1001 chiêu “tín dụng đen” trá hình

Thứ Tư, 19/06/2024, 08:25

Để thực hiện hoạt động cho vay lãi cắt cổ, các đối tượng đã lập hợp đồng công chứng ủy quyền giả cách, cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn... để lách luật, né bị xử lý “tín dụng đen” nhằm qua mắt cơ quan chức năng...

Những hợp đồng giả cách

Hoạt động “tín dụng đen” lâu nay vẫn được xem là khối ung nhọt gây nhức nhối xã hội, khiến bao gia đình lâm vào cảnh bi đát do nợ nần quá khả năng chi trả. Cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, truy quét, ngăn chặn, xử lý mạnh với loại tội phạm này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách “tín dụng đen” hoạt động dưới danh phận khác nhau, như: cầm đồ, vay thế chấp, công chứng ủy quyền, mua bán... Những hình thức này đã và đang âm ỉ hoạt động, mang lại hệ lụy khôn lường cho nạn nhân.

1001 chiêu “tín dụng đen” trá hình -0
Nhóm đối tượng do Đỗ Minh Hải cầm đầu cho vay lãi cao theo hình thức cầm đồ và dịch vụ tài chính.

Cuối năm 2023, do cần phải đáo hạn ngân hàng 500 triệu đồng, anh Lê Văn P. (45 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) quyết định cầm sổ đỏ căn nhà vợ chồng đang ở cho một chủ tiệm cầm đồ ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh). Với dự định, sau khi đáo hạn xong, sẽ tiếp tục được ngân hàng giải ngân, anh lấy số tiền đó đi chuộc lại sổ và chịu lãi suất vay nóng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, do vợ anh dính nợ xấu khi mua điện thoại trả góp nên ngân hàng đã từ chối cho vợ chồng anh P. vay tiếp. Đến hẹn mà không có nguồn trả nợ, anh P. buộc phải đi công chứng ủy quyền cho chủ nợ tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tin. Chủ nợ cho anh P. 6 tháng để chuộc lại, bằng không sẽ đi sang tên tài sản cho người khác, đồng nghĩa anh P. sẽ mất tài sản là căn nhà đang ở.

Mỗi tháng trôi qua, anh P. phải đóng lãi gần 20 triệu, chậm một ngày sẽ tính lãi phạt, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Cảm thấy không thể gồng gánh nổi nữa, vợ chồng anh quyết định bán miếng đất ở Long An (vốn là tài sản của cha mẹ anh chia cho con) với giá rẻ để chuộc lại căn nhà đã cầm cố. Nộp đủ tiền gốc lẫn lãi cho chủ, anh P. phải chật vật mấy tháng trời mới lấy lại được sổ đỏ căn nhà. Vậy là, chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, anh P. đã phải trả hơn 100 triệu đồng cho khoản cầm cố 500 triệu, chưa kể nhiều khoản chi phí phát sinh trong quá trình làm hợp đồng giả cách.

Anh P. còn có đất để bán, còn có tiền để chuộc lại nhà. Trong khi, nhiều người chỉ có duy nhất một căn nhà để ở hay một mảnh đất cắm dùi khi lỡ vay nóng bên ngoài đành phải cắn răng mất hết. Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị M. (50 tuổi, ngụ Bình Dương). Bà M. vay 300 triệu đồng bằng hình thức ủy quyền lô đất ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) với giá trên hợp đồng là 500 triệu đồng. Hình thức này chủ nợ sẽ không tính lãi ngày hay lãi tháng và cưa đứt 200 triệu vào hợp đồng ủy quyền, trong vòng 6 tháng bà M. phải trả 500 triệu nếu không sẽ mất lô đất trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Biết mình không có khả năng trả nợ, bà M. đã chấp nhận mất đất trong cay đắng. “Tôi năn nỉ chủ nợ cho dãn thời gian chuộc lại tài sản, sẽ đóng lãi phạt nhưng người ta làm theo hợp đồng và đã bán luôn miếng đất của tôi với giá 900 triệu đồng. Thấy tôi khóc lóc khổ sở, họ cho lại tôi 100 triệu đồng gọi là chi phí... im lặng”, bà M. buồn bã chia sẻ.

1001 chiêu “tín dụng đen” trá hình -0
Đối tượng Trần Thị Thùy bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo hình thức cho vay ủy quyền tài sản.

Lợi dụng hình thức cho vay này, hai đối tượng ở Sóc Trăng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân. Ngày 15/6 vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Thùy (46 tuổi, ngụ xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và Lâm Minh Khải (49 tuổi, ngụ thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong 2 năm, Thùy cho nhiều người dân địa phương vay tiền, sau đó yêu cầu người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng hoặc ủy quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) có giá trị lớn hơn nhiều số tiền vay cho Thùy hoặc Khải để đảm bảo khoản vay.

Với thủ đoạn trên, Thùy và Khải đã chiếm đoạt “sổ đỏ” của nhiều người dân trên địa bàn huyện Trần Đề rồi chuyển nhượng cho người khác để chiếm đoạt số tiền hàng tỉ đồng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã thông tin đến người dân nắm về thủ đoạn, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thùy và Khải, đồng thời đề nghị ai là bị hại của Thùy và Khải hãy đến Công an tỉnh Sóc Trăng trình báo.

Đánh tráo đồ trong hoạt động “tín dụng đen”

Với người không có đất để cầm cố hay thế chấp, có một hình thức khác của “tín dụng đen” chính là cầm đồ. Những món đồ giá trị như ô tô, xe máy... được cầm cắm với giá bằng nửa hoặc chỉ một phần ba giá trị thực tế. Lãi suất theo hình thức cầm đồ được giả cách rất tinh vi. Thay vì lấy lãi cao thì trong hợp đồng, các tiệm cầm đồ sẽ chia nhỏ lãi suất lớn thành các gói nhỏ với tên gọi như: Phí dịch vụ cầm cố, phí xác minh, phí bảo vệ... và trên danh nghĩa, lãi suất các loại phí này rất đúng với pháp luật, không hề vi phạm, chỉ có người đi cầm đồ là tan nát cõi lòng, mất của trong tình trạng nhức nhối tâm can.

1001 chiêu “tín dụng đen” trá hình -1
Công an TP Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra, xử lý các tờ rơi quảng cáo “tín dụng đen”.

Vừa vay mượn anh em bạn bè mua được chiếc xe ô tô 450 triệu để chạy dịch vụ, anh Lê Đức T. (32 tuổi, ngụ quận 4, TP Hồ Chí Minh) đã sớm phải “gửi” ở tiệm cầm đồ lấy 200 triệu đồng thanh toán tiến độ xây dựng căn hộ vợ chồng anh đang mua ở TP Thủ Đức. Trong hợp đồng cầm cố, lãi suất chỉ bằng lãi ngân hàng, nhưng anh T. phải ký thêm 3 hợp đồng khác liên quan đến các loại phí cầm đồ. Việc này chỉ có hai bên hiểu với nhau, anh T. cũng hiểu rất rõ các loại phí này là lãi suất cao được trá hình, nhưng bí bách tiền bạc, anh phải chấp nhận. “Tôi không biết người ta tính lãi thế nào mà cứ mỗi ngày tôi phải đóng 1,2 triệu đồng, họ cho tôi vay một tháng, tổng lãi phải trả là gần 40 triệu. Nếu không đóng được thì tính lãi phạt”, anh T. cho biết.

Một tháng không lo nổi tiền, anh T. sợ tiệm cầm đồ mang xe của mình đi thanh lý nên đã quyết định bán trước nhằm gỡ gạc đồng nào hay đồng đó. Bán tháo cho kịp trả nợ, anh bị ép giá chiếc xe chỉ còn 300 triệu đồng. Sau khi trả cho tiệm cầm đồ 200 triệu tiền gốc, lãi và chi phí khác, anh T. còn lại vài chục triệu. “Xe không còn mà nợ chồng thêm nợ. Bây giờ tôi phải đi kiếm việc làm khác để sống qua ngày”, anh T. than thở.

Hoạt động “tín dụng đen” núp bóng dịch vụ cầm đồ đã bị cơ quan chức năng xử lý quyết liệt trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Vào tháng 4/2024, Cơ quan CSĐT Công an quận 4, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện đường dây "tín dụng đen" hoạt động có tổ chức, quy mô lớn "núp bóng" dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính và ra quyết định khởi tố đối với Đỗ Minh Hải (sinh năm 1985, ngụ quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cùng các đồng phạm về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xác định hoạt động cho vay lãi nặng xảy ra tại Công ty TM 24H và Công ty ATM Online thông qua trang web cho vay tiêu dùng trực tuyến trái pháp luật. Cả hai công ty đều hoạt động tại địa chỉ 261-263 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) dưới sự điều hành của Đỗ Minh Hải.

Để quản lý và điều hành, Đỗ Minh Hải thuê các đối tượng Trần Đình Triển làm Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty TM 24H; Verevkin Vladimir làm Giám đốc vùng tại Việt Nam; Nguyễn Thị Thúy Diễm làm Giám đốc khối vận hành; Đỗ Thị Minh Hiếu làm Trưởng nhóm tư vấn, thẩm định vay.

1001 chiêu “tín dụng đen” trá hình -0
Cơ quan chức năng xóa tờ rơi quảng cáo cho vay tín dụng dán trên cột điện.

Tổ chức này có quy mô lớn, hoạt động chặt chẽ, phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng giám đốc, trưởng phòng, trưởng bộ phận, trưởng nhóm và nhân viên theo từng công đoạn từ tuyển dụng, đào tạo nhân sự, thu chi tài chính, chăm sóc khách hàng, nhắc nợ trước hạn, thu nợ quá hạn.

Để che giấu hành vi, các đối tượng hoạt động "núp bóng" doanh nghiệp tư vấn tài chính, dịch vụ cầm đồ; sử dụng công nghệ cao để thực hiện hoạt động cho vay trực tuyến, lưu trữ hồ sơ khách hàng trên internet; không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, nhóm lập các hợp đồng cho vay cầm cố, hợp đồng tư vấn, hợp đồng cầm cố tài sản (với nội dung thuê lại tài sản cầm cố) không có thật nhằm chia nhỏ lãi suất thành lãi suất cơ bản nhỏ hơn 20%/năm, phí dịch vụ tư vấn, phí dịch vụ, phí nền tảng, phí cầm cố tài sản hơn 80%/năm. Qua đó, các đối tượng đánh tráo khái niệm, trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan pháp luật trong thời gian dài với tổng số tiền giải ngân hơn 3.900 tỷ đồng, tổng số tiền thu về hơn 4.600 tỷ đồng với hơn 738.900 lượt vay.

Theo Cơ quan CSĐT, đây là nhóm tội phạm có tổ chức do người nước ngoài cấu kết với các đối tượng người Việt Nam, hoạt động xuyên quốc gia, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Biên (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh): Khi muốn vay từ ngân hàng, người vay phải xác minh địa chỉ cư trú, chứng minh thu nhập và có lịch sử tín dụng tốt. Khi không đáp ứng được các yêu cầu trên, người vay sẽ tìm đến các công ty tài chính hoặc cửa hàng cầm đồ. Tình trạng “tín dụng đen” núp bóng công ty tài chính, tiệm cầm đồ đã diễn ra từ nhiều năm nay. Các đối tượng cho vay lãi nặng đã dùng nhiều thủ đoạn để dụ người dân gặp khó khăn cho vay với lãi suất “cắt cổ”.  Việc cầm đồ bị hiểu là “tín dụng đen” đa phần xuất phát từ việc lãi suất cầm đồ thường cao hơn lãi suất ngân hàng. Việc phải trả lãi suất cao, rồi mất khả năng chi trả khiến nhiều người lâm cảnh khốn khó. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định rõ ràng về cách thức vận hành, hoạt động của công ty cầm đồ và các quy định chi tiết về những loại phí được phép yêu cầu khách hàng thực hiện. Việc này giúp người dân đi vay sẽ không bị “bóp cổ” và tạo điều kiện cho doanh nghiệp không phải đứng trước ranh giới mong manh giữa hình sự và dân sự.

Ngọc Thiện
.
.
.