Ai đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal?

Thứ Hai, 12/03/2018, 08:14
"Không ai liên lạc với chúng tôi với yêu cầu như vậy, nhưng Moskva luôn sẵn sàng hợp tác", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố sau khi được hỏi về việc có hợp tác để điều tra vụ việc liên quan tới ông Sergei Skripal, cựu Đại tá tình báo quân đội Nga (GRU), đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị nhiễm chất độc lạ ở miền Tây nước Anh.


Ông Dmitry Peskov còn cho biết, Điện Kremlin không có thông tin về chuyện gì đã xảy ra đối với cựu điệp viên Sergei Skripal, 66 tuổi, được Anh cho tị nạn sau cuộc trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Nga hồi tháng 7-2010.

Động thái kể trên diễn ra sau khi cảnh sát Anh cho biết, họ phát hiện một người đàn ông và một người phụ nữ (có tài liệu nói đó là Yulia, con gái ông Sergei Skripal) bất tỉnh trên chiếc ghế tại trung tâm mua sắm The Maltings ở Salisbury, cách thủ đô London 90 dặm về phía Tây hôm 4-3. Và họ đã được đưa tới bệnh viện vì bị nghi nhiễm chất lạ, hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Ông Craig Holden, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Wiltshire cho biết, 2 người kể trên đang được điều trị vì bị nghi tiếp xúc với một chất chưa được xác định và họ đều trong tình trạng nguy kịch. Theo ông Craig Holden, cảnh sát bỏ ngỏ nhiều khả năng về nguyên nhân vụ việc và đang phối hợp với các đối tác để chẩn đoán cho các nạn nhân.

Cảnh sát Anh tại hiện trường nơi 2 nạn nhân được tìm thấy.

Được biết, sau khi bị bắt ở Moskva năm 2004, ông Sergei Skripal thừa nhận đã bị cơ quan tình báo Anh (MI6) tuyển mộ từ năm 1995. Và kể từ đó, ông Sergei Skripal đã cung cấp thông tin về các điệp viên GRU ở châu Âu, và được MI6 trả 100.000 USD.

Tới tháng 8-2006, ông Sergei Skripal bị kết án 13 năm tù vì tội làm gián điệp cho Anh. Khi đó, giới truyền thông dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB), so sánh những tổn thất do ông Sergei Skripal gây ra tương đương với tổn thất mà cựu Đại tá GRU Oleg Penkovsky đã gây ra cho Liên Xô trước đây - bị xử tử hình năm 1963 sau khi bị buộc tội làm gián điệp cho Mỹ và Anh.

Theo giới truyền thông, sau khi được ân xá và trả tự do sau cuộc trao đổi điệp viên giữa Mỹ và Nga, ông Sergei Skripal tới Anh định cư và được cấp nhân thân mới, nhà ở và hưởng trợ cấp. Nhưng theo giới thạo tin, giấy tờ nhà lại đứng tên ông Sergei Skripal và được mua với giá 260.000 bảng Anh ngày 12-8-2011, chỉ một năm sau khi được phóng thích.

Trợ lý cảnh sát thủ đô Mark Rowley, người đứng đầu cơ quan chống khủng bố tại Anh tuyên bố, vụ này sẽ trở thành một cuộc điều tra chống khủng bố "nếu cần thiết". "Đây là một trường hợp rất bất thường và điều quan trọng nhất là phải tìm ra được nguyên nhân của nó nhanh nhất có thể", ông Mark Rowley nói với chương trình "Today" của đài BBC Radio 4.

Được biết, ông Sergei Skripal từng nói với cảnh sát Anh rằng, cảm thấy tính mạng đang bị đe dọa. Ngay sau khi biết tin, ông Igor Sutyagin, cựu điệp viên được trao đổi cùng ông Sergei Skripal, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao của tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute ở London tuyên bố, chưa đủ bằng chứng để buộc tội ai muốn ám sát cựu Đại tá tình báo Nga. Tờ Daily Mail cho rằng, ông Sergei Skripal đã bị trừ khử bởi đồng nghiệp cũ ở GRU.

Ngày 6-3, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, London sẽ phản ứng "phù hợp và mạnh mẽ" trước bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của Nga trong vụ việc này. "Sự cố" của ông Sergei Skripal khiến dư luận và giới chuyên môn nhắc tới vụ đầu độc cựu điệp viên FSB Alexander Litvinenko, người đã chết (tại Bệnh viện Đại học Y khoa London hôm 23-11-2006) sau một thời gian bị nhiễm chất phóng xạ polonium-210 tại khách sạn Millennium ở trung tâm London năm 2006.

Gần 4 năm trước (22-7-2014), khi phát biểu tại Quốc hội Anh, nữ Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May tuyên bố, sẽ mở một cuộc điều tra công khai về cái chết của cựu điệp viên Alexander Litvinenko. Cuộc điều tra công khai đồng nghĩa với việc các nhà điều tra Anh có thể xem xét tới khả năng liệu Moskva có đứng sau vụ sát hại ông Alexander Litvinenko hay không.

Trước đó (21-9-2012), tờ Russia Today từng đưa tin, Anh tuyên bố sẽ mở lại cuộc điều tra về cái chết bí ẩn của ông Alexander Litvinenko và việc này sẽ được khởi động vào đầu năm 2013. Khi đó, giới truyền thông cho rằng, cuộc điều tra sẽ được mở theo hướng giải mã các bí ẩn về công việc thật sự của ông Alexander Litvinenko trước khi chết.

Moskva đã có phản ứng ngay sau khi báo chí Anh đăng tải thông tin, theo đó cơ quan tình báo Nga đứng sau vụ đầu độc ông Alexander Litvinenko, cựu Trung tá, chuyên gia chống tội phạm có tổ chức ở Cơ quan An ninh Nga. Gần 5 năm trước (17-3-2013), tờ Sunday Times tiết lộ, MI6 đã trả ít nhất 90.000 bảng Anh cho cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko. Ngoài tiền, MI6 còn cấp cho ông Alexander Litvinenko một hộ chiếu giả.

Phạm Huy Anh
.
.
.