Gan dạ, dũng cảm trong thời chiến - tình nghĩa, nhân văn trong thời bình

Thứ Bảy, 11/03/2023, 09:37

Gần 60 năm đã qua, họ - những chàng trai, cô gái Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (Công an chi viện chiến trường miền Nam) năm nào, giờ tuổi đã cao, tóc đã bạc, tay đã run.

Nhưng vẹn nguyên trong họ vẫn là ký ức về một thời thanh xuân rực lửa, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, sẵn sàng lên đường vì miền Nam thân yêu.

Anh dũng, ngoan cường trong chiến đấu

Lịch sử CAND đã ghi nhận, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có 908 cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam anh dũng hy sinh, 46 cán bộ Công an chi viện bị địch bắt tù đày trong các nhà lao địa ngục trần gian của Mỹ - ngụy; hàng trăm đồng chí bị thương tật, nhiễm chất độc da cam.

2.jpg -0
Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai (thứ 2 từ trái sang) và đoàn cán bộ Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam đến thắp hương tưởng niệm cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại nhà riêng.

Nhưng bởi được tôi luyện trong cuộc đấu tranh đầy cam go, ác liệt, những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam luôn chiến đấu anh dũng, ngoan cường, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ Công an cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc.

Đội ngũ cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam đã góp phần không nhỏ làm chuyển biến tương quan lực lượng, là một trong những nhân tố góp phần quan trọng giúp lực lượng An ninh miền Nam không ngừng lớn mạnh mọi mặt, đủ sức đương đầu và đánh bại âm mưu hoạt động của các cơ quan tình báo, gián điệp, cũng như kế hoạch bình định của Mỹ-ngụy, đóng góp không nhỏ vào chiến công chung của lực lượng CAND, để cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lập nên những chiến công vang dội, làm nên Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chia sẻ về truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an chi viện chiến trường miền Nam, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai, Trưởng Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam cho biết: Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đế quốc Mỹ đã phá hoại Hiệp định, hất cẳng thực dân Pháp, dựng nên chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng. Trước âm mưu và hành động của kẻ thù, Đảng ta đã chủ trương chi viện cho cách mạng miền Nam để tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, ngay từ năm 1959, Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an đã sớm lựa chọn cán bộ để bồi dưỡng và huấn luyện, chi viện cho chiến trường miền Nam. Với tinh thần và quyết tâm “tất cả vì tiền tuyến lớn”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng CAND đã chi viện hơn 11.000 cán bộ Công an cho chiến trường miền Nam.

Vào chiến trường, đội ngũ cán bộ Công an chi viện đã nhanh chóng hòa nhập với lực lượng An ninh tại chỗ, lăn lộn, bám sát phong trào cơ sở. Trong hoàn cảnh chiến trường vô cùng ác liệt, trên mỗi cương vị, nhiệm vụ được giao, các cán bộ Công an chi viện đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cùng đồng chí, đồng bào miền Nam xây dựng lực lượng chính trị, phát động quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp của Mỹ - ngụy, diệt ác, trừ gian, bảo vệ căn cứ cách mạng; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, cơ sở của địch; bảo vệ lực lượng vũ trang, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng; kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh, lập nhiều chiến công, thành tích xuất sắc.

Từ đó góp phần quan trọng vào những chiến công, thành tích chung của lực lượng CAND trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Nhiều tấm gương chiến đấu, anh dũng hy sinh của cán bộ Công an chi viện còn sống mãi trong tâm trí đồng bào, đồng đội miền Nam.

Tình nghĩa, nhân văn trong thời bình

Chiến tranh qua đi, hoà bình lập lại, non sông đất nước thống nhất, những người chiến sĩ Công an chi viện trở về, toả đi khắp mọi miền Tổ quốc, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Phát huy truyền thống, họ tiếp tục thắp sáng ngọn lửa cách mạng, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, gắn kết bên nhau với nhiều hoạt động nghĩa tình tại “ngôi nhà” chung mang tên Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Được thành lập từ năm 1997, tính đến nay đã gần 26 năm, Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam đã không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ CAND cách mạng. Họ - những con người đã từng vào sinh ra tử, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” ngày nào, giờ đây, dù tuổi đã cao, tóc đã bạc, chân đã run, nhưng ở họ vẫn vẹn nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng; tiếp tục cống hiến sức mình bằng các hoạt động tiếp lửa truyền thống, đền ơn đáp nghĩa, nghĩa tình đồng đội, góp phần giáo dục, nêu gương phẩm chất cao quý về lý tưởng, đạo đức, lối sống đối với các thế hệ cán bộ và tuổi trẻ CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Thiếu tướng Phan Văn Lai bộc bạch: “Là một tổ chức mà hội viên là những cán bộ Công an ưu tú đã từng lập nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại nên chúng tôi luôn trăn trở là phải hoạt động như thế nào để tiếp tục xứng đáng, tiếp bước truyền thống Anh hùng của lực lượng CAND. Thế là các buổi sinh hoạt, tiếp lửa truyền thống với các chủ đề: “Một thời hoa lửa”; “Những chiến công đi vào huyền thoại”; “Thắp lửa truyền thống - ấm tình nơi biên cương”; “Vang mãi bản hùng ca Tây Đô” “Những bước chân không mỏi”… ra đời”.

Tính đến nay, Ban liên lạc đã tổ chức 20 chuyến đi tiếp lửa truyền thống ở các đơn vị, địa phương trong cả nước. Tại các chuyến đi, Ban liên lạc đã tổ chức giao lưu để các nhân chứng nguyên là lãnh đạo chủ chốt Ban An ninh các cấp, các đồng chí tiêu biểu trực tiếp giao lưu với cán bộ và tuổi trẻ Công an các đơn vị, địa phương, góp phần động viên, cổ vũ cán bộ và tuổi trẻ CAND phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Ban liên lạc còn thường xuyên tổ chức các chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, thăm các di tích lịch sử của dân tộc, của lực lượng CAND, các nghĩa trang anh hùng liệt sĩ, nhà lưu niệm các nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng, các nhà tù địa ngục trần gian của Mỹ-ngụy… gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị về việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị của Bộ Công an về đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào “CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy” để không ngừng nâng cao truyền thống yêu nước và trách nhiệm của cán bộ Công an chi viện đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Một điểm nhấn không thể không nhắc tới của Ban liên lạc Công an chi viện chiến trường miền Nam chính là các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ tích cực xây dựng quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ Công an, Ban liên lạc đã vận động các cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp ủng hộ quỹ nên Ban liên lạc có nguồn kinh phí thường xuyên dành cho các hoạt động tri ân, nghĩa tình.

Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây (từ năm 2020 - 2022), Ban liên lạc đã huy động được hơn 1,2 tỷ đồng vào quỹ “Nghĩa tình đồng đội”, góp phần chia sẻ, giúp đỡ cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, trong các chuyến đi giao lưu tiếp lửa truyền thống ở các đơn vị, địa phương, Ban liên lạc đã trao tặng hơn 200 suất quà cho các đối tượng người có công, thương binh, thân nhân liệt sĩ, những người nhiễm chất độc màu da cam, bị địch bắt tù đày.

Với tinh thần: “Tất cả vì đồng đội”, “Không để ai bị bỏ quên”, Ban liên lạc đã ban hành quy định 4 biết: “Biết người, biết nơi ở, biết điện thoại, biết hoàn cảnh” nhằm nắm bắt tình hình, gia cảnh mỗi hội viên để kịp thời động viên, giúp đỡ chu đáo.

Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhiều hội viên của Ban liên lạc tuổi đã cao, sức yếu, nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo do di chứng chiến tranh. Xác định được điều đó, Ban liên lạc đã đặc biệt quan tâm chăm sóc về tinh thần, vật chất, sức khỏe của hội viên, coi nhiệm vụ “Tri ân đồng đội” là nhiệm vụ thường xuyên, hàng đầu.

Với tinh thần: “Tất cả vì đồng đội”, “Không để ai bị bỏ quên”, Ban liên lạc đã ban hành quy định 4 biết: “Biết người, biết nơi ở, biết điện thoại, biết hoàn cảnh” nhằm nắm bắt tình hình, gia cảnh mỗi hội viên để kịp thời động viên, giúp đỡ chu đáo. Hằng năm, Ban liên lạc chi hàng trăm triệu đồng thăm nom hội viên ốm đau, phúng viếng hội viên và người thân từ trần, chúc mừng các hội viên được mừng thọ, trợ giúp hội viên có hoàn cảnh khó khăn tu sửa nhà cửa, chi phí chữa bệnh hiểm nghèo…

Đặc biệt, dù đã về hưu, tuổi cao nhưng nhiều hội viên Ban liên lạc vẫn tích cực tham gia công tác ở địa phương. Trong 300 hội viên hiện nay, 40 đồng chí vẫn tham gia làm Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Ban công tác mặt trận, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ…

Và tính từ khi thành lập đến nay, đã có tới 100 lượt hội viên tham gia công tác xã hội. Chính sự gương mẫu, tận tụy đóng góp đó đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người cán bộ CAND thời chiến cũng như thời bình, là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Tâm Phạm
.
.