Nữ Đại tá Công an nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2015

Thứ Hai, 19/10/2015, 08:03
Chúng tôi biết, một bài báo nhỏ này không thể kể hết những hiểm nguy, khó khăn, vất vả mà chị và đồng đội đã vượt qua để lập công xuất sắc. Địa bàn chị phụ trách lại là tỉnh biên giới Cao Bằng, với hơn 300km đường biên, địa hình đồi núi phức tạp.

Nhưng từ năm 2011 đến nay, chị đã trực tiếp cùng anh em trong đơn vị phát hiện, bắt giữ điều tra 200 vụ mua bán trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gần 225 bánh heroin, 20kg ma túy dạng đá, 2.240 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều vũ khí, phương tiện tài sản khác.

Chị là Đại tá Đàm Thị Lê, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy (Công an tỉnh Cao Bằng), người vinh dự được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2015 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng vào sáng 18/10.

Đại tá Đàm Thị Lê tâm sự, Cao Bằng không phải là địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy song lại có rất nhiều yếu tố tiềm ẩn để loại tội phạm này lợi dụng hoạt động, gây mất ổn định về ANTT. Đây là nơi các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Nội... chọn làm địa bàn trung chuyển, hình thành nên đường dây khép kín hoạt động với rất nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm. Làm thế nào để bóc gỡ từng đường dây, triệt xóa từng điểm ma túy gây bức xúc trong quần chúng nhân dân? Đó luôn là câu hỏi thường trực trong chị Đàm Thị Lê.

Đại tá Đàm Thị Lê cùng đồng đội triển khai công tác chuyên môn.

Do đó, khi còn là trinh sát cho đến khi được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng, rồi Trưởng phòng, chị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiên phong gương mẫu và luôn đảm bảo tính đồng thuận, thống nhất cùng tập thể lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt chức năng tham mưu. Chị còn linh hoạt, nhạy bén, quyết đoán trong chỉ đạo công tác chuyên môn; đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, xứng đáng là đơn vị mũi nhọn trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm ma túy nói riêng.

Tội phạm ma túy không chỉ liều lĩnh, sẵn sàng dùng thủ đoạn manh động nhất, và chúng cũng sẵn sàng sử dụng những lợi ích vật chất hòng làm lung lạc những trinh sát điều tra ma túy, trong đó có Đại tá Đàm Thị Lê. Đối với nam giới, công tác này đã khó khăn, thì đối với chị, khó khăn đó còn tăng lên gấp bội.

Chị kể: “Trong quá trình trực tiếp đấu tranh với loại tội phạm này, tôi luôn tâm niệm, ngoài sự cương quyết ra còn cần có đối sách mềm dẻo, sự thấu tình đạt lý, tính kiên trì thuyết phục để các bị can nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân, từ đó có thái độ hợp tác, khai báo với cơ quan điều tra, giúp cho công tác điều tra được thuận lợi, đề nghị xử lý đúng người, đúng tội”. Hơn 17 năm gắn bó với lĩnh vực này, kỷ niệm sâu sắc của chị Lê là những chuyến công tác dài ngày, những lần đối mặt với bọn tội phạm côn đồ, liều lĩnh và cả áp lực công việc kinh khủng.

Bên cạnh công tác chỉ huy chiến đấu, Đại tá Đàm Thị Lê cũng luôn chú trọng quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, động viên những gia đình có chồng, con em phạm tội về ma túy yên tâm cải tạo, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Chị kể, trong những năm 2008-2010, địa bàn xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh là một trong những địa bàn phức tạp về ma túy, cả xóm có rất nhiều nam giới, thanh niên đang ở độ tuổi lao động đi vào con đường phạm tội, trong xóm chỉ còn đàn bà, chị em phụ nữ vừa làm mẹ, làm vợ, vừa gánh thêm vai trò trách nhiệm và công việc nặng nhọc của người đàn ông. Trước thực trạng đó, chị đã tham mưu trực tiếp cùng các cơ quan, ban, ngành xuống tận địa bàn, vào từng gia đình để tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống ma túy cho mỗi gia đình có người lầm lỗi, động viên từng chị em phụ nữ chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, là chỗ dựa vững chắc để người thân yên tâm cải tạo, sớm trở về cộng đồng cùng xây dựng gia đình làng bản ấm no, hạnh phúc.

Nhờ sự nỗ lực của chị mà đến thời điểm hiện tại, xóm Háng Thoang đã không còn là điểm nóng, điểm phức tạp về ma túy; các tổ chức đoàn thể với sự giúp đỡ của lực lượng Công an đã phát huy tốt vai trò của mình, sát cánh cùng lực lượng Công an xây dựng địa bàn trong sạch, vì một xã hội không ma túy. Đại tá Đàm Thị Lê còn chia sẻ, có những vụ án ma túy, không chỉ cần nghiệp vụ tinh thông mà điều quan trọng, người trinh sát phải nắm được tâm tư, tình cảm bị can, tâm sự, trò chuyện với họ như một người vợ, người mẹ. Lòng nhân ái sẽ cảm hóa đối tượng, khơi lên phần người lương thiện trong họ. Nhiều vụ án do Đại tá Đàm Thị Lê chỉ huy cũng được “mở nút” từ sự cảm hóa nhân tâm đó.

Đại tá Đàm Thị Lê cho hay, để đạt được những thành tích trên, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân, chị luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh; sự đồng tâm, hiệp lực của cán bộ, chiến sĩ và cả những định hướng, mục tiêu thúc đẩy sự phát triển về bình đẳng giới của lãnh đạo Bộ Công an. Nhưng có một điều thú vị: chồng chị cũng là đồng đội của chị.

Anh là Đại tá Nguyễn Viết Huấn, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Cao Bằng, người đã chia ngọt sẻ bùi mọi khó khăn, chỗ dựa vững chắc để chị có thể làm tốt nhất công tác chuyên môn. Hiện nay, con lớn của chị cũng đang công tác ở Công an Cao Bằng. Như vậy, có thể nói gia đình chị là một “gia đình Công an”, một tổ ấm với bao sự cảm thông, chia sẻ và yêu thương đã tiếp thêm sức mạnh cho chị trong cuộc đấu tranh chống tội phạm đầy cam go.

Được biết trong 5 năm qua, Đại tá Đàm Thị Lê vinh dự 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ Công an tặng nhiều Bằng khen. Chị còn liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cơ sở, trong đó năm 2013 chị đạt danh hiệu Chiến sỹ Thi đua toàn lực lượng CAND. Năm 2015, Đại tá Đàm Thị Lê là điển hình tiên tiến của UBND tỉnh và Hội LHPN tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2010- 2015; là đại biểu Phụ nữ xuất sắc lực lượng CAND giai đoạn 2010-2015 và hiện Đại tá Lê đang được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất…

Tuấn Minh
.
.