Trung tá Công an Đào Văn Hà: Lặng lẽ ngược tìm lịch sử

Chủ Nhật, 27/12/2009, 10:58
Mang một gương mặt đặc trưng của dân trinh sát an ninh, anh có đôi mắt sắc sảo, nét bình thản kín đáo, vẻ mặt lạnh cộng với dáng người cần mẫn, như con ong chân chỉ hạt bột sớm tối với công việc của mình. Thế nhưng giấu phía sau vẻ điềm đạm, chững chạc ấy là một tâm hồn phóng khoáng, rộng mở, một con người đôn hậu tài hoa. Đằng sau sự chất phác, cũ kỹ ấy là trái tim đầy ắp nhiệt huyết với một niềm đam mê vô bờ bến về công tác nghiên cứu khoa học, văn hoá, lịch sử.

 

Chính công việc chuyên môn trinh sát của một sỹ quan Công an đã mở đường chỉ lối cho anh đi sâu vào công việc nghiên cứu văn hoá, lịch sử, môi trường nơi những vùng miền anh đã sống và đặt chân tới. Anh chính là nhân vật nổi tiếng trong mấy năm gần đây của ngành Công an với cái tên quá quen thuộc với báo giới: Trung tá Đào Văn Hà.

Gặp lại Trung tá Đào Văn Hà sau hai năm trở thành "người của công chúng", chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về những phát kiến rất được giới khoa học và đông đảo dư luận quan tâm.

- Thưa anh Đào Hà, vậy là từ sau giải khuyến khích về môi trường thì cho đến nay đề tài của anh đã được triển khai đến đâu rồi ạ?

- Theo như mình biết chương trình nối sông Hồng với sông Tô Lịch đã được nhiều cơ quan báo chí, Vụ Khoa học Môi trường, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban TP Hà Nội và một số báo chí tuyên truyền có nói là đã chính thức được Thành phố quan tâm và cho thực hiện vào đầu năm 2010. Tức là lấy nước từ sông Hồng, vào sông Nhuệ đi qua cánh đồng Noi Cáo và đến đường sông Thiên Phú cổ, giáp Nghĩa Đô, đi vào đầu nguồn sông Tô Lịch ở dốc Bưởi.

- Khi làm dự án này anh có được mời làm tư vấn chuyên môn hay kỹ thuật gì không?

- Tôi được Vụ Khoa học Môi trường, Văn phòng Quốc hội mời lên 3 lần trình bày. Sau đó có yêu cầu tôi viết một báo cáo tóm tắt về công trình này, cử đoàn xuống khảo sát thực địa và họ đánh giá rất cao. Chỉ thế thôi, còn bên thành phố Hà Nội thì tôi chưa được tiếp xúc.

- Công trình này anh có đăng kí bản quyền không? Và theo như anh nói là dự án thau rửa sông Tô Lịch dự kiến sẽ được triển khai năm 2010 thì tiến trình của nó như thế nào và ai được ghi danh là tác giả chính của  dự án đấy?

- Về đề án đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch thì khi tham gia cuộc thi môi trường năm 2007, tôi có đăng kí bản quyền, gửi cuộc thi và gửi đề án chính cho Văn phòng Quốc hội. Vụ Khoa học Môi trường mượn đề án ấy nhưng hiện nay chưa giả tôi. Nhiều người đến mượn đề án để tham khảo nhưng tôi không còn trong tay. Nếu không lấy lại được chắc cũng phải trở về nơi bản quyền để xin lại bản gốc.

- Dự án mà UBNDTP Hà Nội phê duyệt để triển khai vào đầu năm 2010 là lấy nước sông Hồng rửa sông Tô Lịch có dựa trên đề án gốc của anh không?

- Tôi có đọc báo rất kĩ, không chỉ một báo mà nhiều báo nói về dự án. Thứ nhất là TP Hà Nội đã ra một nghị quyết là quyết tâm mọi cách đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Thứ hai là đưa bằng đường nào thì có nói là lấy bằng chính ở trạm Thụy Phương cửa sông Nhuệ qua cánh đồng Noi Cáo qua Nghĩa Đô vào sông Tô Lịch theo đúng như đề án của tôi, không sai được.

Đề án đã đăng kí bản quyền nên không thể có người thứ 2. Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đánh giá cao đề án của tôi nhưng chỉ trên báo chí thôi. Tôi tự tin vào tính khoa học của dự án bởi vì nó có độ cốt lớn, nó thuận nhiều đường, cả thi công đền bù cũng như là tính trường tồn.

Thực ra muốn cải tạo thiên nhiên thì phải dựa trên thiên nhiên, những gì thuộc vào quy luật tự nhiên nhất. Đề án của tôi tuân theo quy luật tự nhiên, tôn trọng dòng chảy của thiên nhiên. Tôi không phản biện công trình khoa học của người khác nhưng tôi tin chắc chắn là đề án tới đây thực hiện sẽ tiến hành theo những gì mà tôi đã đề cập.

- Như vậy cho đến thời điểm này, anh chỉ nghe nói rằng dự án đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ được triển khai nhưng không biết chắc là sẽ triển khai theo đề án của anh hay là đề án của người khác phải không ạ?

- Quả vậy, rất nhiều báo chí nhắc đến công trình của tôi nhưng chưa bao giờ nói đến tên tôi. Cho nên nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có nói rằng Sở Tài nguyên Môi trường tại sao không gọi Đào Hà là tác giả của công trình này đến. Tôi cũng có ý thế này. Việc tôi làm về môi trường không phải là tôi đòi hỏi quyền lợi gì, mà tôi muốn các công trình được cống hiến cho xã hội.

Cái được thực hiện mới là quan trọng. Thời gian cách đây một tuần tôi có đi theo con sông Thiên Phù, mà tôi nghiên cứu thì tôi thấy rằng dưới dòng mương tưới thành phố Hà Nội đang dọn rất sạch. Họ đang chuẩn bị hết các trạm bơm ngày xưa bỏ không để chuẩn bị bơm. Tôi cũng không hiểu đây là công trình của tôi đã đang thực hiện hay không nhưng rõ ràng họ đang làm như thế.

- Anh có cảm giác chạnh lòng không? 

- Tôi coi đó là niềm vui, vì thực ra tôi cũng được nhiều cơ quan báo chí truyền hình đưa tin về công trình của tôi, thậm chí có người ở quốc tế cũng gọi điện cho tôi, thì tôi thấy đó cũng là cái đáng quý. Mọi người khi nhận xét công trình của tôi đều hiểu rằng quả thật tôi là người gắn bó với sông Tô Lịch.

- Không chỉ rành rẽ về những con sông cổ ở Hà Nội, mới đây, giới khoa học lịch sử lại ghi nhận công lớn của Đào Hà với phát hiện mới về cuộc khởi nghĩa lớn có tên Hắc Y mà lịch sử gần như hoàn toàn lãng quên?

- Cuộc khởi nghĩa Hắc Y diễn ra chính là quê hương tôi, chính là vùng đất Tổng Gối ngày xưa, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Đây là cuộc khởi nghĩa rất lớn trong giai đoạn chống giặc Minh. Cùng thời thì có cuộc khởi nghĩa Bạch Y, Hồng Y, Thanh Y, Than Bội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng cuộc khởi nghĩa Hắc Y là lớn nhất. Lớn về phạm vi hoạt động là từ Ba Vì, Hà Nội đến Mê Linh, Vĩnh Phúc. Lớn về chiến công.

Thời gian hoạt động trong 10 năm. Với dòng dõi của đại đô đốc Khoa Duy Thành, cháu ông chủ tướng cuộc khởi nghĩa này chính là cháu ruột của tướng công Phạm Ngũ Lão, hậu duệ sau này là cố Đại tướng Văn Tiến Dũng. Và với chiến lược của các nhà thao lược, binh lược lúc đó với tư tưởng tứ vọng giang sơn.

Quê hương tôi vẫn gọi đó như bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam là: "Vị quốc gia độc lập, vị dân tộc tự do, vị dân sinh hạnh phúc, vị dân quyền bình đẳng". Tư tưởng đó cho đến bây giờ chúng ta vẫn đang phải phấn đấu. Tôi có đi khảo sát, theo sự chỉ đạo của Giáo sư sử học Lê Văn Lan làm những công việc tiếp theo để chuẩn bị cuộc hội thảo cấp nhà nước tại Quốc Tử Giám.

Tôi đã làm được khá nhiều công việc, cũng lầm lũi làm, vất vả và không có cách nào khác là phải tự mình đi làm.Thứ nhất là đi khảo sát vùng núi Dõm, núi Đôi ở Mê Linh để dựng lại khu chiến của cuộc khởi nghĩa, việc này tôi đã hoàn thành và được đăng lên báo. Thứ hai là dựng lại toàn bộ các di tích văn hóa mà trước đây là căn cứ, là các dư đồ trận, chiến công, văn bia và những con người là dấu tích cuộc khởi nghĩa.

Thứ ba là nguyên nhân tại sao cuộc khởi nghĩa lại diễn ra ở đó và vì sao không giành được thắng lợi cho đất nước. Tất cả những con người liên quan giai đoạn lịch sử đó để chứng minh rằng cuộc khởi nghĩa đó là có thật và đánh giá để bổ sung cho chính sử Việt Nam về cuộc khởi nghĩa này và đây chính là sự chỉ đạo của Giáo sư sử học Lê Văn Lan trong cuộc tưởng niệm cố Đại tướng Văn Tiến Dũng, chỉ đạo cho một số các nhà nghiên cứu, dòng tộc và một số người liên quan.Tôi đang cố gắng hoàn thành 6 tham luận để nhờ các nhà sử học xúc tiến hoàn thành các công trình này.

- Anh đã tìm ra cuộc khởi nghĩa Hắc Y đó bắt đầu từ những dẫn dắt nào?

- Đầu tiên đơn thuần tôi là một người nghiên cứu văn hóa. Tôi có nhiều bạn bè ở Trung ương có nói rằng: Quê hương chú có một cái gì đó rất linh thiêng, vậy mà nguồn gốc điệu hát Chèo Tàu chú lại không biết, quả thực từ xưa đến nay chưa ai tìm ra được nguồn gốc đó. Vì lòng tự trọng quê hương, tôi quyết tâm đi tìm qua các đình chùa, miếu mạo các dòng tộc và họ cung cấp cho tôi cuốn sách cổ đó.

Khi tôi tiếp cận thì cuốn sách không có bản dịch nhưng sau đó tôi biết được là các cụ biết Hán Nôm ở quê tôi có tập trung dịch cuốn sách này trong vòng một năm, cách đây khoảng 14 năm. Lúc đọc xong bản dịch tôi giật mình. Lúc đầu tôi nghĩ nó chỉ là văn hóa thôi và tôi biết rõ về nguồn gốc điệu hát Chèo Tàu, sau đó tôi đặt câu hỏi rằng tất cả các điệu hát đều nói về nguồn gốc một cuộc khởi nghĩa mà chưa ai nói đến.

Sau đó tôi về các lăng tẩm, hai di tích văn hóa ở quê tôi là miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn. Miếu Voi Phục là nơi thờ Đô đốc Hoa Duy Thành và lăng Văn Sơn là mộ của tướng quân Văn Dĩ Thành. Ở đây họ viết về cuộc khởi nghĩa hết sức lờ mờ.

Tôi đã dựng lại bối cảnh, tướng lĩnh, dư đồ trận vì vốn dĩ hiểu được thế nào là một cuộc khởi nghĩa. Tôi đi hỏi các cụ cao tuổi thôi, rồi dựng lại chiến công, đường tiến công, tập kết, thậm chí tìm ngọn cờ cuộc khởi nghĩa.

Thì dần dần nó hiện rõ ra và trong cuốn sách cổ đầy đủ hết. Và tôi tái hiện lại cuộc khởi nghĩa bằng ngôn ngữ bây giờ. Khi tôi đưa cho Giáo sư sử học Lê Văn Lan thì ông nói rõ ràng đây là một cuộc khởi nghĩa bị lãng quên và bây giờ nó đã hiện diện không còn phải nghi ngờ.

Tôi có viết hai bài viết: "Có một cuộc khởi nghĩa chưa biết đến" đăng báo Người Hà Nội, bài thứ hai là Khu chiến của cuộc khởi nghĩa Hắc Y. Sau đó các tạp chí và các báo: Tạp chí Xưa và nay, Báo Hà Nội mới, Báo Nhân Dân, Báo Đại Đoàn Kết có đăng lại rất chu đáo.

- Sau khi các phát hiện của anh được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, bên Hội Sử  học Việt Nam có động thái gì về thành quả nghiên cứu của anh?

- Giáo sư sử học Lê Văn Lan là người tâm huyết nhất. Giáo sư có làm một chương trình ở VTC1 về cuộc khởi nghĩa này và có chỉ đạo tôi tổ chức một cuộc gặp mặt đầu tiên của những con người liên quan đến cuộc khởi nghĩa, sau đó có làm hai chương trình phim hát Chèo Tàu ở quê tôi. Giáo sư cũng đang chỉ đạo thực hiện bằng được cuộc hội thảo cấp nhà nước về cuộc khởi nghĩa Hắc Y.

Đây là một vấn đề lớn của đất nước, là nền móng, không phải là chuyện nhỏ, nói như Giáo sư sử học Lê Văn Lan rằng đây là cuộc khởi nghĩa lớn của lịch sử phải đưa vào giáo dục cho học sinh, phải bổ sung vào phần còn thiếu của lịch sử, là một vấn đề không nhỏ, mang tính chất trở thành trang sử oanh liệt.

Ta biết mà không bổ sung thì ta có lỗi với đất nước, hơn nữa đây là quê hương tôi, đó là sứ mệnh lịch sử của tôi đối với quê hương. Tôi sẽ dồn tất cả những gì tôi có thể cho cuộc hội thảo, thậm chí tự bỏ tiền, tự tổ chức. Đó là ý chí quyết tâm của tôi. Rồi ai cũng phải trở về với đất và tôi chọn việc này là cái để lại cho quê hương và thực tế tôi đã giúp cho huyện Đan Phượng của tôi 6 phim về văn hóa Việt, dân Đan Phượng gọi tôi là người con của xứ Đoài.

- Sắp tới anh có dự định gì sau những miệt mài nghiên cứu của mình đã có những thành công khai mở có tính chất bước đầu?

- Có hai cái tâm huyết nhất tôi dành thời gian để thực hiện chính là tôi viết một tác phẩm về cuộc khởi nghĩa Hắc Y này. Sách có thể hàng mấy trăm trang, và phải dựng lại hoàn chỉnh cuộc khởi nghĩa, chứng minh được đó là một cuộc khởi nghĩa. Công việc rất khó và công phu. Đó cũng chính là ý và sự chỉ đạo của Giáo sư sử học Lê Văn Lan để sau khi hội thảo cấp nhà nước phải có 1 tác phẩm được xuất bản.

- Vậy công việc làm trinh sát an ninh của anh thì như thế nào? Anh có nghĩ rằng mình đã chọn sai nghề không? Nếu đúng nghề ngay từ đầu, những thành quả của anh có thể sẽ đến sớm hơn nữa.

- Tôi là người nghiêm túc trong công việc ở cơ quan, nhất là giờ giấc và phương pháp làm việc. Một tuần tôi đặt ra những công việc cần làm và cố gắng làm gọn, chất lượng và để lại trong thế hệ trẻ sự kính nể. Điều quan trọng là công việc chuyên môn của tôi ở cơ quan tôi luôn phải ưu tiên số một, và phải hoàn thành tốt thì mới được nhiều người yêu quý và tôn trọng. Phải thú thật tôi cảm ơn nghề trinh sát Công an, chính nghề đã mang tôi đến với nghiệp nghiên cứu này

.
.