Mạo danh giám đốc và kế toán ngân hàng lừa đảo người xin việc làm

Thứ Hai, 22/06/2015, 09:19
Trần Gia Hòa, 38 tuổi, ở xã An Đạo, huyện Phù Ninh, Phú Thọ và Nguyễn Thị Tuyết, 37 tuổi, ở xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội không có nghề nghiệp ổn định. Trong thời gian lang thang kiếm việc làm ở Hà Nội, Hòa và Tuyết tình cờ gặp nhau. Với mục đích cần kiếm nhiều tiền, Hòa và Tuyết đã bàn nhau đi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu xin việc vào một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội. Trước khi gây ra vụ án này, Tuyết đã có hai tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiện vẫn chưa được xóa án tích.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, sau khi nhận được đơn tố giác của một số bị hại trong vụ án này, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tiến hành điều tra và có đủ cơ sở xác định, để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu xin việc, tùy theo đối tượng mà Tuyết sẽ vào vai Kế toán ngân hàng A, ngân hàng B hoặc một số vai khác. Hòa sẽ vào vai Giám đốc hoặc Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng A hoặc ngân hàng B, với mục đích để tránh xảy ra trùng lặp, khiến những người có nhu cầu xin việc nghi ngờ.

Trong các vụ hợp tác lừa đảo, Tuyết là người nhận tiền của người xin việc, sau đó sẽ tổ chức đưa người có nhu cầu xin việc đến chi nhánh của một số ngân hàng. Hòa sẽ đến chi nhánh ngân hàng trước rồi giả làm Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh và vờ như vô tình gặp Tuyết đưa người đến xin việc.

Nạn nhân đầu tiên của Tuyết và Hòa là chị Nguyễn Thị Thùy Trang, quê ở Nam Định. Sau khi nhận hồ sơ xin việc của chị Trang (qua người môi giới giới thiệu), Tuyết đã bàn với Hòa là đưa chị Trang đến chi nhánh của một ngân hàng lớn để tiến hành lừa đảo.

Theo kế hoạch, Hòa đến chi nhánh Bách Khoa trước và đứng ở sảnh chính. Khi thấy Tuyết và chị Trang đi vào thì Hòa chủ động bước ra. Lúc đó, Tuyết chỉ vào Hòa và giới thiệu với chị Trang rằng: “Đây là anh Hoàng, Giám đốc chi nhánh”. Sau đó, Tuyết tiếp tục giới thiệu chị Trang là người nộp hồ sơ xin việc vào chi nhánh này mà hôm trước Tuyết đã đưa cho Hòa. Hòa nói với Trang: “Anh nhớ rồi. Hồ sơ của em còn thiếu đơn xin việc, em về làm bổ sung thêm và nộp sớm. Sau khi hồ sơ của em đầy đủ, anh sẽ nhận em vào thử việc”.

Chị Trang dễ dàng sa bẫy nên sau đó đã đưa cho người môi giới số tiền 300 triệu đồng như thỏa thuận từ trước. Số tiền đó người môi giới tự giữ lại một phần để chiếm hưởng, còn lại đưa cho Tuyết 250 triệu đồng. Đến hẹn không thấy mình được ký hợp đồng làm việc, chị Trang hỏi lại thì Tuyết liên tục khất lần cho đến khi hành vi lừa đảo bị lật tẩy. 

Hai đối tượng Tuyết và Hòa.

Cũng bằng thủ đoạn trên, chỉ trong thời gian ngắn, Hòa và Tuyết đã gây ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác nhau. Trong đó, Hòa và Tuyết liên kết gây ra ba vụ lừa đảo, Tuyết gây thêm một vụ lừa đảo khác. Cơ quan điều tra xác định, tổng số tiền mà Tuyết đã lừa đảo của 4 bị hại là 990 triệu đồng; Hòa lừa đảo 3 bị hại là 690 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án này còn một số người “môi giới”. Tuy nhiên quá trình điều tra xác định, một số người môi giới không biết hành vi lừa đảo của Hòa và Tuyết. Mục đích môi giới của họ chỉ để hưởng chênh lệch một phần tiền của người xin việc. Khi vụ án xảy ra, một số người môi giới đã tự nguyện nộp lại số tiền đã hưởng chênh lệch trái pháp luật nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý đối với họ.

Ngày 19/6, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này. Quá trình xét xử, hai bị cáo Tuyết và Hòa đã nhận tội. Nhưng lời khai giữa bị cáo và bị hại không trùng khớp với số tiền chiếm đoạt như cáo trạng đã nêu. Xét thấy điều này không thể làm rõ được tại phiên tòa nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ, đề nghị làm rõ số tiền mà hai bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại, cũng như số tiền mà người môi giới đã nhận trước đó. Trên cơ sở đó, HĐXX mới có đủ căn cứ để tuyên án.

Vụ án chưa kết thúc. Đối tượng phạm tội tiếp tục bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra. Nhưng mong rằng, qua vụ án này là bài học cảnh tỉnh mỗi người hãy nêu cao cảnh giác để tránh mắc bẫy kẻ lừa đảo. 

Nguyễn Hưng
.
.
.