Bằng chứng giết người của cảnh sát Mỹ

Thứ Năm, 06/10/2016, 08:24
Cảnh sát thành phố San Diego, bang California đã quyết định công bố các đoạn video ghi lại cảnh ông Alfred Olango, 38 tuổi, một người tị nạn Uganda, không vũ trang bị cảnh sát da trắng bắn chết tại thị trấn El Cajon. 


Trao đổi với báo giới hôm 30-9, Cảnh sát trưởng thị trấn El Cajon Jeff Davis cho biết, mục đích công bố các đoạn video kể trên nhằm làm sáng tỏ, cũng như phần nào xoa dịu mối quan ngại của cộng đồng liên quan đến vụ nổ súng này. Theo đoạn video do một camera giám sát và một điện thoại di động quay lại cho thấy, nạn nhân Alfred Olango, đã bị 2 cảnh sát chặn lại tại khu vực đỗ xe của một khu mua sắm.

Và ông Alfred Olango đã bị bắn sau khi cầm một vật hình trụ chỉ vào mặt một trong 2 cảnh sát. Vật này sau đó được xác định là một ống xịt không mùi. Hai cảnh sát bắn chết ông Alfred Olango đã bị đình chỉ công tác.

Cảnh sát thành phố San Diego cho biết, cảnh sát bắn chết ông Alfred Olango vào chiều 27-9 và dư luận coi đây là hành vi thiếu công bằng và phân biệt chủng tộc. Chị gái của ông Alfred Olango có mặt tại hiện trường đã báo với cảnh sát là em trai bị tâm thần, nhưng họ vẫn nổ súng. Người biểu tình đã tràn xuống các con phố, ném chai lọ, gạch đá vào phương tiện giao thông và đập vỡ cửa kính ôtô. Một số cửa hàng đã phải đóng cửa hôm 30-9, trong khi các trường học đều cho học sinh nghỉ sớm do lo ngại tình trạng bạo lực.

Hình ảnh được chụp lại từ một đoạn video do Cảnh sát thị trấn El Cajon công bố.

Theo lời Cảnh sát trưởng Jeff Davis, 2 cảnh sát kể trên đã nhận được thông báo về một người có dấu hiệu thần kinh không ổn định gây cản trở giao thông ở thị trấn El Cajon. Và ông Alfred Olango đã phớt lờ lời kêu gọi của cảnh sát bỏ tay khỏi túi quần và có chắp hai tay vào nhau ở tư thế như cầm súng nhằm bắn cảnh sát.

Cũng theo ông Jeff Davis, người nhà nạn nhân Alfred Olango từ chối xem các đoạn video kể trên. Việc công bố các đoạn video được thực hiện sau khi các cuộc biểu tình phản đối vụ cảnh sát da trắng bắn chết người da màu biến thành bạo lực. Đây là cuộc biểu tình mới nhất liên quan đến căng thẳng sắc tộc tại Mỹ sau các vụ biểu tình bạo loạn kéo dài trong nhiều ngày tại hai thành phố Charlotte, bang North Carolina và Tulsa, bang Oklahoma để lên án các vụ việc tương tự.

Trước đó (29-9), hãng CNN cho biết, một thẩm phán bang Louisiana đã quyết định cho công bố một đoạn video từ máy quay an ninh gắn trên người cho thấy, cảnh sát đã xả súng vào một chiếc ôtô, và vô tình giết chết bé trai Jeremy Mardis 6 tuổi đang ở bên trong. Mặc dù vụ việc xảy ra từ tháng 9-2015, nhưng những hình ảnh về vấn đề này vừa được công bố.

Giám đốc Sở cảnh sát bang Louisiana sau khi xem xong đoạn video này đã thốt lên rằng, đó là điều ám ảnh nhất mà tôi từng nhìn thấy. Video xuất phát từ máy quay an ninh trên người một cảnh sát cho thấy, khung cảnh bối rối của các sĩ quan khi họ bàn luận về cách giải quyết bởi Jeremy Mardis đã bị bắn chết với 5 vết đạn ở đầu và ngực.

Giáo viên của Jeremy Mardis cho biết, cậu bé mắc chứng tự kỷ và không thể giao tiếp bằng lời. Hai cảnh sát bị truy tố tội giết người trong vụ này là Derrick Stafford, 32 tuổi và Norris Greenhouse, 23 tuổi và họ sẽ có mặt tại phiên xét xử vào cuối năm nay.

Được biết, 2 cảnh sát kể trên muốn bắt Christopher Few sau khi họ chứng kiến cuộc cãi lộn giữa người này với bạn gái trước một quán rượu địa phương. Cuộc rượt đuổi ôtô của cảnh sát với nghi phạm kết thúc trong tiếng súng tại một con phố cụt ở Marksville, bang Louisiana.

Ngày 30-9, Sở cảnh sát thành phố New York, đã quyết định đầu tư thêm 1.000 chiếc camera theo dõi cá nhân, nhằm kiểm soát lực lượng hành pháp và cung cấp thêm bằng chứng cho các điều tra sau khi liên tiếp xảy ra những vụ cảnh sát bắn chết người da màu tại nhiều khu vực trong cả nước.

Theo tờ Daily News, kế hoạch mua sắm kể trên là một phần trong hợp đồng 5 năm trị giá 6,42 triệu USD giữa Sở Cảnh sát New York và nhà sản xuất Vievu LLC có trụ sở ở Seattle. Việc trang bị camera cá nhân (khá nhỏ gọn, chống nước, chống sốc tốt và có thể dễ dàng gắn trên đồng phục cảnh sát) cho lực lượng Cảnh sát New York bắt đầu từ tháng 12-2014, khoảng 6 tháng sau khi xảy ra cái chết của người đàn ông da màu Eric Garner liên quan đến cảnh sát.

Bài phát biểu hôm 26-9 của Zianna Oliphant, bé gái da màu 9 tuổi tại Hội đồng thành phố Charlotte, bang North Carolina đã khiến những khán giả có mặt lặng người - Cháu cảm thấy chúng cháu bị phân biệt đối xử... Và thật đau lòng khi cha mẹ chúng cháu bị giết và chúng cháu không còn được gặp họ nữa.

Theo thống kê của tờ Washington Post, kể từ đầu năm đến ngày 22-9, tại Mỹ đã có hơn 700 người bị cảnh sát bắn chết, trong đó có 173 người Mỹ gốc Phi.
Mạnh Tường
.
.
.