5 tỷ phú Algeria bị bắt vì tham nhũng

Thứ Ba, 28/05/2019, 15:24
Doanh nhân giàu có nhất Algeria và 4 tỷ phú khác thân cận với cựu Tổng thống Abdelaziz Bouteflika, người đã từ chức sau các cuộc biểu tình rầm rộ, đã bị bắt như một phần của cuộc điều tra chống hối lộ, Truyền hình Nhà nước cho biết.


5 người gồm ông Issad Rebrab, được coi là doanh nhân giàu nhất ở quốc gia Bắc Phi giàu năng lượng, người đặc biệt tích cực trong kinh doanh tinh chế thực phẩm và đường, và 4 anh em từ gia đình Kouninef. Động thái này được đưa ra sau khi Trung tướng quân đội Gaid Salah cho biết dự kiến các thành viên của giới cầm quyền sẽ bị truy tố vì tội tham nhũng và nhận hối lộ.

Những người biểu tình bất đồng chính kiến đã kêu gọi trong 2 tháng về việc loại bỏ giới tinh hoa cai trị Algeria kể từ khi độc lập khỏi Pháp vào năm 1962, và việc truy tố những người mà họ coi là tham nhũng. Rebrab là chủ tịch của Công ty Cevital do gia đình sở hữu, nhập khẩu đường thô từ Brazil và xuất khẩu đường trắng sang Tunisia, Libya và các điểm đến khác ở Trung Đông.

Ông Issad Rebrab.

Các tỷ phú sau đó đã bị đưa ra tòa để đối mặt với cáo buộc từ Văn phòng Tổng công tố, kênh Truyền hình Nhà nước cho biết. Cả họ và luật sư của họ đều không thể đưa ra bình luận.

Ông Rebrab đã đăng Twitter trước đó rằng ông ta đã tự nguyện đến một đồn cảnh sát để thảo luận về vấn đề thiết bị được giữ ở cảng Algiers. Đoạn phim truyền hình sau đó cho thấy một chiếc xe cảnh sát đưa Rebrab đến một tòa án.

Ông Rebrad đang bị điều tra chủ yếu qua các tuyên bố sai lệch về việc chuyển vốn từ trong và ngoài nước, thổi phồng hóa đơn nhập khẩu thiết bị và nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng. Gia đình Kouninef thân cận với Bouteflika, người trị vì Algeria trong 20 năm. Bouteflika đã từ chức vào đầu tháng 4, do chịu áp lực từ quân đội và các cuộc biểu tình bởi chủ yếu là những người Algeria trẻ tuổi tìm kiếm sự thay đổi.

Một tòa án Algeria đã triệu tập cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Bộ trưởng Tài chính Mohamed Loukal, 2 cộng sự thân cận của Bouteflika, trong một cuộc điều tra về nghi ngờ lạm dụng tiền công, Truyền hình Nhà nước cho biết hôm 11-5 vừa qua.

Các cuộc biểu tình rầm rộ, bắt đầu vào ngày 22-2 và phần lớn là hòa bình, đã tiếp tục sau khi Bouteflika từ chức vì nhiều người muốn loại bỏ toàn bộ giới thượng lưu đã thống trị đất nước trong hàng chục năm. Bouteflika đã được thay thế bởi Abdelkader Bensalah, người đứng đầu Thượng viện Quốc hội, với tư cách là tổng thống lâm thời trong 90 ngày cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 4-7.

Hàng trăm ngàn người đã biểu tình để yêu cầu Bensalah và các quan chức hàng đầu khác từ chức. Bensalah đã mời các đảng chính trị để thảo luận về việc chuyển sang bầu cử nhưng một số đảng và các nhà hoạt động đã không tham gia. Quân đội cho đến nay vẫn kiên nhẫn theo dõi các cuộc biểu tình chủ yếu là hòa bình mà đôi khi lên tới hàng trăm ngàn người.

Salah cho biết vào ngày 16-4 rằng quân đội đang xem xét tất cả các lựa chọn để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị và cảnh báo rằng thời gian đang cạn kiệt. Đó là một gợi ý rằng quân đội đã mất kiên nhẫn với sự rung chuyển phổ biến ở Algeria, một nhà xuất khẩu dầu khí tự nhiên lớn và là đối tác an ninh quan trọng của phương Tây chống lại phiến quân Hồi giáo ở phía Bắc và Tây Phi.

Bảo Uyên
.
.
.