Người “quản trang” đặc biệt tại Thành cổ Quảng Trị
Hỏi việc anh làm, anh cười hiền, bảo: “Thành cổ và khu vực xung quanh có hơn mười nghìn người lính đã ngã xuống, hầu hết trong số họ đều đã hóa vào đất đai, cây cỏ; làm sạch nơi này cũng là làm sạch “nhà cửa” của những người đã mất; người sống nhìn vào đó mà cảm thấy ấm lòng hơn…”.
Nhiều lần vào Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi đều thấy người đàn ông trung niên cặm cụi quét dọn, lau chùi những nơi thờ cúng liệt sĩ, nghĩ anh là công nhân của ban quản lý di tích. Lần vào mới đây, được một cán bộ địa phương giới thiệu, chúng tôi mới biết tên anh là Lê Văn Tương và công việc như một nghĩa cử cao đẹp mà anh đã lặng lẽ thực hiện hơn 10 năm qua...
Anh Tương đang tỉ mẩn lau chùi nơi thờ cúng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị. |
Sau giải phóng, anh Tương theo gia đình từ Hải Lăng (Quảng Trị) đến thị xã Quảng Trị sinh sống. Một ngôi nhà nhỏ được dựng lên bên bờ Nam sông Thạch Hãn, mặt hướng sang phía bờ Bắc. Ngày ngày, bên cạnh công việc đồng áng vất vả, bố mẹ anh còn tích cực tham gia vào việc thu dọn, tập kết bom, mìn chưa nổ sót lại sau chiến tranh, tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ…
Thừa hưởng đức tính của bố, anh Tương sớm tham gia vào lực lượng thanh niên xung kích địa phương, suốt hơn 20 năm làm đội trưởng lực lượng này cho tới khi chính quyền, ngành chức năng ở cơ sở rất cần anh cho một công việc khác quan trọng hơn, nhưng cũng lắm phần gian truân vất vả hơn. Đó là việc đảm nhận trọng trách Tổ trưởng Tổ An ninh số 6, khu vực phường 1, lúc đó vốn là địa bàn phức tạp về ANTT.
Anh Tương tâm sự rằng, niềm hạnh phúc lớn lao nhất bây giờ của anh là hai đứa con nhỏ, với mong muốn sau này chúng lớn lên sẽ hiểu công việc mà bao nhiêu năm qua anh đã làm, hiểu sâu sắc đạo lý “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là mục đích để anh hướng tới!
Ngày 20-7 vừa qua, anh Tương đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.