Công an Nhân dân trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Những ký ức tự hào của giao liên An ninh T4

Thứ Ba, 13/04/2010, 08:59

Sài Gòn - Gia Định là địa bàn chiến lược, trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh Mỹ - ngụy, nên được bao bọc giữa nhiều vành đai bảo vệ. Bởi thế, hoạt động ở chiến trường đặc biệt này vô cùng khó khăn, nguy hiểm và đầy hy sinh...

Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, lực lượng giao liên An ninh T4 đã vượt lên tất cả, hoàn thành xuất sắc nhiệm đưa rước cán bộ, chuyển công văn, chỉ thị, vận chuyển vũ khí vào nội thành, xây dựng nơi ăn ở đảm bảo bí mật và an toàn… góp phần không nhỏ vào Đại thắng mùa xuân 1975.

Năm 1954, sau khi một số cán bộ Công an tập kết ra Bắc, số còn lại được biên chế vào Ban Sưu tập 1, hoạt động bí mật tại Sài Gòn - Chợ Lớn, theo hình thức đơn tuyến. Thời kỳ này, ta không dùng điện đài mật mã mà toàn bộ đường dây giao liên do các chiến sĩ đảm nhiệm. Để đối phó với địch, các chiến sĩ giao liên phải luôn mưu trí, tìm nhiều cách thức để đánh lạc hướng chúng, như lúc đi đường này, khi về lại theo đường khác. Vì thế, đường dây giao liên của ta đã được bảo vệ an toàn, thông suốt, an toàn và nhanh chóng.

Đầu năm 1965, thực hiện kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng, đón thời cơ tổng công kích - tổng khởi nghĩa, An ninh T4 đã đẩy mạnh phát triển lực lượng... Chỉ trong thời gian ngắn, giao liên An ninh T4 đã xây dựng được 12 cơ sở nuôi giấu cán bộ, tiếp nhận giao liên từ mật khu về thành phố, trực tiếp liên lạc, điều tra nắm tình hình địch để phục vụ yêu cầu công tác. Tổ trinh sát vũ trang nội đô do đồng chí Đoàn Văn Thiện làm tổ trưởng với nhiệm vụ xây dựng bàn đạp, nhận và gửi thư từ, tài liệu, đưa đón cán bộ ra vùng giải phóng và nhất là vận chuyển vũ khí, là một đơn vị điển hình trong thời kỳ này.

Cán bộ giao liên Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định phục vụ cán bộ Thành uỷ từ căn cứ về tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, lực lượng giao liên có nhiệm vụ chuyển vũ khí vào nội thành. Các chiến sĩ giao liên đã dũng cảm và mưu trí sử dụng nhiều cách thức, phương tiện, đưa được vũ khí vào nội thành an toàn. Các chiến sĩ giao liên còn sử dụng xe jeep mang biển số quân đội, do cơ sở ta đóng vai sĩ quan ngụy lái, lợi dụng lúc nhá nhem tối để qua các trạm gác.

Giao liên An ninh T4 còn phải xây dựng cơ sở, xây dựng hộp thư, mà đây cũng là mặt trận cam go, hiểm nguy và hy sinh khôn lường. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, các chiến sĩ giao liên vẫn luôn đáp ứng được nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ tốt các trận đánh và dẫn đường cho quân ta tiến vào thành phố, như đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Những tấm gương can trường của chị Phan Ngọc Đoàn (Chín Hà), Tổ trưởng giao liên của Tiểu ban điệp báo hay chiến sĩ giao liên Lê Thị Trung, đến nay vẫn còn được nhắc.

Không có lực lượng giao liên, An ninh T4 khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh địch luôn kìm kẹp, kiểm soát gắt gao. Ý thức được vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng An ninh T4, các đơn vị giao liên đã chủ động vượt lên muôn vàn khó khăn ác liệt, các cuộc càn quét, bắt bớ của địch, để thiết lập mạng lưới liên lạc, xây dựng cơ sở ém quân, các hầm giấu vũ khí, nuôi giấu thương binh… đồng thời, cung cấp kịp thời tình hình của địch cho lãnh đạo An ninh T4 để chỉ đạo các bộ phận đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố.

Mỗi chuyến liên lạc băng đồng, qua lộ, vượt sông là những cuộc đấu trí căng thẳng, nhưng với phương châm bám dân, dựa vào dân để hoạt động cùng sự thông minh, gan dạ, các chiến sĩ giao liên đã vượt qua nhiều tình huống nguy hiểm để hoàn thành nhiệm vụ. Có chiến sĩ giao liên bị địch bắt, đã khôn khéo thủ tiêu chứng cứ, chịu mọi cực hình tra tấn, giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, kiên quyết không khai báo. Có thời kỳ, các trạm giao liên của bộ phận điệp báo bám vùng ven quốc lộ 22 từ Trảng Bàng đến Củ Chi bị đánh phá ác liệt, nhiều đồng chí bị hy sinh, bị bắt gần hết, nhưng chỉ một thời gian sau, đường dây giao liên lại nhanh chóng được củng cố và xây dựng.

Vượt qua bao mất mát, đau thương, lực lượng giao liên An ninh T4 đã tiếp tục sáng tạo ra nhiều hình thức đấu tranh phong phú, từng bước phát triển đội ngũ, góp phần đưa phong trào cách mạng đi lên. Vì thế, trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, mặc dù điều kiện địa hình phức tạp, ta và địch ở thế cài răng lược, nhưng nhờ mạng lưới giao liên phát triển rộng, nên thông tin liên lạc vẫn được thông suốt, giúp cho sự lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến đấu luôn nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ giành thắng lợi, lực lượng thông tin liên lạc đã có những bước tiến xa trong những thành tựu khoa học tiên tiến. Nhưng những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của lực lượng giao liên An ninh T4 năm xưa vẫn còn nguyên giá trị. Sự mưu trí, sáng tạo và quả cảm của những người con ưu tú của dân tộc ấy mãi xứng đáng được tôn vinh.

Chính họ, bằng xương máu, sự tận tụy và tấm lòng vì cách mạng, đã góp phần dệt nên trang sử vàng truyền thống của lực lượng An ninh T4 Anh hùng và của cả lực lượng Công an trong lịch sử 65 năm qua

Dạ Miên
.
.