Al-Shabab - tổ chức khủng bố nguy hiểm ở Somalia

Thứ Năm, 24/01/2019, 13:36
Nhóm phiến quân Hồi giáo al-Shabab đang trong cuộc chiến với chính phủ được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở Somalia, và đã thực hiện một loạt cuộc tấn công trên toàn khu vực. Mặc dù đã bị đẩy lui ra khỏi hầu hết các thị trấn chính từng kiểm soát, nhưng al-Shabab vẫn là một mối đe dọa tiềm tàng.

Al-Shabab có nghĩa là "Thanh niên" trong tiếng Ả Rập. Al-Shabab nổi lên như một nhánh thanh niên cực đoan của Liên minh các Tòa án Hồi giáo (UIC) - tổ chức kiểm soát thủ đô Mogadishu của Somalia vào năm 2006 - vốn không còn tồn tại ở Somalia. 

Hiện nay, có rất nhiều báo cáo về các chiến binh thánh chiến nước ngoài - từ các nước láng giềng, cũng như Mỹ và châu Âu - bay đến Somalia để giúp al-Shabab. Chính phủ Mỹ và cả Anh coi al-Shabab là một nhóm khủng bố nguy hiểm nhất ở Sonalia và được cho là có từ 7.000 đến 9.000 chiến binh. 

Nhiều báo cáo rằng al-Shabab có thể đã hình thành một số liên kết với các nhóm chiến binh khác ở châu Phi; như Boko Haram ở Nigeria và AQIM (chi nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Bắc Phi) đặt căn cứ tại sa mạc Sahara. 

Các thành viên al-Shabab từng tranh luận về việc có nên chuyển lòng trung thành sang tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay không sau khi nhóm nổi lên vào tháng 1-2014. 

Cuối cùng, các chiến binh thánh chiến đã từ chối ý tưởng và dẫn đến sự hình thành một phe tách biệt. Al-Shabab hiện nằm dưới sự lãnh đạo của Ahmad Umar hay còn được gọi là Abu Ubaidah. 

Chính quyền Mỹ tuyên bố số tiền thưởng khổng lồ trị giá đến 6 triệu USD cho bất cứ thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ Abu Ubaidah. Chính phủ của Somalia quy trách nhiệm cho al-Shabab trong vụ đánh bom xe tải khổng lồ ở thủ đô Mogadishu vào tháng 10 năm 2017, giết chết ít nhất 500 người. Đó là vụ đánh bom kinh hoàng nhất ở Đông Phi. 

Tuy nhiên, al-Shabab tuyên bố không nhận trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố tàn bạo. Nhưng, Al-Shabab chính thức xác nhận đã thực hiện một cuộc tấn công lớn vào một căn cứ quân sự Kenya ở thị trấn el-Ade của Somalia vào tháng 1-2016, giết chết khoảng 180 binh sĩ - theo Tổng thống Somalia lúc đó là Hassan Sheikh Mohamud. Quân đội Kenya không công nhận con số này nhưng lại từ chối đưa ra con số chính xác khác. 

Al-Shabab cũng chịu trách nhiệm một số vụ tấn công ở Kenya, bao gồm vụ thảm sát năm 2015 tại Đại học Garissa nước này, gần biên giới với Somalia. Tổng cộng 148 người đã chết khi các tay súng xông vào trường đại học vào lúc bình minh và mục tiêu nhắm vào các sinh viên Cơ đốc. 

Vào năm 2013, các tay súng al-Shabab xông vào trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya và nổ súng khiến ít nhất 67 người thiệt mạng. Trong trận chung kết World Cup bóng đá 2010 giữa Tây Ban Nha và Hà Lan, al-Shabab đánh bom một câu lạc bộ bóng bầu dục và một nhà hàng ở thủ đô Kampala của Uganda, giết chết 74 người đang theo dõi trận đấu. Mặc dù al-Shabab đã mất quyền kiểm soát hầu hết các thị trấn và thành phố, nhưng nó vẫn chiếm ưu thế ở nhiều khu vực nông thôn. 

Các chiến binh al-Shabab bị đẩy lui khỏi Mogadishu vào tháng 8-2011 sau một cuộc tấn công của khoảng 22.000 quân Liên minh châu Phi (AU), và nhóm buộc phải rời Kismayo - cảng lớn nhất ở miền nam Somalia - vào tháng 9-2012. 

Kismayo bị mất đi có nghĩa là nguồn tài chính của al-Shabab bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì cảng là nơi hái ra tiền nhờ thị trường than. Chính quyền Mỹ cũng đã thực hiện hàng loạt chiến dịch không kích, dẫn đến việc giết chết thủ lĩnh của nhóm là Aden Hashi Ayro vào năm 2008 và người kế nhiệm sau đó là Ahmed Abdi Godane.

Các chiến binh al-Shabab ở Somalia.

Tháng 3-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump phê duyệt kế hoạch cho phép Lầu Năm Góc tăng cường các hoạt động chống lại al-Shabab. Năm 2017, Mỹ có hơn 500 binh sĩ đồn trú Somalia và thực hiện 30 cuộc không kích, gấp hơn 4 lần so với con số trung bình được thực hiện vào 7 năm trước đó. 

Mặc dù các hoạt động quân sự đang làm suy yếu al-Shabab, song nhóm vẫn có thể thực hiện các cuộc tấn công liều chết cố gắng giành lại quyền kiểm soát một số thị trấn. 

Năm 2018, AU bắt đầu giảm sự hiện diện của quân đội - khoảng 1.000 người đã rời khỏi Somalia và hơn 1.000 người sẽ tiếp tục rời đi trong thời gian sắp tới. Sự việc xảy ra sau khi AU bị Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm tài trợ trong bối cảnh các cáo buộc tham nhũng trong lực lượng AU - bao gồm các binh sĩ đến từ Uganda, Burundi, Kenya, Ethiopia và Djibouti. 

Trong hơn 20 năm, chính phủ Somalia đã không hoạt động hiệu quả và phần lớn đất nước rơi vào cảnh chiến tranh. Al-Shabab từng giành được sự ủng hộ bằng cách hứa hẹn an ninh cho mọi người dân. Nhưng uy tín của al-Shabab bị sụp đổ khi nhóm thẳng thừng từ chối viện trợ lương thực phương Tây để chống lại nạn hạn hán và nạn đói năm 2011 ở Somalia.

Khi Mogadishu và các thị trấn khác hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ, nhiều người Somalia có cảm giác lạc quan và đã trở về sau khi bị lưu đày, mang theo tiền và kỹ năng của họ. 

Các dịch vụ cơ bản như chiếu sáng đường phố, giặt khô và thu gom rác đã được nối lại tại thủ đô. Mặc dù vậy, Somalia vẫn còn quá nguy hiểm và bị chia rẽ để tổ chức các cuộc bầu cử dân chủ - lần cuối cùng là vào năm 1969. 

An Di
.
.
.