Ai Cập kêu gọi Interpol bắt thành viên MB lưu vong
Theo hãng tin MENA, Ai Cập đã gửi Interpol bản danh sách những người đang bị truy nã, trong đó có thủ lãnh Youssef El-Qaradawi, nhà truyền giáo đạo Hồi Wagdi Ghonem, cựu Bộ trưởng Đầu tư Yehia Hamed, cựu Thủ tướng Hesham Qandil, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Gamaa Al-Islamiya…
Gần 2 tháng trước (8-5), một Tòa án ở Ai Cập đã tuyên án tù chung thân đối với thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB Mohamed Badie (trước đó bị tuyên án tử hình cùng 5 nhân vật chủ chốt khác của MB).
Ai Cập cũng đã bác bỏ đơn kháng cáo của 18 thành viên MB trong việc xem lại quyết định đưa MB vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trước đó (27-12-2016), Tòa án Hình sự Cairo đã ra lệnh phóng thích 10 bị cáo trong vụ giải tán người biểu tình ngồi tại quảng trường Rabaa, trong đó có ông Mohammed Badie với lý do sức khỏe.
Thủ lĩnh tinh thần tối cao của MB Mohamed Badie. |
MB bị coi là tổ chức khủng bố từ tháng 12-2013 sau khi tiến hành các cuộc tấn công chết người nhằm vào lực lượng an ninh và cảnh sát do những người ủng hộ cựu Tổng thống Hồi giáo Mohammed Morsi tiến hành. Trong chuyến thăm Mỹ mới đây, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thuyết phục Tổng thống Donald Trump coi MB là tổ chức khủng bố.
Kể từ năm 2014 đến nay, Ai Cập đã nhiều lần kêu gọi bắt các thành viên MB đang lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Việc này diễn ra sau khi một Tòa án ở Ai Cập tuyên án tử hình 20 người với cáo buộc đã giết hại cảnh sát trong làn sóng bạo lực sau vụ lật đổ cựu Tổng thống Mohammed Morsi năm 2013.
Những người bị kết án tử hình nằm trong số 156 người ủng hộ MB. Gần 2 tháng trước (15-5), người đứng đầu Ủy ban Truyền thông, Văn hóa và Khảo cổ của Quốc hội Ai Cập Osama Heikal tuyên bố, Quốc hội phản đối bất kỳ hình thức hòa giải nào với MB vào lúc này.
"MB là tổ chức khủng bố, vẫn tiến hành các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào nhà nước và họ đã từ chối thực hiện chương trình cải cách tôn giáo của mình, và đây là những lý do Quốc hội bác bỏ việc hòa giải với MB", ông Osama Heikal nhấn mạnh.
Kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi hồi tháng 7-2013, Ai Cập đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh trấn áp MB và những người ủng hộ phong trào này. Chính quyền đã bắt nhiều thủ lĩnh của MB để điều tra với cáo buộc gia nhập một tổ chức khủng bố và âm mưu lật đổ chính quyền.
Ngoài ra, Ai Cập còn tịch thu tài sản của các cá nhân, công ty có liên hệ với MB. Theo thống kê, trong 3 năm qua, số đối tượng bị tịch thu tài sản vì có quan hệ với MB đã lên tới 1.370 người cùng 1.125 công ty và tổ chức phi chính phủ (NGO).
Ai Cập còn quyết định tịch thu các quỹ của cựu Tổng thống Mohammed Morsi và hơn 200 thành viên MB. Theo giới truyền thông, cựu Tổng thống Mohammed Morsi đã được tòa hủy bản án tử hình (15-11-2016).
Trước đó (tháng 6-2015), ông Mohammed Morsi đã bị tòa tuyên án tử hình do liên quan đến vụ cướp ngục quy mô lớn trong thời gian xảy ra cuộc chính biến năm 2011. Vụ cướp ngục kể trên đã giúp 20.000 tội phạm trốn khỏi nhà tù, gây ra tình trạng hỗn loạn.
Ông Mohammed Morsi là tổng thống dân cử đầu tiên ở Ai Cập, nhưng đã bị quân đội lật đổ hồi tháng 7-2013 sau các cuộc biểu tình lớn phản đối ông sau 1 năm cầm quyền. Hơn 1.400 người ủng hộ ông Mohammed Morsi đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ đường phố.
Gần 1 năm trước (15-8), cựu Tổng thống Mohammed Morsi đã kháng cáo đối với phán quyết của tòa phúc thẩm trong vụ án làm gián điệp cho Qatar. Cựu Tổng thống Mohammed Morsi bị cáo buộc đã chuyển cho Qatar nhiều tài liệu mật, bao gồm bí mật quốc gia, để nhận khoảng 1 triệu USD.
Theo giới truyền thông, ông Mohammed Morsi đã sử dụng bài viết của mình làm rò rỉ tài liệu mật cho Qatar với sự giúp đỡ của 2 nhà báo Khaled Radwan và Asmaa El-Khatib. Bản sao của tài liệu mật đã được chuyển cho 2 nhân viên của kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera có trụ sở tại Doha và một sỹ quan tình báo Qatar giấu tên. 2 nhà báo kể trên đã bị kết án tử hình vắng mặt cùng với nhà báo kỳ cựu của Al-Jazeera Ibrahim Helal.
Ngoài ra, cựu Tổng thống Mohammed Morsi còn bị cáo buộc tiết lộ nhiều thông tin mật cho phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine. Hamas và MB từng bị Ai Cập cáo buộc đứng sau vụ ám sát Trưởng Công tố Hisham Barakat. Ông Hisham Barakat thiệt mạng trong vụ đánh bom xe tại Cairo hồi tháng 6-2015 và là quan chức nhà nước cấp cao nhất của Ai Cập bị sát hại kể từ sau vụ lật đổ cựu Tổng thống Mohammed Morsi.