3 năm sống trong địa ngục của nhà báo bị bắt cóc ở Syria

Thứ Tư, 31/10/2018, 14:35
Rưng rưng nước mắt khi đặt chân tới sân bay Narita gần Tokyo tối 25-10, nhà báo Nhật Bản Jumpei Yasuda cho biết, anh rất vui khi được về nhà sau khi sống trong địa ngục của phiến quân Syria hơn 3 năm. Nhưng điều mà Jumpei Yasuda lo nhất là anh sẽ bắt kịp như thế nào với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.


Trong trang phục áo phông màu đen và chiếc quần jean bạc màu, Jumpei Yasuda đã được cảnh sát Nhật Bản hộ tống từ máy bay đến một chiếc xe tải màu đen. Anh rời sân bay Narita mà không trò chuyện với đám đông báo chí đứng chờ bên ngoài. 

Phải đến chiều 26-10, Jumpei mới chấp nhận trả lời phỏng vấn đài truyền hình NHK của Nhật Bản. Anh cho biết được nhóm phiến quân Syria thả tự do vào ngày 23-10 và sau đó bắt chuyến bay từ thị trấn Antakya, phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul rồi từ thành phố lớn này trở về Nhật Bản. 

Jumpei Yasuda nói: "Tôi rất vui khi được tự do. Nhưng tôi hơi lo lắng về những gì sẽ xảy ra với tôi hoặc những gì tôi nên làm từ bây giờ". Nhà báo này còn tâm sự rằng anh cảm thấy như thể mình đang rơi xuống phía sau phần còn lại của thế giới và không chắc chắn làm thế nào để bắt kịp. 

Jumpei Yasuda cũng mô tả 40 tháng bị giam giữ của mình là "địa ngục" cả về thể chất lẫn tinh thần. Anh bị giam trong một phòng giam nhỏ và bị tra tấn, thậm chí có một thời gian anh không được phép tắm trong 8 tháng. 

"Ngày này qua ngày khác, tôi nghĩ rằng" Ồ, mình không thể về nhà lần nữa, và suy nghĩ ấy chiếm lấy đầu tôi, dần dần khiến tôi khó kiểm soát bản thân", anh kể. Jumpei Yasuda còn cho biết thêm rằng anh đã bị di chuyển nhiều lần trong thời gian bị giam giữ nhưng cuối cùng thì ở lại tỉnh Idlib, phía Tây Bắc Syria. 

Tại nơi giam giữ, nhiều lần nhà báo này nghe thấy tiếng súng, tiếng bom ở xung quanh. "Tôi đã sống trong nỗi sợ hãi bất tận mà tôi không bao giờ có thể thoát ra khỏi nó hoặc thậm chí có thể bị giết", Jumpei Yasuda nói với TBS - một đài truyền hình khác ở Nhật Bản. 

Nhà báo này cũng thừa nhận rằng dần dần anh trở nên bi quan về số phận của mình bởi vì những kẻ bắt giữ anh đã phá vỡ lời hứa của họ về việc thả anh ra.

Nhà báo Jumpei Yasuda (ngồi giữa), được đưa tới Trung tâm nhập cư ở Antakya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24-10, ngay sau khi được thả tự do.

Trong vài năm trở lại đây, Syria đã nổi lên và trở thành một trong những nơi nguy hiểm nhất đối với các nhà báo. Một số nhà báo vẫn còn mất tích ở Syria và đến nay chưa có thông tin về số phận của họ. 

Ông Hideaki, cha của Jumpei Yasuda (78 tuổi) và mẹ anh là bà Sachiko (75 tuổi) xúc động nói: "Chúng tôi thực sự biết ơn và tràn ngập niềm vui. Chúng tôi muốn nói với con trai của chúng tôi rằng con đã làm một công việc tuyệt vời". Nhắc lại quãng thời gian ba năm sống trong nỗi lo lắng, ông Sachiko chia sẻ: "Đã quá lâu rồi. Tôi thường nói chuyện với con trai tôi trong trái tim tôi mỗi ngày". 

Giới chức Nhật Bản tiết lộ, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đỡ nước này rất nhiều trong việc tìm nơi giam giữ và trả tự do cho Jumpei Yasuda. Nhà báo Jumpei Yasuda bị mất tích từ tháng 6 năm 2015 và anh được cho là bị bắt cóc bởi Mặt trận Al-Nusra, nhóm phiến quân từng liên kết với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Hồi tháng 8, Jumpei Yasuda có xuất hiện trong một đoạn băng video dài khoảng 20 giây, cho biết anh đang sống trong một môi trường khắc nghiệt và cần được cứu ngay lập tức.

Jumpei Yasuda là một nhà báo tự do và đã bắt đầu sự nghiệp của mình tại một tờ báo địa phương. Năm 2000, Jumpei Yasuda tham gia viết về các vấn đề ở Trung Đông và từng bị bắt làm con tin ở Iraq năm 2004 với ba người Nhật khác, nhưng được giải thoát sau khi các giáo sĩ Hồi giáo đàm phán thành công. 

Khi đó, Jumpei Yasuda đã quyết định ở lại Iraq thêm một năm, làm thêm công việc đầu bếp để nghiên cứu và hoàn thành cuốn sách về người lao động trong khu vực chiến tranh. Cuốn sách đã được xuất bản năm 2010 và trong đó anh có kể lại vụ bị bắt giữ làm con tin năm 2004 của mình. Nhưng lần này, những kẻ bắt cóc anh đã lấy đi tất cả các thiết bị, tài liệu, báo cáo của anh. 

"Tôi đã bị cướp tất cả hành lý và điều đó khiến tôi rất tức giận", Jumpei Yasuda nói. "Tôi không thể làm bất kỳ điều gì, kể cả việc ghi chép lại mọi chuyện trong suốt 40 tháng qua". Tác phẩm báo chí cuối cùng của anh tại Syria liên quan đến báo cáo về đồng nghiệp là Kenji Goto, một nhà báo Nhật Bản đã bị bắt làm con tin và bị giết bởi tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Phương Linh (Theo Times, Mainichi)
.
.
.