Bất ổn mới của Uber

Thứ Năm, 12/10/2017, 13:46
Campuchia vừa trở thành quốc gia thứ 78 sử dụng Uber và theo ông Brooks Entwistle, Giám đốc kinh doanh phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Uber, trước mắt Uber chỉ hoạt động ở Thủ đô Phnom Penh, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh, thành khác của nước này.


Campuchia là một trong những nước đầu tiên mà Uber khai trương hoạt động khi khung pháp lý liên quan đến dịch vụ gọi xe được ban hành. Và việc này diễn ra trong bối cảnh Thủ đô London, Anh rút giấy phép, khiến CEO Dara Khosrowshahi phải xin lỗi cùng cam kết sẽ có những thay đổi nhằm đáp ứng các quy định của "xứ sở sương mù". 

Trước đó (22-9), Cơ quan Giao thông London thông báo  rút giấy phép hoạt động của Uber tại thành phố này từ cuối tháng 9, ảnh hưởng đến hơn 40.000 lái xe tham gia mạng lưới cung cấp dịch vụ này. 

Thị trưởng London Sadiq Khan ủng hộ quyết định kể trên. Theo quy định của luật pháp Anh, Uber có 21 ngày để kháng cáo và có thể tiếp tục hoạt động cho đến khi thủ tục này hoàn tất. Ngoài London, Uber còn đang có nguy cơ mất giấy phép tại tỉnh Quebec của Canada cũng như bị điều tra về lách luật tại châu Á. 

Philippines cũng vừa dỡ bỏ lệnh đình chỉ hoạt động của Uber sau khi hãng này chấp nhận nộp gần 10 triệu USD tiền phạt và hỗ trợ tài chính cho tài xế (gần 67.000 người). Được biết, số tiền trên cao gần gấp 20 lần số tiền Uber đề nghị nộp trước đó để được tái hoạt động.

Được biết, sau khi trở về từ London, ông Dara Khosroshahi tuyên bố phải cải tổ bộ máy vận hành của Uber. Theo đó, chấp nhận khoản đầu tư hơn 1 tỷ USD từ Softbank Group và Ban điều hành sẽ có 17 thành viên, trong đó 2 ghế từ nhà đầu tư mới. Và Uber có thể sẽ tiến hành IPO trong năm 2019. 

Cựu Giám đốc điều hành Travis Kalanick.

Giới chuyên môn cho rằng, ông Dara Khosrowshahi phải nhanh chóng bổ nhiệm các cấp điều hành bằng những lãnh đạo có kinh nghiệm; chấn chỉnh tinh thần nhân viên và văn hóa của Uber; tạo lợi nhuận và tránh đối thủ cạnh tranh; cải thiện mối quan hệ với tài xế; chống lại các vụ kiện, rủi ro pháp lý và các luật lệ; thương lượng với SoftBank và chuẩn bị lối thoát; xử lý bất đồng trong Hội đồng quản trị. 

Theo giới truyền thông, vì nhậm chức đúng thời điểm Bộ Tư pháp Mỹ đang tiến hành cuộc điều tra sau các cáo buộc đã hối lộ quan chức ở nhiều quốc gia để nhận những ưu đãi trong hoạt động kinh doanh tại nước sở tại, nên ông Dara Khosrowshahi cảm thấy nhiều bất ổn, thậm chí lo sợ trước cương vị mới. 

Ông Dara Khosrowshahi thay thế người tiền nhiệm Travis Kalanick trong bối cảnh Uber đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất với hàng loạt rắc rối về pháp lý và mâu thuẫn nội bộ. Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã cấm Uber hoạt động. Được biết, đúng hôm ông Dara Khosrowshahi ra mắt tại Uber, cũng là thời điểm tòa khai đình xét xử vụ kiện giữa ông Travis Kalanick với Quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark Capital. 

Theo giới truyền thông, Quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark Capital đã kiện ông Travis Kalanick nhằm loại bỏ cựu CEO phải rời khỏi Hội đồng quản trị của Uber. Vì theo Benchmark Capital, ông Travis Kalanick không hề thông báo với Hội đồng quản trị về một loạt hành vi sai phạm và vẫn đang cố nắm quyền khi buộc phải từ chức hồi tháng 6.

Và bóng mây u ám vẫn đang bao phủ lên Uber, startup có giá trị lớn nhất thế giới, khi những mâu thuẫn và rắc rối cũ chưa giải quyết xong, khó khăn mới đã xuất hiện. 

Giám đốc phụ trách kinh doanh Uber Emil Michael vừa phải rời khỏi công ty sau cuộc điều tra về cáo buộc quấy rối nhân viên và văn hóa doanh nghiệp tại đây. 

Điều đáng nói là cựu CEO Travis Kalanick vẫn có chân trong Hội đồng quản trị và giữ một vai trò đáng kể trong các quyết định của Uber. Việc bổ nhiệm thêm 2 thân cận vào Hội đồng quản trị, nhưng không thông qua ý kiến các thành viên khác, đang khiến cho mâu thuẫn trong Ban điều hành Uber gia tăng. Ông Dara Khosrowshahi coi đây là hành động "đáng thất vọng" và kêu gọi Uber cần có một sự thay đổi trong văn hóa điều hành. 

Uber cho biết, doanh thu của hãng vẫn tăng đều bất chấp việc ông Travis Kalanick phải từ chức. Theo số liệu thống kê vừa được đăng trên trang mạng Axios, thực thu đã có điều chỉnh của Uber trong quý II-2017 là 1,75 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, còn mức thua lỗ thực tế được điều chỉnh giảm gần 14%, xuống còn 645 triệu USD.

Quyết định chọn ông Dara Khosrowshahi được coi là bất ngờ bởi trước đó có nhiều ứng cử viên tiềm năng như cựu CEO Công ty General Electric (GE) Jeff Immelt hay Meg Whitman, Giám đốc hãng máy tính HP. Là dân nhập cư từ Iran (khi lên 9 tuổi), nhưng ông Dara Khosrowshahi đã sớm tạo dựng sự nghiệp trong ngành công nghiệp tài chính Mỹ. Ông Dara Khosrowshahi được người trong giới coi là "tiểu Bill Gates" của Uber. Bởi ông khởi đầu khó khăn, là dân dealmaker chính hiệu, là đối thủ không khoan nhượng trên thương trường và không sợ đối đầu với Tổng thống Donald Trump. 


Thiện Lân
.
.
.