Người con ưu tú của đồng bào Khmer Nam Bộ

Chủ Nhật, 03/05/2015, 14:37
Trước khi được phân công làm Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh (9/1992), Sơn Cang từng là Tổ phó tổ chuyên gia Công an tỉnh Cửu Long sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Về nước, ông kinh qua các vị trí: Trưởng Công an huyện Trà Cú; Bí thư Đảng ủy xã Phước Hưng, huyện Trà Cú; Phó Giám đốc Công an tỉnh Cửu Long (1992 tách thành Trà Vinh và Vĩnh Long).

Năm 2003, ông được phong cấp hàm Thiếu tướng, là Đại biểu Quốc hội khóa XI. Năm 2004, ông được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II Bộ Công an, được thăng hàm Trung tướng, là thành viên Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Ông vừa vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đến thời điểm này, ông là người con Khmer duy nhất của lực lượng vũ trang Việt Nam được mang hàm tướng, lại vừa được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.  

Ngày trung tuần của tháng 4/2015, ngồi trò chuyện với chúng tôi tại căn nhà nhỏ, nằm khiêm tốn trên đường số 2, phường 2, TP Trà Vinh rợp mát bóng cây, Trung tướng Sơn Cang cho biết mình vừa lành vết thương (gãy 4 xương sườn trái) do bị va quẹt xe máy khi đang chở cháu trên đường. Chưa thật sự khỏe nhưng mỗi tuần ít nhất hai đến ba lần, từ tờ mờ sáng là ông lái xe máy vượt chặng đường hơn 50 cây số, về vùng quê Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang để săn sóc ao cá, đến tối mịt mới trở về.

“Thấy nhiều nơi người ta nuôi cá chình thành công quá, tôi đào ao nuôi thử” – ông cười đôn hậu, giọng chân chất của dân miền sông nước Tây Nam Bộ, cho biết.

Trung tướng Sơn Cang là vậy. Đã bước qua tuổi 67 rồi nhưng không bao giờ ông chịu ngồi yên. “Còn sức là còn lao động”, giống như tâm niệm của ông khi mới thoát ly tham gia Cách mạng: “Đất nước còn kẻ thù thì mình còn phải xông trận chiến đấu”.

Trung tướng Sơn Cang kể nhà ông rất nghèo. Cha ông sớm thoát ly theo Cách mạng. Vì vậy, từ nhỏ, ông phải giúp mẹ làm rất nhiều việc. Năm 1962, mới 14 tuổi, đang học lớp 5 trường làng, Sơn Cang đã tham gia các hoạt động bí mật ở ấp, như: nắm tình hình địch, làm giao liên dẫn đường phục vụ cán bộ Cách mạng phản kích diệt ác, phá kiềm, chống địch hành quân càn quét… Với sự khéo léo, gan dạ, không biết bao nhiêu lần ông vượt qua vòng kiểm soát gắt gao của địch, đảm bảo chuyển thư, tài liệu an toàn. Chỉ một năm sau (15 tuổi), Sơn Cang được chọn làm Đội trưởng du kích mật ấp Cây Xoài.

Một chiều cuối tháng 7/1964, Sơn Cang lặng lẽ trốn mẹ và 2 em, thoát ly. Ba ngày sau, gặp con mình tại một chòi vịt ngoài đồng, bà Thạch Thị Suôl nghẹn ngào. Trước quyết tâm của Sơn Cang, bà chỉ biết ôm con vào lòng, dặn dò trong nước mắt: “Con ráng cùng cha đi trọn đường Cách mạng”.

Trung tướng Sơn Cang (bìa phải) cùng Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) trong một chuyến công tác tại ĐBSCL.

Nhớ đến lời răn dạy của mẹ, Sơn Cang càng phấn đấu. Tháng 10/1967, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, được trên phân công bảo vệ an toàn Trại giam thuộc Ban An ninh tỉnh Trà Vinh. Ông đúc kết, trên chiến trường, kẻ nào giành thế chủ động bao giờ cũng nắm chắc phần thắng.

Chủ trương đúng, cùng với tinh thần gan dạ, quả cảm, ông đã lập nhiều chiến công xuất sắc và cũng rất nhiều lần vượt qua cái chết trong gang tấc. Một trong những trận đánh ông không thể quên đó là xế chiều 3/4/1972. Hôm đó, địch huy động 3 tàu chiến từ vàm Cái Nước chạy vô sông Bến Giá (Duyên Hải) và 2 phi cơ hộ tống tấn công trại giam.

“Lúc đó, Trại giữ gần 200 phạm nhân, trong đó có 2 lính Mỹ. Đồng chí Nguyễn Văn Tiết – Trưởng ban An ninh tỉnh cũng vừa đến làm việc với trại. Máy bay địch rà sát ngọn cây, tôi lập tức nhảy ra khỏi công sự, bắn thẳng về phía máy bay để thu hút địch, đồng thời lao xuống công sự nơi 2 đồng chí bị thương để băng bó vết thương cho đồng đội, rồi lại tiếp tục bắn máy bay địch” – ông kể.

Tiếng súng của Sơn Cang đã hút địch ra khỏi trận địa. Suốt 4 giờ liền, địch tập trung nã đạn, pháo về phía ông mà không phát hiện các nhà giam gần đó. Nhờ thế, ông đã đã góp phần hạn chế tối đa thiệt hại, bảo vệ an toàn trại giam.

Sau 30/4/1975, tại Trà Vinh, trong số trên 30.000 ngụy quân – ngụy quyền tan rã, có hàng trăm tên là cảnh sát, gián điệp, tình báo, các đảng phái phản động trốn trình diện. Chúng đã cấu kết với nhiều phần tử khác để thực hiện kế hoạch “hậu chiến”, âm mưu hình thành khu tự trị người Khmer ở 6 tỉnh Tây Nam Bộ, kích động hận thù giữa người Kinh – Khmer, giữa người Khmer và cán bộ Cách mạng, dựng lên nhiều tổ chức phản động mang màu sắc dân tộc.

Trung tướng Sơn Cang (giữa) và lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

Bấy giờ, Sơn Cang là Phó trưởng Phòng Bảo vệ Chính trị Công an tỉnh Cửu Long. Tháng 9/1976, qua biện pháp nghiệp vụ, ông phát hiện đối tượng Phola (người nước ngoài) cùng một cô gái đến Trà Vinh đóng vai người nuôi bệnh ở bệnh viện tỉnh, nhưng thực tế là tổ chức, mưu đồ bạo loạn, lật đổ chính quyền.

“Tôi vạch kế hoạch chớp nhoáng rồi cùng 2 trinh sát, bắt bí mật Phola. Qua khai thác, Phola khai toàn bộ tổ chức và bộ máy chính quyền của chúng từ tỉnh đến xã. Riêng cấp tỉnh có 7 tên, do tên T.K làm tỉnh trưởng; có nhiều quan chức của chúng đang cài cắm trong nội bộ chính quyền của ta bấy giờ. Tôi đã “tương kế tựu kế” đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo” – ông kể.

Đến đầu tháng 11/1976, chi tiết về toàn bộ kế hoạch bạo loạn được vạch trần. Các đối tượng chọn ngày hành động là 16/11/1976 – đúng ngày khai mạc Đại hội tỉnh Đảng bộ Cửu Long lần I. Theo kế hoạch, chúng sẽ tiến hành bạo loạn tại 63 điểm ở TX Trà Vinh và các huyện: Trà Cú, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành… Trưa 15/11/1976, chúng sẽ tập trung về thị xã để thống nhất sẽ đồng loạt gây bạo loạn vào 9h sáng ngày 16/11/1976.

Là Trưởng ban chuyên án, 12h ngày 15/11/1976, Sơn Cang quyết định phá án. Các mũi trinh sát bí mật bao vây truy bắt các tên đầu sỏ. Đến 14h cùng ngày, Ban chuyên án đã bắt giữ toàn bộ số chỉ huy cốt cán từ các huyện tiến về TX Trà Vinh; đến 21h bắt toàn bộ số phản động cài vào nội bộ ta; và đến 24h các trinh sát bí mật khám xét 3 chùa Khmer và tóm gọm gần 100 tên phản động đang chờ giờ bạo loạn…

9h sáng 16/11/1976, Công an các huyện, thị đã kiểm soát được tình hình. Kết thúc chuyên án, Công an Cửu Long đã khống chế 2.429 đối tượng phản động, phá tan mưu đồ bạo loạn của chúng một cách nhanh, gọn, ngoạn mục.

Được hỏi về bí quyết để đi đến những chiến công lớn, Trung tướng Sơn Cang đúc kết: “Lòng dân tựa lưới trời lồng lộng, như thiên la địa võng! Công an tụi tui dẫu có tài bằng thánh, mà không có dân giúp đỡ, chắc cũng chẳng làm được gì”.

Thái Bình
.
.