Đến tận nhà dân vận động giao nộp súng tự chế

Thứ Tư, 10/08/2011, 17:30
"Khi đi vận động bà con không sử dụng, sản xuất và giao nộp súng, nếu không có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, công việc sẽ không thuận lợi do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế. Phải giảng giải để bà con hiểu tàng trữ súng tự chế trong nhà là không đúng phép, là vi phạm luật", Thượng sỹ Đào Ngọc Du, Phụ trách địa bàn xã Chế Chu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, cho biết.

Sử dụng súng tự chế là tập quán lâu đời của đồng bào vùng cao. Nhưng, việc sử dụng súng tự chế đã để lại nhiều hậu quả, tác động lớn đến môi trường, tiêu diệt nhiều loại động vật quý hiếm cần được bảo vệ, dùng súng giải quyết mâu thuẫn cá nhân hay bắn nhầm vào người đi rừng… Bởi vậy công tác vận động người dân tự nguyện giao nộp súng theo chủ trương của Nhà nước phải được thực hiện quyết liệt tại địa phương và kết hợp nhiều yếu tố mới thành công.

Thiếu tá Sùng A Làng, Đội trưởng Đội Công an phụ trách xã, Công an huyện Mù Cang Chải, Yên Bái cho biết, hiện nay, việc thu hồi súng tự chế mới chỉ áp dụng biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tự giao nộp súng chứ chưa xử lý nếu họ không giao nộp. Để thu hồi được súng tự chế đang nằm rải rác trong nhân dân, các cán bộ Công an phụ trách xã và Công an xã phải rất nỗ lực từ khâu nắm tình hình phát hiện hộ dân có súng tự chế, từ đó triển khai biện pháp vận động kịp thời.

Ông Giàng Gà Phùa, Trưởng Công an xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải đã có 30 năm kinh nghiệm làm Công an xã. Ông cũng là người dân tộc Mông, hiểu biết phong tục tập quán, có thuận lợi trong giao tiếp bằng tiếng Mông với người dân địa phương. Lợi thế này đã được ông sử dụng để vận động bà con dân bản, từ việc tác động làm người dân thay đổi nếp suy nghĩ đã hằn sâu, giúp họ hiểu hậu quả của việc sử dụng súng và phổ biến chủ trương thu hồi của Nhà nước.

Phụ trách địa bàn xã Chế Chu Nha, huyện Mù Cang Chải, Thượng sỹ Đào Ngọc Du cũng cho biết, việc vận động bà con giao nộp súng gặp khó khăn chủ yếu là do người dân lại không để súng ở nhà mà thường sử dụng và để ở nương, rẫy. Khi đi vận động bà con không sử dụng, sản xuất và giao nộp súng, nếu không có sự tham gia của các già làng, trưởng bản, công việc sẽ không thuận lợi do nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế.

"Phải giảng giải để bà con hiểu tàng trữ súng tự chế trong nhà là không đúng phép, là vi phạm luật", Thượng sỹ Đào Ngọc Du cho biết. Thời gian qua, Công an huyện và Công an xã cũng đã thu hơn 10 chiếc súng tự chế sử dụng sai mục đích, đồng thời tuyên truyền vận động bà con không được sản xuất cũng như sử dụng súng tự chế.

Theo thống kê của Công an huyện Mù Cang Chải, chỉ trong vòng 3 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 7/2011, trên địa bàn huyện, lực lượng Công an đã vận động, thu hồi được 71 súng tự chế. Trong đó, xã Nậm Có vận động thu hồi được 41 súng. Có được con số đó là nỗ lực không nhỏ của các cán bộ chiến sỹ phụ trách địa bàn và lực lượng Công an xã. Và, kết quả đó thể hiện cuộc vận động thu hồi súng tự chế ở vùng cao cũng đã hợp lòng dân.

Mai Châu (Hòa Bình): Thu hồi hơn 3.000 khẩu súng tự chế các loại

Ngày 8/8, UBND huyện Mai Châu (Hòa Bình) tổ chức sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Đề án 1801 của UBND tỉnh Hòa Bình về vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ. Theo quan niệm của đồng bào dân tộc, khẩu súng không chỉ mang ý nghĩa là thứ vũ khí trong bảo vệ con người trước các loại thú dữ mà còn giúp người dân săn bắn hằng ngày. Khẩu súng còn mang giá trị tinh thần, biểu tượng sự quyền thế, sức mạnh của gia đình, dòng tộc. Nhưng cũng chính những khẩu súng khi được sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình…

Tuy nhiên, theo Thượng tá Hà Thiếu Uýnh - Phó Trưởng Công an huyện Mai Châu chia sẻ: Bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở Mai Châu là chuyện hiếm hoi chứ nói gì đến chuyện người ta nghênh ngang đeo dao, vác súng vào rừng như trước nữa. Sự thay đổi này ở một vùng vốn được xem là "kho súng" của tỉnh này có được là "nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng cùng các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương ráo riết vận động bà con tự giác giao nộp súng tự chế theo Đề án vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của UBND tỉnh".

Trong 1 năm triển khai thực hiện Đề án, cấp ủy, chính quyền huyện Mai Châu đã tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp vận động nhân dân tích cực giao nộp vũ khí, vật liệu  nổ. Kết quả, đã vận động thu hồi 3.397 khẩu súng các loại, 8 lựu đạn, 5 quả đạn cối, 40kg đạn các loại và 36 ống sắt chế tạo thành nòng súng tự chế. Những kết quả trên đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Như Hùng   

Hà Hương
.
.