Nữ giảng viên có phương pháp giảng dạy khoa học

Thứ Hai, 24/11/2014, 10:21
Năm học 2013 - 2014,  Đại úy Trần Thị Hoa, Tổ trưởng Tổ bộ môn Khoa Trinh sát an ninh, Trường Cao đẳng ANND I được công nhận danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ”. Tháng 9 vừa qua, chị là một trong 5 đại biểu của Việt Nam và là đại biểu duy nhất của Bộ Công an tham dự Hội nghị quốc tế về phòng chống khủng bố gồm 15 nước châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức tại Malaysia…

Đại úy Trần Thị Hoa từng là sinh viên ưu tú với kết quả học tập xuất sắc và năng động tham gia các phong trào Đoàn Học viện ANND. Là Ủy viên BCH Đoàn trường, rồi sau đó là Bí thư Liên chi đoàn Học viện ANND, cô sinh viên thông minh ấy đã tốt nghiệp đạt loại xuất sắc toàn khóa. Ra trường, chị được phân công về làm giảng viên tại Trường Cao đẳng ANND I.

Giảng viên nghiệp vụ trinh sát vốn đã ít, vì nguồn tuyển về chỉ lấy từ Học viện ANND. Nữ giảng viên nghiệp vụ trinh sát lại càng hiếm, bởi yêu cầu công việc đòi hỏi phải đi nghiên cứu thực tế, đi công tác nhiều, thường xuyên đi giảng dạy ở các địa phương, đưa học viên đi thực tế… do vậy lâu nay chuyên ngành này đa phần được cánh nam giới lựa chọn. Khó khăn ở chỗ, học 5 năm ở Học viện ANND, chị được đào tạo để trở thành cán bộ trinh sát. Trong khi về Cao đẳng ANND I, chị lại phải làm nhiệm vụ giảng viên đào tạo cán bộ trinh sát. Trước khó khăn thử thách như vậy, chị phải cố gắng gấp đôi, gấp ba để trau dồi nghiệp vụ sư phạm và tìm hiểu thêm kiến thức chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu công việc…

Trước những giờ lên lớp, chị luôn miệt mài tìm tòi, đổi mới nội dung, nghiên cứu áp dụng phương pháp dạy học tích cực; sử dụng slide, tranh ảnh, phim ảnh minh họa để bài giảng thêm phong phú. Một trong những phần khó của nghiệp vụ trinh sát là hướng dẫn thực hành cho các học viên. Trước đây các em chủ yếu thực hành theo phương pháp truyền thống, giảng viên cho học viên lập kế hoạch trên giấy, sau đó kiểm tra, kết luận. Còn mỗi giờ học thực hành của Đại úy Trần Thị Hoa luôn thu hút và tạo cảm hứng cho học viên bởi chị tổ chức cho sinh viên thực hành theo phương pháp làm việc nhóm, sử dụng kịch bản tình huống. Các em được “làm việc” như các trinh sát bên ngoài thực thụ, kể cả về tư duy tình huống và cách lập luận, thuyết trình, được trải nghiệm giống với thực tế là yếu tố khiến học viên yêu thích giờ thực hành của chị và hiểu kỹ, nhớ sâu.

Thực hành theo phương pháp làm việc nhóm, sử dụng kịch bản tình huống là yếu tố hấp dẫn trong giờ giảng của Đại úy Trần Thị Hoa.

Từ chuyện của chị Hoa mới thấy, Đảng ủy, BGH Trường Cao đẳng ANND I cũng rất quan tâm đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức các CLB học tập dưới hình thức sân khấu hóa, vừa là sân chơi nghiệp vụ của học viên, vừa giúp ôn lại lý thuyết, vừa rèn tay nghề... Những buổi học “vừa chơi vừa học” không chỉ phát huy được trí tuệ, tính sáng tạo của chính học viên, mà còn giúp bồi dưỡng kiến thức; tạo mối liên kết để giảng viên gần gũi, hiểu học viên hơn, từ đó tìm cách đáp ứng tối đa yêu cầu của học viên trong thảo luận, thực hành…

Học viên của trường rất đa dạng, vừa là học sinh phổ thông tuyển vào, vừa là cán bộ đi học, hay Trưởng Công an cấp xã; trong đó đa số là nam, một bộ phận lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy đòi hỏi mỗi giảng viên phải phân loại đối tượng học sinh để có phương pháp tiếp cận cũng như cách giảng hợp lý.

Đại úy Trần Thị Hoa lý giải: “Chẳng hạn như đối tượng là học sinh phổ thông thi đỗ vào trường chưa có nhiều kiến thức thực tế, nên giảng viên phải áp dụng các phương pháp kích thích trí sáng tạo, bồi dưỡng thêm thực tế, đưa kiến thức sâu về lý luận. Còn cán bộ đi học là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng cử tuyển thì có thể va vấp thực tế nhiều nhưng còn hạn chế ngôn ngữ, trình độ nhận thức và hiểu biết xã hội nên cần giảng chậm và minh họa chi tiết, cụ thể hơn…”. Bên cạnh công tác giảng dạy với tổng số giờ giảng luôn vượt mức so với yêu cầu đề ra, chị cũng tham gia nghiên cứu khoa học, biên soạn các giáo trình, tài liệu dạy học với nhiều đề tài đã được nghiệm thu…

Quỳnh Vinh - Anh Hiếu
.
.