Tội ác kinh hoàng ở thị trấn Krugersdorp

Thứ Hai, 15/08/2022, 11:49

Ngày 28-7-2022, một nhóm 8 phụ nữ da đen tuổi từ 19 đến 35 ở thị trấn Krugersdorp, phía tây thành phố Johannesburg, Nam Phi được một công ty tổ chức sự kiện thuê làm người mẫu minh họa cho một video ca nhạc, lấy bối cảnh là khu mỏ bỏ hoang bên ngoài thị trấn. Không ai nghĩ rằng buổi quay sau đó biến thành thảm kịch dã man và kinh hoàng…

1. Theo Nombosino, 19 tuổi (tên của nạn nhân đã được thay đổi) thì sáng ngày 26 có vài người của công ty tổ chức sự kiện đến gặp cô. Họ cho biết đang dự định thực hiện một video ca nhạc, lấy bối cảnh là khu mỏ vàng bỏ hoang ở ngoại ô thị trấn Krugersdorp. Nếu cô đồng ý, họ nhờ cô tìm thêm mấy người mẫu nữa với mức thù lao là 18 USD cho mỗi người.

Tội ác kinh hoàng ở thị trấn Krugersdorp -0
Đám đông cuồng nộ truy bắt những kẻ thủ ác...

Và thế là Nombosino đồng ý. Chẳng những vậy, cô còn rủ thêm chị ruột 21 tuổi tham gia. Nombosino kể: “Sáng 28, công ty cho xe đến đón chị em tôi rồi đón thêm những người khác, tổng cộng là 8 người. Người lớn nhất đã 35 tuổi nhưng nhìn vẫn rất trẻ. Cảnh quay đầu tiên là ở một trang trại. Đạo diễn hướng dẫn chúng tôi các tư thế đi lại, đứng, ngồi…, làm nền minh họa cho ca sĩ nổi tiếng Malvery Martin biểu diễn”.

10 giờ, cảnh quay đầu tiên hoàn tất. Cả nhóm lên xe đến khu mỏ vàng bỏ hoang cách đó khoảng 6km. Và trong khi đạo diễn đang chuẩn bị phần cuối của video clip thì bất ngờ có nhiều tiếng súng nổ. Nombosino kể tiếp: “Tôi thấy cả trăm gã đàn ông ào ào chạy đến. Mấy kẻ đi đầu giương súng lên trời bắn nhiều loạt. Tiếp theo, họ ra lệnh cho 14 người gồm ca sĩ, nhạc công, quay phim, kỹ thuật âm thanh ánh sáng, đạo diễn…, trong đó có 3 phụ nữ da trắng rời khỏi khu mỏ sau khi đã lấy tài sản và máy móc của họ, chỉ giữ lại 8 chị em người mẫu da đen chúng tôi”.

Và những gì xảy ra sau đó là địa ngục trần gian. Tsombe, người mẫu 24 tuổi nói với tờ báo địa phương City Press rằng, những kẻ vũ trang ra lệnh cho 8 cô gái nằm xuống rồi lục soát lấy tiền, điện thoại di động, nước hoa, son phấn, thậm chí chúng không buông tha cả với những chiếc kính mắt. Trong quá trình lục soát, chúng sờ nắn những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân rồi cười hô hố bằng những câu bình luận tục tĩu.

Tsombe nói: “Tôi là người bị hãm hiếp đầu tiên. Sự thô bạo của hắn đã khiến tôi đau đớn cùng cực. Bộ phận sinh dục của tôi chảy máu. Khi gã đàn ông thứ hai xông vào, tôi vừa khóc vừa nói rằng tôi đang có thai và tôi đã bị hư thai nhưng hắn vẫn hành động. Tổng cộng đã có 10 tên thay nhau hiếp tôi…”.

Trong suốt 4 tiếng đồng hồ sau đó, khoảng 90 gã đàn ông mặc sức thỏa mãn thú tính với 8 cô người mẫu da đen. Khi chúng bỏ đi, vài người cố gắng lê bước đến thị trấn Krugersdorp cầu cứu. Chỉ vài chục phút, cả thị trấn sôi sục bởi lòng căm thù. Hàng trăm thanh niên với gậy gộc trên tay, tràn vào các lán trại của bọn khai thác vàng bất hợp pháp. Họ đốt cháy những căn lều tạm bợ, bắt giữ và đánh đập không thương tiếc bất cứ kẻ nào mà họ nhìn thấy đồng thời phong tỏa mọi lối mòn dẫn đến các thị trấn lân cận như Munsieville và Bekkersdal để không ai có thể chạy trốn. Những kẻ bị bắt đều bị lột trần truồng rồi bị trói.

Tswana, một trong những cư dân thị trấn tham gia cuộc báo thù cho biết thủ phạm của vụ hiếp dâm tập thể đều không phải là người Nam Phi, mà là ở các quốc gia lân cận như Boswana, Mozambique, Namibia…, tìm đến các mỏ vàng đã bỏ hoang ở thị trấn Krugersdorp với hy vọng kiếm được những gì còn sót lại. Theo cô người mẫu Nombosino, lẽ ra nhóm quay phim lúc bị bọn vô lại buộc phải rời đi thì họ phải báo cảnh sát nhưng họ đã không làm gì và điều này đã giúp tội ác có thừa thời gian để thực hiện.

Tội ác kinh hoàng ở thị trấn Krugersdorp -0
...và đốt cháy những lán trại của bọn khai thác vàng bất hợp pháp.

Mãi đến xế chiều, cảnh sát mới xuất hiện và họ phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông cuồng nộ sau khi đã bắn chết 3 di dân vì những kẻ này nổ súng vào họ. Cuối ngày hôm sau, 84 nghi phạm bị bắt, hầu hết do sự nhận diện của các nạn nhân. Lời khai ban đầu cho thấy trong số 84 kẻ thủ ác, nhiều kẻ đã thực hiện hành vi hiếp dâm đến 10 lần chỉ trong 4 tiếng đồng hồ! Hậu quả mà nó để lại không phải chỉ là sự căm thù mà nó còn làm dấy lên làn sóng bài ngoại, nhắm vào những người nhập cư bất hợp pháp, thể hiện bằng các biểu ngữ của đám đông trên đường phố: “Tất cả những kẻ vào Nam Phi không giấy tờ, không nơi cư trú phải ra đi”.

Dale McKinley, người phát ngôn của tổ chức Kopanang Africa, chống lại sự bài ngoại ở Nam Phi nói: “Tất cả chúng ta đều có thể hiểu được sự phẫn nộ của công chúng trước vụ cưỡng hiếp tập thể 8 phụ nữ. Chúng ta chia sẻ sâu sắc và chân thành với nỗi đau của các nạn nhân, của gia đình họ nhưng chúng ta cũng cần phân biệt giữa phản kháng chính đáng và phản kháng bạo lực vì bạo lực sẽ chỉ đem đến những thiệt hại vật chất lẫn tinh thần mà không làm thay đổi được tình thế…”.

2. Hiện tượng di dân bất hợp pháp đến Nam Phi nói chung và những mỏ vàng bỏ hoang ở thị trấn Krugersdorp nói riêng đã diễn ra từ nhiều năm nay trong bối cảnh quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng nghèo đói gia tăng, thất nghiệp chiếm 35% trong độ tuổi lao động, khủng hoảng năng lượng, tăng trưởng kinh tế trì trệ và sự hoành hành của các nhóm tội phạm.

Theo Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc, Nam Phi có tỉ lệ các vụ hiếp dâm cao thứ ba trên thế giới với 150 vụ được báo cáo mỗi ngày nhưng người ta tin rằng ở những ngôi làng xa xôi và những nạn nhân khiếp sợ không dám trình báo, con số thực tế còn cao hơn nhiều.

Người phát ngôn của Interpol Nam Phi cho biết một trong những nhóm tiềm ẩn nhiều nguy cơ trở thành tội phạm là di dân bất hợp pháp. Sau khi vào được Nam Phi, họ mạo hiểm tìm đến những hầm mỏ đã đóng cửa để cố gắng đảo bới bằng những công cụ thô sơ, hoặc sàng đãi hàng tấn đất đá ở những bãi thải chỉ với hy vọng kiếm được vài gam vàng bởi lẽ các mỏ ở Krugersdorp có từ năm 1887, khi những nhà địa chất người Anh tìm thấy thứ kim loại quý hiếm. Nó đã làm bùng nổ cơn sốt đào vàng, dẫn đến sự ra đời của thị trấn Krugersdorp. Cho đến cuối thập niên 1980, khi việc khai thác không còn mang lại hiệu quả kinh tế, Chính phủ Nam Phi ra lệnh đóng cửa đồng thời cấm mọi hoạt động liên quan đến việc đào đãi.

Tuy vậy, nó vẫn là niềm hy vọng cho di dân bất hợp pháp bởi lẽ những tính toán cho thấy trung bình 10 tấn đất thải ra sau khi khai thác, vẫn còn có thể có từ 0,1 đến 0,3 gam vàng! Tất cả những di dân này được gọi chung là “zama zamas”. Họ không có giấy tờ tùy thân, không được chính quyền sở tại cho phép cư trú.

Họ sống trong những căn lều tạm bợ làm từ nhiều loại vật dụng như thùng gỗ, bìa các-tông, những tấm tôn rỉ sét hoặc sống luôn trong hầm mỏ. Đã có nhiều zama zamas chết vì các đường hầm lâu ngày không sử dụng bị sập, hoặc những vụ giết chóc lẫn nhau nhằm tranh giành các bãi thải hay đơn giản hơn, giết nhau vì tìm thấy vàng!

Để tồn tại, zama zamas bán những mẩu vàng kiếm được cho những băng nhóm tội phạm rồi mua lại súng đạn. Nó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 400 di dân ở hai tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng hồi tháng 7 năm ngoái khi hai nhóm zama zamas quyết tâm kiểm soát một bãi vàng.

Một người dân ở thị trấn Krugersdorp nói với tờ báo địa phương City Press rằng vài năm nay họ đã quá quen với tiếng súng, và bạo lực tình dục không làm họ ngạc nhiên: “Nhiều phụ nữ trước đây đã từng bị zama zamas hãm hiếp và việc trình báo chính quyền cũng chẳng đi đến đâu bởi lẽ trong số hàng trăm di dân ở khu mỏ, chỉ ra được thủ phạm là điều hiếm có”.

Nhlanhla Felatsi, cũng là cư dân ở Krugersdorp nói thêm: “Là phụ nữ, tôi không dám ra đường ban đêm vì nguy cơ bị cưỡng hiếp rất lớn. Những kẻ khai thác vàng trái phép đang khủng bố tinh thần chúng tôi trong điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn và tuyệt vọng”.

Tội ác kinh hoàng ở thị trấn Krugersdorp -0
Những kẻ được cho là thủ phạm của vụ hãm hiếp bị dân chúng lột trần và đánh đập.

Sau khi xảy ra vụ cưỡng hiếp tập thể với 8 cô người mẫu, ông Bheki Cele, Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Nam Phi lại “đổ thêm dầu vào lửa” khi ông phát biểu trên truyền hình: “Một phụ nữ đã bị cưỡng hiếp bởi 10 người đàn ông khác nhau. Một phụ nữ khác bị 8, có người bị 6, có người bị 4 và có người bị 3 nhưng một cô gái 19 tuổi đã may mắn vì chỉ bị cưỡng hiếp 1 lần chứ không phải bị tập thể…”.

Phát biểu của ông Bheki Cele đã gây ra phản ứng dữ dội, không chỉ từ nạn nhân và người nhà của họ mà còn của cả cộng đồng. Họ kêu gọi Tổng thống Cyril Ramaphosa cách chức và sa thải ông bộ trưởng vì đã “bình thường hóa tội ác”.

Cô Awaakie, người thay mặt công ty sự kiện đứng ra mời 8 phụ nữ làm mẫu nói: “Cha mẹ của những cô gái ấy vì tin tưởng tôi nên họ đã giao con họ cho tôi. Vì vậy khi vụ cưỡng hiếp xảy ra, tôi đã không đi theo xe của nhóm quay phim mà tôi ở lại. Khi chúng chuẩn bị hiếp cô bé 19 tuổi, tôi đã đề nghị chúng hãy hiếp tôi rồi tha cho cô bé và lần lượt 6 tên đã làm cái chuyện ô nhục ấy với tôi trước mặt mọi người. Trong chuyện này chẳng có ai là may mắn cả. Sao ông bộ trưởng lại có thể nói được như thế?”.

Tính cho đến cuối ngày 31-7, cảnh sát đã thẩm vấn 142 di dân bất hợp pháp và đã bắt giam 84 người. 8 nạn nhân bị hãm hiếp đều đã được xét nghiệm ADN để đối chiếu với ADN của nghi phạm đồng thời họ còn được xét nghiệm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục. Theo một bác sĩ, xét nghiệm ADN có thể kéo dài 1 năm vì mẫu lấy từ cơ thể nạn nhân chứa nhiều ADN của nhiều kẻ đã tham gia tội ác.

Về phía tổng thống Nam Phi, ông Cyril Ramaphosa kêu gọi người dân hãy giúp đỡ chính quyền tìm ra thủ phạm. Ông nói: “Những hành động tàn bạo khủng khiếp này là sự xúc phạm đến quyền được sống, được làm việc trong tự do và an toàn của phụ nữ, trẻ em gái. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng tích cực hợp tác với cảnh sát để đảm bảo rằng những tên tội phạm này sẽ bị bắt và bị truy tố”. Cần nói thêm rằng chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, cảnh sát Nam Phi đã ghi nhận ít nhất 10.818 trường hợp hiếp dâm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2021, dẫn đến nhiều lời phàn nàn rằng cảnh sát và chính quyền địa phương “đã không làm gì để bảo vệ người dân khỏi tay bọn tội phạm”.

Sáng thứ hai, ngày 1-8, tất cả nghi phạm đều đã được đưa ra tòa để phía công tố tiến hành thẩm vấn với 32 tội danh, trong đó có khoảng 20 người là trẻ vị thành niên nên tòa án sẽ quyết định họ có cần phải được xét xử theo hệ thống tư pháp trẻ em hay không. Bên ngoài tòa án, hàng nghìn người, phần lớn là những người chống di dân bất hợp pháp đã tổ chức biểu tình, cáo buộc cảnh sát đã không làm tròn nhiệm vụ. Bà Thandiwe McCloy, người phát ngôn  của tổ chức phi chính phủ “Những người phản đối lạm dụng phụ nữ - viết tắt là Powa” nói: “Chỉ 8,6% các vụ hiếp dâm ở Nam Phi bị kết án. Hệ thống tư pháp rất kém hiệu quả, thiếu các cuộc điều tra thích hợp và chậm trễ trong việc bắt giữ hoặc bỏ qua tội phạm bạo lực tình dục. Hơn nữa, phải mất rất nhiều thời gian để các vụ án được đưa ra xét xử, đã khiến nạn nhân phải sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi. Chúng tôi cần đảm bảo rằng có nhiều bản án hơn đối với tội hiếp dâm để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những thủ phạm là họ sẽ bị trừng phạt vì tội ác của họ”. Người mẫu Nombosino nói, hiện cô vẫn còn nằm trong bệnh viện để điều trị những tổn thương về đường sinh dục, giấc ngủ của cô chỉ toàn là ác mộng và chẳng hiểu đến bao giờ mới có thể quên được nó. Bác sĩ Nbauke, người trực tiếp thăm khám cho Nombosino lắc đầu: Thật kinh khủng! Tôi không thể trả lời được câu hỏi vì sao cùng là đồng loại với nhau mà họ lại có thể thực hiện những việc dã man này…”. 

Vũ Cao (Theo Africa Today)
.
.
.