. Cơ quan tình báo Hàn Quốc từng xác nhận có 7 lớp mật vụ bảo vệ lãnh đạo Triều Tiên. Lớp thứ nhất và thứ 2 được gọi là "đặc vụ sát sườn" do Tổng cục An ninh đảm nhận. Lớp thứ 3, 4 do Tổng cục An ninh và Bộ An ninh Quốc gia Triều Tiên đảm nhiệm. Các lớp còn lại do lực lượng an ninh địa phương chịu trách nhiệm.
Những toa tàu đặc biệt
Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, Tổng cục An ninh Triều Tiên có nhiệm vụ đưa ra kế hoạch bảo vệ trong mỗi chuyến công tác của lãnh đạo. Chỉ trong nước đã có tới 19 tuyến tàu hỏa, phân bố ở các khu vực khác nhau. Những trạm ga tàu hỏa này được xây dựng cách các khu nhà chính phủ khoảng 10-30km, tốc độ tối đa di chuyển giữa ga tàu với các khu nhà là 60km/h nhằm hạn chế thấp nhất các cuộc tập kích ám sát của đối phương.
Một cựu đặc vụ Triều Tiên chia sẻ: Khi triển khai "hành động số 1", tất cả phải tuân theo trình tự xuất phát trước sau, cứ cách 2 giờ lại có một đoàn tàu xuất phát, trong khoảng thời gian này người ngoài không thể biết được đoàn tàu nào có ông Kim Jong-il ngồi. Trước đó nhiều giờ không có ai hoặc phương tiện nào được phép đến gần khu vực ga đường sắt.
Đơn vị bảo vệ tuyến đường sắt thuộc Cục số 2. Một giờ trước khi đoàn tàu xuất phát, cả tuyến đường sắt và các khu vực lân cận đều được kiểm tra an ninh kỹ càng. Khoảng 30 phút trước khi xuất phát, sẽ có một chuyến tàu được ngụy trang làm tàu chở khách thông thường đi thăm dò lần hai.
Được biết, Tổng cục An ninh Triều Tiên còn được trang bị loại xe phá sóng điện tử đặc biệt, có thể gây nhiễu sóng điện từ trong trường hợp cần thiết và phong tỏa thông tin. Nếu địa bàn khảo sát có lực lượng quân đội đóng quân thì toàn bộ vũ khí, trang thiết bị của quân đội đều phải niêm phong, họng pháo của lực lượng pháo binh đều được chúi hướng mặt đất.
Ngoài ra, các trang thiết bị được lắp đặt trên toa tàu của ông Kim Jong-il cũng rất đặc biệt. Thành tàu dày 80cm, khiến đạn khó thể xuyên qua. Trong toa tàu được trang bị bản đồ vệ tinh để theo dõi tuyến đường di chuyển, nhiệt độ ngoài trời và tình trạng khu vực bản địa. Dưới gầm tàu là lớp lưới chống đạn, trên tàu được trang bị súng máy, súng phóng lựu tự động, pháo cao xạ và cả hệ thống chống bom mìn.
Tiền thân của Tổng cục An ninh Triều Tiên là "đội cảnh sát" bảo vệ an ninh của ông Kim Nhật Thành. Trong những năm chiến tranh, tổ chức này đã phát huy vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tháng 4-1952, khi đặc công Hàn Quốc thâm nhập vào Triều Tiên và phát hiện ra vị trí của ông Kim Nhật Thành, hàng chục máy bay Mỹ đã được điều động tới ném bom, và một quả bom hẹn giờ đã rơi ngay cạnh trụ sở của ông Kim Nhật Thành. Khi đó Đoàn trưởng Đoàn 3 Sư đoàn 15 Bộ binh Triều Tiên Ri Ul-sol đã ra lệnh cho quân lính dùng thân cây gỗ đẩy quả bom này xuống một thung lũng.
Sau này, ông Ri được lãnh đạo Kim Nhật Thành khen ngọi là "người trung thành nhất trong sự nghiệp cách mạng Triều Tiên" và ông cũng là người đầu tiên chịu trách nhiệm cho công tác bảo vệ an ninh lãnh đạo tối cao. Ông Ri sau đó trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Triều Tiên.
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ các nhà lãnh đạo của đất nước, Tổng cục An ninh còn phối hợp chặt chẽ với Quân đoàn Phòng thủ Bình Nhưỡng và Quân đoàn III bảo vệ thủ đô cùng nhiều địa điểm chiến lược.