Vì sao Chechnya lại là cái nôi của khủng bố?
- Lãnh đạo Chechnya tính từ chức, Nga đau đầu chọn người kế nhiệm
- Gần 500 người từ Chechnya (Nga) gia nhập IS
Đây là lần đầu tiên một đối tượng khủng bố người Chechnya tấn công vào nước Pháp. Trên thực tế, nước Cộng hòa Chechnya từ nhiều năm nay đã trở thành “cái nôi” sản sinh ra những "con chó sói chiến binh" được "xuất khẩu" đi khắp trên thế giới, từ Ukraina cho đến Iraq, Syria...
Hậu quả từ 2 cuộc chiến
Chechnya là nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga, có lịch sử không đơn giản khi nằm ở phía Bắc Kavkaz và luôn phải kháng cự lại thế lực cai trị bên ngoài bắt đầu từ người Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ) ở thế kỷ 15. Diện tích Chechnya khá rộng với hơn 16.000 km2 nhưng dân số chỉ gần 1,4 triệu người...
Chechnya có mật độ dân cư thưa thớt. Cùng với thủ phủ Grozny, Chechnya chỉ có 3 thành phố lớn nữa là Gudecmes, Shali và Urus-Martan. Nguồn thu chính của đất nước là dầu mỏ và nền kinh tế dựa trên cơ sở của một số ngành như năng lượng, chế tạo máy, công nghiệp chế biến nông sản, du lịch, công nghiệp vật liệu xây dựng, giáo dục và y tế. Chechnya có vị trí địa chính trị rất quan trọng của cả một tuyến đường xuyên Kavkaz và tâm điểm nối các vùng, các quốc gia trong và ngoài Liên bang Nga.
Nhóm chiến binh người Chechnya trong hàng ngũ IS đang cầu nguyện. Ảnh: nbcbayarea.com. |
Lịch sử đất nước có những nỗi thăng trầm khi phải trải qua 2 cuộc chiến. Cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996) là cuộc xung đột giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Chechnya Ichkeria. Đỉnh điểm của cuộc chiến là trận tàn phá thủ đô Grozny. Mặc dù quân số áp đảo, được sự hỗ trợ của không quân, quân Nga đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát khu vực miền núi của Chechnya nhưng không thành công. Năm 1996, chính phủ của Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn và hiệp ước hòa bình được ký kết một năm sau đó.
Cuộc chiến Chechnya lần thứ hai nổ ra vào năm 1999. Cuộc chiến còn có tên gọi khác ở Nga là “Chiến dịch chống khủng bố Chechnya, là một chiến dịch quân sự được Nga tiến hành vào tháng 8-1999 và tạm chấm dứt vào tháng 5-2000 sau khi quân đội Nga tạm thiết lập quyền kiểm soát trực tiếp trên toàn lãnh thổ Chechnya, sau khi thủ đô Grozny của Chechnya thất thủ và nước Cộng hòa Chechnya Ichkeria bị xóa bỏ.
Tuy nhiên, trên thực tế, phải đến ngày 16-4-2009, Nga mới tuyên bố dừng chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya kéo dài cả mười năm trước đó... sau khi Moscow tuyên bố chiến dịch chống khủng bố kết thúc và rút quân đội chính quy khỏi lãnh thổ Chechnya, giao quyền kiểm soát lại cho cảnh sát địa phương. Sau đó, Nga đã tạo những điều kiện tối ưu cho Chechnya tái thiết và bình thường hóa cuộc sống ở mảnh đất này.
Chechnya - vùng đất có vị trí chiến lược trong khu vực. Ảnh: britannica.com. |
Những bộ óc đằng sau những chiến tích của IS
Theo tờ Le Monde của Pháp, hiện nay có hàng ngàn chiến binh từ vùng Bắc Kavkaz của Nga, nơi có nước cộng hòa Chechnya tọa lạc, được cho là đang chiến đấu ở Syria và Iraq bên cạnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm khủng bố có liên hệ với al-Qaeda như Mặt trận Al-Nusra.
Sau khi Nga rút quân đội chính quy khỏi lãnh thổ Chechnya năm 2009, khu vực Bắc Kavkaz vẫn luôn tiềm ẩn tình trạng bất ổn với các vụ khủng bố liên tục hoành hành. Khu vực này từng bị đặt vào tình trạng báo động với sự hiện diện của tổ chức Hồi giáo cực đoan Emirates Kavkaz (Tiểu vương quốc Kavkaz) do Doku Umarov - người được mệnh danh là “Bin Laden vùng Kavkaz” - làm thủ lĩnh.
Umarov sinh năm 1964 ở miền nam Chechnya, được miêu tả là sinh ra trong gia đình “có học thức”. Trùm khủng bố này bắt đầu có những hoạt động chống lại sự cai trị của chính quyền Nga kể từ khi nhà lãnh đạo Boris Yeltsin gửi quân đến khu vực hắn sống năm 1994. Năm 2007, Umarov từng tuyên bố mạnh mẽ trên một website thánh chiến Chechen rằng: "Số phận của tôi là trở thành người lãnh đạo Jihad. Tôi sẽ lãnh đạo và tổ chức các hoạt động của Jihad theo lời chỉ dẫn của thánh Allah".
Hiện trường vụ đâm dao do Azimov thực hiện ngày 12-5 tại Paris. Ảnh: sudinfo.be. |
Umarov là kẻ chủ mưu và trực tiếp tham gia nhiều vụ khủng bố đẫm máu trên khắp lãnh thổ nước Nga, gây thương vong cho hàng trăm người, chủ yếu là dân thường. Umarov tổ chức thực hiện rất nhiều vụ khủng bố, bắt cóc, tống tiền. Umarov đã chỉ huy tổ chức Hồi giáo cực đoan Emirates Kavkaz thực hiện tổng cộng hơn 900 vụ tấn công khủng bố ở Nga từ năm 2009 đến 2014. Nghiêm trọng nhất là vụ đánh bom một tàu cao tốc chở 661 hành khách từ thủ đô Moscow tới thành phố St. Petersburg năm 2009 khiến 27 người tử vong và 50 người khác bị thương.
Chỉ từ năm 2002 đến 2004, hàng chục vụ bắt cóc tống tiền và khủng bố do Umarov chỉ huy đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người và cũng có chừng ấy người bị thương. Trong đó, vụ bắt cóc 1.127 thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh một trường học ở Beslan vào tháng 9-2004 do đích thân Umarov trực tiếp tham gia.
Tháng 8-2013, trang webwww.kavkazcenter.com của phiến quân Chechnya bất ngờ thông báo Doku Umarov đã chết ở tuổi 49. Dù chưa rõ nguyên nhân dẫn tới cái chết của Umarov, song điều này có thể khép lại một thời kỳ sợ hãi và bi thảm đối với nhiều người dân Chechnya và người Nga.
Mặc dù Nga tiêu diệt thành công những chiến binh Chechnya hàng đầu như Shamil Basayev, Ibn al-Khattab, Abu Hafs al-Hudani, Abu al-Walid hay Doku Umarov, các phần tử nổi dậy vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Bị săn đuổi khỏi vùng Kavkaz, hàng trăm chiến binh Chechnya với xu hướng Hồi giáo Wahhabite cực đoan đã tìm đến hàng ngũ của tổ chức IS tự xưng ở Iraq và Syria.
Những chiến binh người Chechnya không phải là nhóm lớn nhất trong số hàng ngàn chiến binh nước ngoài tại Syria, nhưng họ đóng một vai trò lớn hơn bình thường. Dày dạn sau nhiều năm chinh chiến với lực lượng của Nga, nhiều người Chechnya cầm đầu những chiến tích lừng lẫy của nhóm IS khắp Syria và Iraq, theo Le Monde.
Đó có thể là Omar al-Chichani (Omar người-Chechen, tên thật là Tarkhan Batirashvili), 28 tuổi, thủ lĩnh các chiến dịch quân sự của IS. Omar được cho là nhà hoạch định chiến dịch xuất sắc, là yếu tố hạt nhân của cuộc tấn công vào Mosul. Thành phố lớn thứ hai của Iraq đã rơi vào tay IS chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần hồi đầu tháng 6-2014.
Theo Le Monde, Omar lớn lên ở thung lũng Pankissi - con đường tiếp tế và căn cứ hậu cần của các chiến binh Chechen trong 2 cuộc chiến chống lại quân đội Nga. Được đào tạo trong quân đội Georgia, Omar al-Chichani đã được truyền tư tưởng cực đoan trong thời gian bị giam tại nhà tù Georgia vì tội danh tàng trữ vũ khí trái phép. Năm 2012, Omar mãn hạn tù và ngay lập tức đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là Syria. Không trực tiếp tham chiến, nhưng rõ ràng Omar là một hệ luỵ của cuộc chiến tranh Chechnya.
Trùm khủng bố Doku Umarov. Ảnh: AP. |
Trở lại vụ khủng bố ở Pháp ngày 12-5 vừa qua, cảnh sát nước này cho biết, thủ phạm Azimov có tên trong danh sách đen bị nghi là phần tử cực đoan. Azimov, 20 tuổi, là một công dân Pháp sinh ở Chechnya. Hắn cùng cha mẹ đến Pháp định cư từ những năm 2000.
Báo Le Monde cho biết, gia đình Azimov sống ở thành phố Nice trước khi dọn đến Strasbourg, nơi có cộng đồng Chechnya đông đảo. Gia đình xin tị nạn nhưng ban đầu bị từ chối, đến năm 2004 thì được cấp quyền tị nạn. Cha Azimov không được cấp quốc tịch Pháp sau khi ly thân với mẹ hắn. Gần đây, cặp vợ chồng tái hợp, dọn đến nhà mới ở quận 18 (bắc Paris).
Azimov cùng mẹ được cấp quốc tịch Pháp năm 2010, và năm 2016, hắn bị lực lượng cảnh sát chống khủng bố đưa vào danh sách đen 20.000 nghi can cực đoan có thể là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Cảnh sát nói từng thẩm vấn Azimov về những mối quan hệ của hắn, chứ không về hành vi, và nhấn mạnh trong cuộc sống đời thường và trên mạng xã hội, hắn không có dấu hiệu cực đoan, không có tiền án tiền sự.
Azimov gây tội ác lúc 21 giờ tối 12-5 (giờ Paris) ở gần nhà hát opéra Garnier nổi tiếng. Các nhân chứng cho biết, thủ phạm mặc trang phục màu đen, vừa hô vang “Allahu Akbar” (Đấng Allah vĩ đại”, theo tiếng Arab) vừa vung dao loạn xạ vào 5 người đi bộ trên đường rồi bỏ chạy. Vài phút sau, cảnh sát lao đến, hắn phóng tới dọa họ và bị cảnh sát tiêu diệt.
Vụ khủng bố này khiến 1 người chết. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cho biết, nạn nhân xấu số là một thanh niên 29 tuổi, trong khi 4 người bị thương đều đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch.
Nhóm IS đã nhận trách nhiệm vụ tấn công và cho biết thủ phạm là “một trong các chiến binh” của chúng, nhưng không đưa ra chứng cứ chi tiết về nhân thân thủ phạm. Theo trang tin Aamaq của IS, thủ phạm thực hiện tội ác, nhằm đáp ứng lời kêu gọi người ủng hộ chúng tấn công các nước đánh bom lãnh thổ của chúng ở Syria và Iraq.
Pháp thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu đang đánh đuổi bọn cực đoan khỏi Syria và Iraq. Pháp cũng can thiệp ở Mali để đẩy lùi phe Hồi giáo nổi dậy ở đất nước thuộc Tây châu Phi này.