Pakistan và Ấn Độ thử thách kiên nhẫn của đối phương

Chủ Nhật, 02/10/2016, 08:17
Căng thẳng giữa hai quốc gia sở hữu sức mạnh hạt nhân, Ấn Độ và Pakistan dường như đã lên tới đỉnh điểm khi Ấn Độ thông báo không tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), dự kiến diễn ra tại Thủ đô Islamabad của Israel vào tháng 11 tới, vì không có bầu không khí thuận lợi để hội nghị này thành công.

 

Ngay sau tuyên bố này, Bộ Ngoại giao Israel đã ra thông báo cho hay nước này đã hoãn tổ chức SAARC.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho hội nghị đến nay đã được hoàn tất. Tuy nhiên “Pakistan lấy làm tiếc về việc Ấn Độ quyết định cản trở tiến trình của SAARC khi không tham dự Hội nghị cấp cao SAARC lần thứ 19. Thời điểm tổ chức hội nghị sẽ sớm được công bố thông qua Nepal, nước đang giữ chức chủ tịch Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á.

Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif mong chờ được đón tiếp lãnh đạo các nước SAARC tham dự hội nghị, đồng thời khẳng định mọi công tác chuẩn bị để hội nghị diễn ra tốt đẹp đã được hoàn tất. Tuy nhiên, phía Pakistan khẳng định Hội nghị cấp cao SAARC sẽ không được tổ chức kể cả khi chỉ một thành viên từ chối tham dự.

Binh sỹ Ấn Độ đi tuần tra dọc đường biên giới với Pakistan. Ảnh: Reuters.

Ấn Độ trước đó thông báo chính phủ nước này không thể tham dự hội nghị cấp cao Nam Á, nhấn mạnh tình trạng các vụ tấn công khủng bố qua biên giới gia tăng trong khu vực và việc một quốc gia can thiệp ngày càng nhiều vào công việc nội bộ của các nước thành viên đã tạo ra bầu không khí không thuận lợi để tổ chức thành công hội nghị ở Islamabad. Afghanistan, Bangladesh và Bhutan ngay sau đó cũng cho biết không thể tham dự cuộc họp.

Tuyên bố hủy chuyến đi tới tham dự hội nghị thượng đỉnh SAARC của Ấn Độ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi ông Sartaj Aziz - cố vấn về các vấn đề ngoại giao của Thủ tướng Nawaz Sharif cảnh báo New Delhi đang chặn dòng lấy thêm nước từ 3 con sông chảy từ Ấn Độ tới Pakistan. Islamabad sẽ cân nhắc đưa trường hợp này lên tòa án có nhiệm vụ giám sát Hiệp ước chia sẻ nguồn nước sông Ấn để xét xử.

Ấn Độ cho biết nước này không có ý định hủy bỏ hiệp ước, song Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng, nước này sẽ rút “hết cỡ” số lượng nước họ sử dụng mà không vi phạm hiệp ước. Ông Aziz cảnh báo, nếu Ấn Độ hủy bỏ hiệp ước, Pakistan sẽ xem đó là một “hành động chiến tranh hoặc hành động thù địch chống lại Pakistan”.

Trong khi đó, tại khu vực biên giới giữa Ấn Độ - Pakistan, tình hình vẫn chưa hạ nhiệt. Ấn Độ ngày 1-10 tiếp tục sơ tán người dân từ các ngôi làng gần khu vực biên giới với Pakistan tại bang phía Bắc Punjab, một ngày sau khi tuyên bố tiến hành các vụ tấn công nhằm vào những địa điểm của khủng bố ở bên kia đường Ranh giới kiểm soát (LoC).

Chính phủ Pakistan ngay lập tức bác bỏ tuyên bố này, đồng thời khẳng định không dung thứ cho bất cứ hành động gây hấn nào từ phía Ấn Độ. Ông Aziz cho biết: “Đối với các vấn đề liên quan gần đây, chúng tôi luôn giải quyết theo con đường ngoại giao. Tuy nhiên, nếu họ đưa ra bất cứ hành động nào gây hấn nào, chúng tôi đều sẵn sàng phản ứng. Quân đội chúng tôi rất mạnh và chúng tôi biết cách để làm thế nào bảo vệ chính mình”.

Phía Ấn Độ được cho là đang cân nhắc một cuộc chiến kinh tế và thương mại để cô lập Pakistan. Theo quan chức Ấn Độ, mục tiêu của nước này là gây sức ép để buộc Pakistan phải thay đổi hành động của mình.

Trước tình hình căng thẳng trên, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 30-9 cho biết đang theo dõi tình hình chặt chẽ và hối thúc các bên kiềm chế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết: “Liên quan đến câu hỏi về phản ứng của chính phủ Pakistan và khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, tôi chỉ muốn nói rằng, là các quốc gia sở hữu sức mạnh hạt nhân, các nước cần phải có trách nhiệm rõ ràng về việc kiềm chế sử dụng các loại vũ khí và tên lửa. Đó là thông điệp của chúng tôi trực tiếp gửi tới chính quyền Pakistan”.

Trước đó, hôm 29-9, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã kêu gọi New Delhi và Islamabad cải thiện trao đổi thông tin để tránh các bước đi làm gia tăng căng thẳng. Cùng ngày, người phát ngôn Liên hợp quốc (LHQ) Stephane Dujarric nhấn mạnh, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi Chính phủ Ấn Độ và Pakistan kiềm chế, đồng thời khuyến nghị hai bên tiếp tục những nỗ lực nhằm giải quyết những bất đồng một cách hòa bình và thông qua đối thoại.

Quan chức này cũng cho biết giới chức LHQ đang “rất quan ngại” trước những leo thang căng thẳng ở Kashmir và các nhà quan sát quân sự của LHQ đã liên lạc với cả hai phía Ấn Độ và Pakistan để có thêm thông tin. Trung Quốc cũng cho biết đã liên lạc với cả hai nước Ấn Độ và Pakistan qua nhiều kênh khác nhau để giúp hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời đề nghị các bên xử lý thỏa đáng những bất đồng và hợp tác để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan gia tăng sau vụ tấn công đẫm máu ở khu vực Uri, bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ làm 18 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kết quả điều tra ban đầu do Ấn Độ tiến hành xác định một trong những kẻ tấn công ở Uri là Hafiz Ahmed, người đến từ khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Theo giới quan sát, vụ việc này khiến Thủ tướng Modi đang phải đối mặt với sức ép chính trị trong nước liên quan đến những bước đi với Pakistan. 

Trên thực tế, New Delhi đã cố tìm cách hợp tác với Islamabad nhưng dường như Pakistan không đưa ra nỗ lực nào để buộc nhóm thực hiện vụ tấn công phải chịu trách nhiệm. Những điều này đang thử thách sự kiên nhẫn của Ấn Độ và nước này có thể sẽ có bước đi mạnh hơn nữa với nước láng giềng Pakistan trong thời gian tới.

Khổng Hà
.
.
.