Bẫy lừa xin việc của những kẻ "bán giời không văn tự"
Dù là những kẻ vô nghề nghiệp, song bằng những mánh khóe tinh vi các đối tượng đã khiến cho không ít người tin sái cổ rằng họ có mối quan hệ "khủng", có thể tác động, chạy việc vào những vị trí tốt. Những ngành "hot" như ngân hàng, y tế hay lực lượng vũ trang… là những cái bẫy mà bọn chúng giăng ra nhằm ôm tiền của bị hại rồi biến mất…
Giả là giám đốc chi nhánh ngân hàng để lừa đảo
Một trong những cặp đôi siêu lừa bị cơ quan Công an phát giác là Nguyễn Thị Tuyết (SN 1978, thường trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Trần Gia Hòa (SN 1977, thường trú tại quận Hà Đông, Hà Nội). Thủ đoạn của nhóm này là đi đâu cũng "chém gió" rằng mình đang làm việc tại ngân hàng, có nhiều mối quan hệ có thể xin được việc làm "ngon lành cảnh đào"… Tin lời bọn chúng chị Nguyễn Thị Tr. (thường trú tại quận Long Biên, Hà Nội) đã sập bẫy.
Theo chị Tr., thông qua mối quan hệ xã hội chị gặp Tuyết. Với những lời ngọt như mía lùi, Tuyết nói rằng có thể xin được việc vào ngân hàng với giá gần 300 triệu đồng. Nếu không xin được sẽ hoàn trả lại đầy đủ.
Cặp đôi Tuyết - Hòa. |
Sau đó Tuyết đưa chị Tr. đến Ngân hàng, chi nhánh Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để nộp hồ sơ. Do đã bàn bạc từ trước, đối tượng Hòa đã đứng sẵn trong chi nhánh, khi thấy Tuyết và chị Tr. đến thì Hòa với vẻ đạo mạo của lãnh đạo ngân hàng làm bộ tình cờ đi ra. Hòa tự xưng là Hoàng, Giám đốc chi nhánh và hứa chắc như đinh đóng cột là sẽ nhận chị Tr. vào làm việc.
Chị Tr. tưởng thật, sau đó đã đưa Tuyết 250 triệu đồng để nhờ xin việc. Tuyết cầm tiền và bảo với một người bạn làm việc tại ngân hàng A. cho Tr. vào học việc ba tháng. Hết thời gian học việc, chị Tr. thấy mình không được ký hợp đồng chính thức nên đã nhiều lần giục Tuyết, nhưng Tuyết khất lần. Chị Tr. sau đó tự điều tra, phát hiện giám đốc chi nhánh không phải là Hòa và đã trình báo với cơ quan Công an.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Tuyết đã lừa thêm 4 bị hại khác có nhu cầu xin việc làm tại ngân hàng, chiếm đoạt số tiền gần 1 tỷ đồng. Hòa chiếm đoạt của 3 bị hại số tiền gần 700 triệu đồng. Trước đó, Tuyết đã từng thụ án 7 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học cảnh tỉnh mà tiếp tục "ngựa quen đường cũ".
Cũng với thủ đoạn giả là cán bộ ngân hàng, Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1984, ở quận Long Biên, Hà Nội) đã giở trò lừa đảo chiếm đoạt số tiền của người dân là hơn 1 tỷ đồng.
Vốn làm nghề phun xăm thẩm mỹ, Nguyệt luôn rêu rao là nhân viên Ngân hàng V. và có quan hệ với lãnh đạo ngân hàng, có thể xin được việc làm vào ngân hàng này với chi phí từ 280-300 triệu đồng/trường hợp. Nguyệt còn tung thông tin đã xin cho một người vào làm việc tại ngân hàng.
Do tin tưởng, anh N.P.A đã "gom" hồ sơ của 7 người quen, giao cho Nguyệt để nhờ xin việc. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh P.A đã nhiều lần đưa cho Nguyệt tổng số tiền 1,34 tỷ đồng. Những lần giao tiền, Nguyệt đều viết giấy biên nhận nên anh P.A rất tin tưởng.
Sau khi nhận hồ sơ và tiền, Nguyệt đã chuyển lại cho anh P.A 6 quyết định tuyển dụng của ngân hàng và 3 hợp đồng lao động đã ký tên, đóng dấu. Để được đi làm, theo yêu cầu của Nguyệt - những người này phải đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngân hàng.
Đến thời hạn đi làm, những người này cầm hồ sơ và quyết định tuyển dụng đến ngân hàng thì tá hỏa khi nhận thông tin toàn bộ hợp đồng, quyết định là giả mạo. Anh P.A đã tra hỏi thì Nguyệt viện nhiều lý do để lẩn tránh, buộc anh P.A phải bỏ tiền túi để trả lại cho các bị hại. Sau nhiều lần đòi tiền bất thành, anh P.A đã gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra.
Làm nghề phun xăm thẩm mỹ, song Nguyễn Thị Nguyệt chăn được hàng tỷ đồng của bị hại với chiêu lừa đảo xin việc vào ngân hàng. |
Kiếm tiền tỷ từ lừa "chạy" vào biên chế lực lượng vũ trang
Nếu như cặp đôi Tuyết - Hòa cùng nhữ quái Nguyệt chuyên giở bài chạy vào ngân hàng để khiến nhiều người dân sập bẫy thì Nguyễn Vũ Giang (SN 1983, thường trú ở xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội) lại chuyên lừa chạy vào các trường Công an.
Bà Lê Thị Đ. (thường trú ở Ba Vì, Hà Nội) có con trai tên T. (SN 1997 có thời gian là chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Được một người bà con chắp mối, bà Đ. đã chuyển cho Giang số tiền hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên nhận tiền xong, Giang không làm gì để giúp con bà Đ.
Nạn nhân thứ hai của Giang là ông Nguyễn Văn H. Cuối tháng 10-2017, ông H. nhờ Giang xin cho con trai là chiến sĩ nghĩa vụ tại Công an huyện Phú Xuyên được vào biên chế.
Một quyết định tuyển dụng giả mạo của đối tượng. |
Hứa hẹn với bị hại này, Giang quả quyết trong vòng 2 tháng sẽ xin được cho con trai ông H. vào học tại Trường Trung cấp Công an hoặc chuyển chuyên nghiệp biên chế trong ngành với chi phí 650 triệu đồng. Ông H. đồng ý và đã giao cho Giang 650 triệu đồng.
Thế nhưng sau khi nhận tiền, Giang không xin được việc như đã cam kết và cũng không trả lại tiền cho ông Hưng... Tài liệu điều tra từ cơ quan Công an xác định, Nguyễn Vũ Giang không có chức năng xin học, xin chuyển chuyên nghiệp vào ngành Công an nhưng vẫn giới thiệu với nhiều người rằng anh ta có thể xin học vào các trường Trung cấp Công an nhân dân và xin cho các trường hợp khi hết thời gian nghĩa vụ Công an được chuyển chuyên nghiệp biên chế trong ngành.
Tin tưởng Giang, một số người đã đưa tiền và hồ sơ để bị can này giúp xin học và xin vào ngành Công an nhưng sau đó bị lừa. Tổng số tiền mà Giang lừa đảo chiếm đoạt của hai bị hại trong vụ án là hơn 1,1 tỷ đồng.