Ấn Độ:

Cảnh sát thiệt hại vì bạo loạn tranh giành nước

Thứ Ba, 04/10/2016, 09:01
Nguồn nước sông Cauvery đã gây ra những căng thẳng giữa các bang miền Nam của Ấn Độ trong hơn một thế kỷ, tạo ra nhiều cuộc xung đột. 


Năm 1991, một lệnh từ tòa án yêu cầu bang Karnataka xả nước đến bang Tamil Nadu đã dẫn đến các cuộc bạo loạn chống lại người Tamil ở thành phố Bengaluru, khiến hơn 18 người thiệt mạng. Tình hình này vẫn đang tiếp diễn những năm gần đây.

Ấn Độ đã triển khai nhiều đơn vị cảnh sát chống bạo động đến Trung tâm Công nghệ thông tin ở thành phố Bengaluru, để kiềm chế một cuộc biểu tình tranh chấp nước sông giữa các bang. Ít nhất 1 người thiệt mạng và hàng chục người đã bị thương nặng khi cảnh sát nổ súng để dập tắt cuộc bạo loạn sau đó.

Tranh giành nguồn nước sông Cauvery gây bạo loạn.

Theo hãng tin Reuters, 15 cảnh sát đã bị thương sau khi những người biểu tình đốt cháy nhiều xe ôtô hay xe buýt ngay trước Trung tâm Công nghệ thông tin của Ấn Độ và ném đá vào lực lượng an ninh.

Cảnh sát cho biết, hệ thống tàu điện ngầm của thành phố Bengaluru đã tạm thời ngừng hoạt động cho đến khi tình hình được kiểm soát.

Bạo lực nổ ra sau khi Tòa án Tối cao của Ấn Độ ban hành lệnh yêu cầu bang Karnataka cung cấp 340 mét khối nước mỗi giây từ sông Cauvery cho bang Tamil Nadu.

Tuy nhiên, nhiều người đã phản đối mệnh lệnh của Tòa án và cho rằng chính quyền bang Karnataka không nên cung cấp nước cho người Tamil tại bang Tamil Nadu. Cảnh sát chống bạo động được bố trí chắn giữ tại nhiều tuyến đường trong khu vực xung quanh Trung tâm Công nghệ Thông tin.

Việc tập trung tại các địa điểm công cộng bị cấm trong một nỗ lực của chính quyền bang Karnataka để kiềm chế tình trạng bất ổn.

“Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai trên toàn thành phố. Chúng tôi kêu gọi người dân hãy bình tĩnh và không hoảng loạn”, cảnh sát thành phố Bengaluru cho biết trên Twitter.

Một quan chức thành phố nhấn mạnh rằng, hơn 15.000 nhân viên an ninh đã được điều động, bao gồm cả cảnh sát chống bạo động và lực lượng an ninh biên giới.

Một nhân chứng cho biết, một nhóm 20-30 người biểu tình có trang bị gậy và đá đã tấn công cảnh sát hay đốt cháy nhiều xe trong khu vực. Trong khi nhiều người khác nói rằng hàng loạt lốp xe bị đốt cháy trên đường phố.

Các kênh truyền hình địa phương cũng cung cấp những hình ảnh cho thấy nhiều xe buýt bị thiêu rụi trong khi một số đám đông tụ tập gần đó và la hét phản đối. Nhiều người biểu tình vẫy cờ của bang Karnataka và hô to những khẩu hiệu phản đối lại lệnh của tòa án.

Những tài xế có xe đăng ký tại bang Tamil Nadu buộc phải lẩn trốn khi đám đông giận dữ tấn công bất cứ ai có liên quan đến bang này. Ít nhất 1 tài xế xe tải đã bị đánh bằng gậy, một nhân chứng nói với hãng tin Reuters.

Xung đột vì nguồn nước tại Ấn Độ ngày càng phức tạp

Nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt đã khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Ấn Độ rơi vào tình cảnh li tán do không thể sinh sống và canh tác ngay tại quê hương của mình. Tại Ấn Độ, các con sông ngày càng trở nên ô nhiễm, trong khi lượng nước ngầm dự trữ tại các giếng khoan đang giảm nhanh chóng do hạn hán.

Nắng nóng kỷ lục kéo dài tại Ấn Độ khiến nguồn nước cạn kiệt. Nhiệt độ tại hầu hết các bang ở Ấn Độ luôn ở mức trên dưới 45 độ C, có những vùng ở bang Rajasthan đã lên tới 51 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận tại Ấn Độ. 29 tiểu bang ở Ấn Độ chính thức thông báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho đến cuối tháng 10.

Những người dân nghèo ở Ấn Độ không có nước sạch sinh hoạt, buộc phải chi 1/5 thu nhập trung bình để mua nước mỗi ngày.

Nguyễn Minh (Tổng hợp)
.
.
.