Người hát bên bờ Bắc sông Bến Hải
Trong những năm tháng chiến tranh, khi tiếng hát được coi là một thứ vũ khí, là sức mạnh tinh thần để chống lại kỹ thuật chiến tranh của một cường quốc quân sự thì Nguyễn Thị Ngoan là một trong những chiến sĩ trên mặt trận này. Cô đã hát với tấm lòng yêu quê hương tha thiết, hát dưới tầm đạn bom, hát trên những tấc đất thấm máu đào và không chỉ "hát cho dân tôi nghe".
Sau 35 năm ngày đất nước thống nhất, tôi về xã Vĩnh Giang để tìm lại giọng ca của một thời Vĩnh Linh "Máu và hoa". Ở vào tuổi gần bảy mươi xế ngã nhưng bà Nguyễn Thị Ngoan vẫn còn cái duyên ngầm của một cô gái ngày nào. Thật bất ngờ, món quà bà tiếp tôi để mở đầu câu chuyện không phải là trà nước mà là ca khúc "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng" được bà hát lên bằng cảm xúc của tuổi đôi mươi. Bà kể cho tôi nghe quãng đời thanh xuân của mình.
Cán bộ chiến sĩ năm xưa hát trên đất lửa Vĩnh Linh. |
Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt cô gái Ngoan chỉ mới ở cái tuổi… chưa đủ để vào dân quân. Không chịu lùi lại tuyến sau hoặc tản cư ra Bắc, cô viết đơn xin gia nhập lực lượng dân quân xã để được ở lại. Ngoan nhận súng và tham gia trận đánh đầu tiên. Càng đánh càng dạn dày gan góc. Trong sự khốc liệt của cuộc chiến tranh quá dữ dằn, sức trẻ và tuổi thanh xuân của những người như Ngoan vẫn tràn trề sinh lực. Vẫn mơ những giấc mơ thiếu nữ, vẫn ngâm thơ và hát những lời ca giao duyên vào những lúc nghỉ ngơi hiếm hoi. Giọng ca của Ngoan được anh em phát hiện. Lúc đầu cô chỉ hát phục vụ trong một nhóm nhỏ rồi loan dần ra. Cô được Trung đội trưởng Nguyễn Quốc Huy tạo điều kiện cho đi tiếp thu các bài hát mới để về hát cho cả trung đội nghe.
Năm 1966, phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" vào đến trận tiền thì ngoài cầm súng, Ngoan còn gia nhập đội văn nghệ xã Vĩnh Giang. Cùng với 15 thành viên trong đội, cô tham gia biểu diễn khắp vùng đất giới tuyến. Những ca khúc "Bài ca Vĩnh Linh", "Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng", "Tiếng đàn ta lư"… được anh em hào hứng đón nhận lần đầu bằng tinh thần của những người xung trận tạo niềm vui cho Ngoan.
Giữa năm 1969, Bộ Văn hóa quyết định thành lập một đoàn văn nghệ tổng hợp của quân khu IV để sang biểu diễn tại đất nước Triều Tiên; Nguyễn Thị Ngoan được Ty Văn hóa Vĩnh Linh chọn gửi đi. Cô gái quê sinh ra nơi vùng đất lửa lần đầu tiên ra Hà Nội theo học khóa cấp tốc thanh nhạc, làm quen với những ký âm đồ, rê, mi; phách nhịp; quãng và trường độ. Khó khăn là thế nhưng được hai nghệ sĩ Song Thao và Xuân Năm khích lệ, Ngoan theo học chăm chỉ và tỏ ra có năng khiếu.
Tháng 2/1970, Ngoan có mặt trong đoàn đến biểu diễn nhiều nơi trên đất nước Triều Tiên. Đến đâu, Ngoan và đoàn Việt
Khi biết Ngoan là cô gái sinh ra bên bờ Vĩ tuyến 17, khán giả Triều Tiên đã dành cho cô một tình cảm đặc biệt. Ngày nào cũng có người tìm gặp Ngoan, họ muốn cô kể chuyện ở quê nhà. Sự trùng hợp ngẫu nhiên về nỗi đau chia cắt và ước vọng hòa bình của nhân dân nơi hai vùng giới tuyến gợi cảm xúc cho Ngoan. Cô kể say sưa bằng giai điệu của những hành khúc thôi thúc mỗi người Việt lên đường bằng trách nhiệm và ý thức công dân.
Trước hôm lên đường về nước Ngoan hát tặng một làn điệu dân ca miền Trung. Có bà mẹ không giấu nổi xúc động ôm Ngoan mà khóc, vậy là cô khóc theo, lời ca nhoà trong nước mắt. Rồi mẹ cởi chiếc khăn trên vai mình choàng lên người Ngoan và dặn: "Ở đây lạnh lắm, con cần giữ sức hát cho hay và mai này còn về quê cầm súng đánh Mỹ"