Phá án đêm giao thừa

Thứ Bảy, 21/01/2023, 06:58

Cuối năm 1984, trên địa bàn huyện Tân Phú (nay là huyện Định Quán và Tân Phú), tỉnh Đồng Nai liên tiếp xảy nhiều vụ đe dọa tống tiền, vàng, nhóm đối tượng xưng danh là đảng cướp Hắc Long (Rồng Đen). Sau khi đe dọa nạn nhân không đáp ứng, chúng lập tức đốt nhà để dằn mặt.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Tân Phú và lực lượng An ninh Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt quả tang đối tượng nhận tiền vào đúng đêm 30 Tết, đấu tranh vén màn bí mật đảng cướp Hắc Long, đem lại ngày xuân yên bình cho vùng đất chiến khu xưa.

Bức điện khẩn

Đêm tháng Chạp, trời se lạnh, tiết Xuân đang về, Thiếu tá Chín Cương (Nguyễn Kim Cương, Trưởng Công an huyện Tân Phú) không sao chợp mắt bởi sự trăn trở về các vụ án mà công an huyện chưa khám phá được. Tiếng gà gáy báo hiệu canh ba ở đâu đó cất lên, ông ngồi dậy lật từng trang hồ sơ vụ án. Nghe tiếng gõ cửa bên ngoài, ông cất tiếng: “Vào đi”.

- Thưa chú! Có điện khẩn của Giám đốc Công an tỉnh gởi cho chú - Nói rồi người sĩ quan cơ yếu đặt bức điện lên bàn.

Phá án đêm giao thừa_ANTG_TET_T35 -0
Trung tá Nguyễn Kim Cương, nguyên Trưởng Công an huyện Tân Phú cùng ông Nguyễn Thanh Điềm kể lại vụ án.

Thiếu tá Chín Cương lướt qua nội dung bức điện khẩn: Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Phú xuất hiện đảng cướp Hắc Long do tên Ba Búa cầm đầu. Yêu cầu Công an huyện Tân Phú phối hợp với lực lượng An ninh Công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ.

Sáng hôm sau, Thiếu tá Chín Cương nhận tiếp lá thư của đồng chí Nguyễn Tấn Chiến (Bảy Chiến) - Bí thư Huyện ủy Tân Phú cũng nói nội dung trên. Theo chỉ đạo của đồng chí Bảy Chiến, ngay chiều hôm ấy, Công an huyện Tân Phú tổ chức cuộc họp khẩn, đồng chí Bảy Chiến đến dự và chỉ đạo: Bằng mọi giá, công an huyện phải điều tra làm rõ đảng cướp Hắc Long trước khi xuân về để bà con vui tết đón xuân yên bình.

Thời điểm này, tình hình an ninh chính trị và trật tự trị an xã hội trên địa bàn huyện Tân Phú khá phức tạp, vì thế đảng Hắc Long xuất hiện càng làm rối thêm tình hình. Theo dư luận trong nhân dân thì ban đêm có kẻ bịt mặt, kẹp khẩu súng Carbine vào nhà xưng danh là Ba Búa - đảng trưởng đảng Hắc Long, yêu cầu gia đình cung cấp tiền, vàng để chúng hoạt động. Nếu không đáp ứng, chúng sẽ đốt nhà, giết cả gia đình.

Qua xác minh được biết, đối tượng đã gửi thư cho các chủ doanh nghiệp yêu cầu giao nộp tiền, vàng; chúng đã đốt nhà máy xay lúa của ông Vượng tại xã Gia Canh để cảnh cáo vì không chịu giao nộp tiền, vàng. Còn theo trình báo của ông A.S. (chủ nhà máy xay lúa ở xã Phú Hòa) thì nửa đêm, Ba Búa vào nhà đe dọa buộc đưa tiền, vàng. Ba Búa ra quy ước để tiền, vàng ở bàn thiêng trước sân, đốt 3 cây nhang thì người của y sẽ đến nhận. Hôm đưa ông Táo về trời, đối tượng buộc ông giao vàng nhưng ông không đáp ứng nên chúng đốt nhà máy xay lúa của ông. Mấy đêm sau, Ba Búa tiếp tục đến đe dọa, ông lo sợ nên nhận lời, đồng thời trình báo công an.

Lúc bấy giờ, đồng chí Trần Đệ - Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo hai đồng chí Nguyễn Tấn Dũng (Phó giám đốc), Huỳnh Văn Hoàng (Trưởng phòng Chống phản động) tham gia chỉ đạo phá án. Các đồng chí tăng cường một quần chúng đắc lực là Nguyễn Thanh Điềm tham gia công tác trinh sát. Đồng chí Bùi Minh Châu (Phó công an huyện, phụ trách An ninh) và đồng chí Nguyễn Quốc Chinh (cán bộ An ninh công an huyện) trực tiếp giao nhiệm vụ cho Nguyễn Thanh Điềm nắm tình hình. Với bề dày kinh nghiệm vào sinh ra tử giúp công an phá nhiều vụ trọng án, Nguyễn Thanh Điềm bỏ cả những ngày vui tết đón xuân để cùng lực lượng công an huyện nhanh chóng vén màn bí mật đảng cướp Hắc Long.

Cuộc họp án vào chiều 30 Tết diễn ra khá căng thẳng. Từ Ban chỉ huy Công an huyện đến từng trinh sát tham gia phá án đều nhận định đảng cướp Hắc Long có thể là vụ án chính trị và ắt có số đông nhưng tài liệu xác minh cho thấy chỉ có một đối tượng thường vào nhà dân ban đêm có nhân dạng như trên. Vậy không loại trừ khả năng một tên cơ hội nào đó túng quẫn làm liều, xưng danh đảng cướp Hắc Long chỉ là để thị uy, gây thanh thế.

Theo mô tả của các bị hại thì người xưng đảng trưởng Hắc Long - Ba Búa cao khoảng 1,6 mét, râu ria bồm xồm, nói giọng miền Đông Nam bộ nhưng sắc lẻm. Nguyễn Thanh Điềm ngày đêm săn lùng tin tức về con người này nhưng chưa kịp nhận ra thì hắn lại tiếp tục hành động khi đến nhà ông A.S đe dọa, yêu cầu giao nộp tiền, vàng vào đêm 30 tết.

Giao thừa sắp điểm, trong khi mọi người đang chuẩn bị cúng ông bà và đón tết cổ truyền thiêng liêng thì các chiến sĩ Công an huyện Tân Phú âm thầm lặng lẽ, căng thẳng cho trận đánh xóa sổ đảng cướp Hắc Long để đem lại yên bình khi ngày xuân đang về. Nguyễn Thanh Điềm nép mình trong bụi rậm cách vị trí đặt tiền hơn 2 mét quan sát. Cách anh khoảng 3 mét, Phó Công an huyện Bùi Minh Châu chỉ huy lực lượng trinh sát an ninh và hình sự bí mật ém quân. Ông A.S đem gói tiền ra đặt ở hàng rào dâm bụt, thắp 3 cây nhang rồi đi vào nhà báo hiệu trận đánh sắp bắt đầu. Kim đồng hồ nhích dần về con số 12, tiếng pháo nổ vang từng đợt, rồi nổ dồn liên tục thì đối tượng bịt kín mặt bước tới vị trí đặt tiền. Nguyễn Thanh Điềm kêu lên: “Tắc kè, tắc kè, tắc kè” thì ngay lập tức các trinh sát ập đến chụp tay đối tượng vừa nhận gói tiền, đẩy hắn lên xe chở thẳng về công an huyện.

Thì ra đối tượng là người quá quen thuộc, hắn chính là Nguyễn Văn Tùng, ngụ huyện Tân Phú.

Sáng ngày thứ 5 kể từ khi Nguyễn Văn Tùng được đưa vào nhà tạm giữ, bằng các biện pháp nghiệp vụ khôn khéo, cán bộ điều tra đã buộc Tùng khai nhận. Hắn khai kẻ chủ mưu chỉ đạo hắn lập đảng Hắc Long và thực hiện việc tống tiền, vàng, đốt 2 nhà máy xay lúa của ông Vượng và ông A.S là ông Út Rổ (tức Hai Hổ) - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Phú Hiệp. Hắn điềm tĩnh ký vào biên bản hỏi cung.

Lệnh bắt khẩn cấp Út Rổ được thực hiện trước sự ngỡ ngàng của cán bộ và nhân dân xã Phú Hiệp. Út Rổ là người như thế nào? Vì sao ông có biệt danh Hai Hổ?

Phá án đêm giao thừa_ANTG_TET_T35 -0
Đồng chí Trần Đệ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, người chỉ đạo phá án.

Người đánh chết cọp

Là người con của quê hương 18 thôn Vườn Trầu (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), năm 1947, Út Rổ tham gia Công an Sài Gòn - Gia Định, khét tiếng đánh giặc Pháp bằng cách lặn qua sông Sài Gòn ngồi chờ lính Pháp đi câu cá thư giãn thì từ dưới nước trồi lên nổ súng tiêu diệt. Út Rổ võ nghệ cao cường nhiều người biết tiếng. Ông đã từng đánh cọp chết nên mọi người đặt cho ông biệt danh Hai Hổ. Uy danh đánh cọp và giết giặc Pháp của ông đã làm cho giặc Pháp cũng như bọn Mỹ và lính chế độ cũ sau này bạt vía kinh hồn. Ông có bề dày chiến công trong hai cuộc kháng chiến, giờ bị tên Nguyễn Văn Tùng kéo vào nhà giam bởi cái đảng cướp Hắc Long quỷ quái. Bí thư Huyện ủy Bảy Chiến không tin điều đó, ông chỉ đạo công an huyện điều tra một cách thận trọng, tránh hàm oan cho cán bộ ta.

Suy xét kỹ lời khai của Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Công an huyện Chín Cương nhận thấy quá logic, khó bắt bẻ. Song ông vẫn cảm nhận có điều bất ổn bởi lời khai của ông Hai Hổ hoàn toàn trái ngược, nhất là ông không hề bất minh về thời gian lẫn hoạt động cá nhân thường ngày.

Với kinh nghiệm hàng chục năm đánh án, Thiếu tá Chín Cương và Phó trưởng Công an huyện Bùi Minh Châu đủ tĩnh táo để suy xét vấn đề một cách tường tận, hai anh nghĩ ngay đến việc mâu thuẫn cá nhân và chỉ đạo trinh sát tìm hiểu kỹ quan hệ sinh hoạt cá nhân giữa Nguyễn Thanh Tùng và ông Hai Hổ. Theo phản ảnh của những người biết chuyện thì Nguyễn Văn Tùng thường cờ bạc, số đề, bị ông Hai Hổ phê phán, góp ý nên hắn thường có thái độ hằn học với ông.

Nhận được báo cáo của trinh sát, Thiếu tá Chín Cương lập tức cùng Phó công an huyện Bùi Minh Châu trở vào nhà tạm giữ chỉ đạo cán bộ xét hỏi đấu tranh với Nguyễn Văn Tùng. Thừa nhận đã vu cáo cho ông Hai Hổ, Tùng khai: “Tôi thù ông Hai Hổ, ổng cứ chỉ trích tôi quá mạng, thù ổng tôi ghép tội cho ổng, tôi lấy khẩu súng Col45 của ổng vứt xuống giếng, thực tình ổng không dính dáng gì đảng Hắc Long của tôi cả”.  

Sau hơn một tuần bị bắt oan, ông Hai Hổ được trả tự do. Thiếu tá Chín Cương trực tiếp xin lỗi Hai Hổ và thông báo rộng rãi sự trong sạch của ông ngay sau đó.

Còn tội trạng của Nguyễn Văn Tùng cũng được làm rõ. Dù đã có vợ nhưng Tùng thường cờ bạc, số đề nên túi thường trống rỗng. Để có tiền tiêu xài, hắn nghĩ cách thành lập đảng cướp Hắc Long, viết thư đóng dấu bằng củ khoai lang gởi đến nhiều gia đình để tống tiền, vàng. Đêm đêm hắn mang súng (sau khi phá án, công an đã thu giữ khẩu súng Cacbin cùng 100 viên đạn, khẩu súng Col45 của ông Hai Hổ hắn vứt xuống giếng cũng được vớt lên) vào nhà dân đe dọa buộc cống nạp tiền, vàng. Ai không tuân lệnh, hắn dọa đốt nhà, giết cả gia đình. Nguyễn Văn Tùng đã thực hiện 4 vụ nhưng vì nghèo khó nên chẳng ai đưa tiền, vàng. Do ông Vượng không đáp ứng yêu cầu, hắn đã đốt nhà máy xay xát lúa của ông. Còn ông A.S, sau khi hắn đốt nhà máy xay lúa rồi tiếp tục đe dọa lần hai, ông lo sợ bất an tính mạng của gia đình nên chấp nhận, đồng thời trình báo công an. Và kẻ xưng danh đảng trưởng đảng cướp Hắc Long sa lưới khi giờ giao thừa đã điểm. Một mùa Xuân mới bắt đầu. 

Phạm Thanh Nghị
.
.
.