Chuyên án CM12 và chuyện kể của người trong cuộc
Khi mở ra Chuyên án CM12, lãnh đạo Bộ Công an quyết định chọn những cán bộ cốt cán của lực lượng an ninh các tỉnh miền Tây Nam Bộ để đánh vào tổ chức phản động của chúng. Đồng chí Trần Phương Thế (thường gọi là Tám Thậm) lúc đó là Trưởng phòng Phòng Chống gián điệp Công an tỉnh Minh Hải với cấp bậc hàm Đại úy, được nhận nhiệm vụ thâm nhập vào tổ chức phản động này với tên gọi Hai Tài, Hai Râu, bí danh NKA1.
Bởi đồng chí Phương Thế là người của địa phương, nên thông suốt bản đồ địa lý, cũng như địa hình, địa vật, lối sống sinh hoạt của người dân địa phương ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Hơn nữa đồng chí đã trải qua kinh nghiệm trên 15 năm làm công tác thông tin, điện đài, kinh qua các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ thuật; trước giải phóng đồng chí Trần Phương Thế vẫn giữ vai trò chỉ huy của bộ phận trinh sát kỹ thuật khu Tây Nam Bộ.
Để những ngày đầu xâm nhập vào tổ chức phản động đạt được kết quả cao, trong nhiều tháng ròng rã, đồng chí đã chỉ đạo các K64, K61, K59 (là những biệt kích xâm nhập chuyến đầu tiên đã được ta cảm hóa), cùng với anh chuẩn bị nhiều việc cho "tổ chức" trong nội địa, rồi khảo sát chọn địa điểm đổ quân, vận chuyển hàng hóa, vũ khí, tiền giả, sau đó vẽ sơ đồ chi tiết và làm báo cáo chuyển về "Tổng hành dinh" để bọn chúng yên tâm. Trong đó, anh Tám Thậm đã nêu rõ lý do vì sao chọn những địa điểm này và đưa ra những thuận lợi, khó khăn ở những địa điểm khác để thuyết phục chúng.
Địa điểm được chọn là tuyến biển chạy dài từ giáp ranh giữa tỉnh Kiên Giang về khu vực thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Thời gian này bọn chúng thông qua các K trong nội địa dùng nhiều chiêu thử thách Hai Tài, bởi họ chưa rõ về lai lịch cũng như cách sống, sinh hoạt và quan trọng là tư tưởng chính trị của anh. Tuy nhiên sự trải nghiệm về nghiệp vụ chuyên môn cũng như cách xử lý tình huống trước bọn địch đã không làm Hai Tài nao núng, mà càng ngày anh càng tạo được lòng tin tưởng tuyệt đối dù chỉ mới thông qua những bản báo cáo, kiến nghị, kế hoạch thực hiện chi tiết cho những chuyến xâm nhập sắp tới.
Sau khi "Tổ đặc biệt" trong nội địa được tin tưởng; bốn tháng sau (tức 9/9/1981) bọn chúng xâm nhập lần thứ 2 tại vàm Bảy Ghe cách thị trấn Sông Đốc khoảng 5km (đây cũng là chuyến đầu tiên nằm trong Kế hoạch CM12 có sự sắp đặt của Hai Tài).
Giờ G đã đến, lực lượng an ninh bố trí mọi thứ để "Hai Tài" và các K tiếp nhận chuyến xâm nhập. Mới 19h (thay vì 21h) như dự kiến, mọi người đang tập trung giao nhận nhiệm vụ, thì đồng chí Võ Minh Phùng (tức Ba Quang) lúc đó là Phó Trưởng phòng Phòng Chống gián điệp Công an tỉnh Minh Hải được lệnh theo dõi ngoài mé biển, phát hiện tín hiệu tàu xâm nhập. Đồng chí Ba Quang tức tốc lội bùn vào đất liền (khoảng 3km) để báo cáo, nhìn từ xa, đã thấy đồng chí hớt hải cầm áo vẫy vẫy bảo "tới rồi… tới rồi" trong cơn thở dốc, trên người đầy bùn đất, mọi người đều phì cười.
Đồng chí Nguyễn Phước Tân chỉ đạo Hai Tài, K64, K61, K59 ra khơi để gặp chúng. Riêng K27 (làm nhiệm vụ điện đài) nên không thể ra khơi. Hai Tài nhận nhiệm vụ "cảnh giới" để các K ra tàu gặp nhau trước, đồng thời báo cáo tình hình an ninh trong đất liền.
Trước đây, qua tìm hiểu Hai Tài biết rất rõ về mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa K64 và K19 (chỉ huy thủy thủ đoàn của chuyến xâm nhập lần này). Cả hai K đều không thích nhau và luôn có những ý kiến trái ngược nhau, K19 muốn xâm nhập vào Việt Nam bằng đường bộ, trong khi đó K64 thì đề xuất xâm nhập bằng đường biển và cuối cùng đề xuất của K64 được Đồng Chủ tịch (Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh) đồng ý. Vì vậy giữa K19 và K64 luôn có khoảng cách và không tin tưởng lẫn nhau. Lần xâm nhập này là nhiệm vụ bất đắc dĩ mà K19 phải thực hiện.
Anh Tám Thậm (bìa phải) cùng Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Cà Mau và Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau. |
Khi K64 đề nghị K19 lên bờ để gặp K27, thì y kiên quyết từ chối, sợ sẽ mắc bẫy và nghi ngờ các K có âm mưu đối với y. Biết tâm lý của y, K64 trấn an ngay: "Mọi việc đều có anh Hai đảm bảo vấn đề an ninh rồi, anh đừng lo lắng". Sau thời gian lưỡng lự, K19 buộc phải vào bờ theo sự sắp đặt của ta (dàn cảnh cho K27 gặp K19 và gửi các báo cáo về "Tổng hành dinh" để lấy lòng tin của chúng). Khi vào bờ gặp được K27 thấy vẫn an toàn, thần sắc K27 không thay đổi, tình hình an ninh vẫn không có gì, K19 phấn khởi ra mặt, mối nghi ngờ của y cũng giảm đi rất nhiều.
Lúc trở ra tàu, Hai Tài cùng đi để chỉ đạo chúng đưa người, hàng hóa, vũ khí và tiền giả (khoảng 6 tấn) xuống biển. Hai Tài cùng với các K tập trung đem vũ khí chôn xuống lầy, nhưng không kịp, K19 thấy vậy cũng lội xuống biển phụ giúp. Dù mới nửa đêm, nhưng ngoài biển bắt đầu xuất hiện sương mù, mùa này con ruốc kéo về dày đặc cả mặt biển, gai nhọn của chúng đâm khắp người Hai Tài và các K (loài ruốc này cùng họ với tôm nhưng kích cỡ nhỏ hơn, người dân thường dùng chúng để làm mắm ruốc, khô ruốc).
K19 phát hiện có nhiều ánh đèn chớp liên tục ở ngoài khơi mỗi lúc một gần (của ngư dân pha đèn đi kéo ruốc) thì phát hoảng. Hai Tài trấn an: Anh yên tâm đi, tôi sẽ cho người dùng lưới bao quanh khu vực không để thất thoát "hàng", còn anh thì phải lên tàu ngay để ra khơi, nếu bị ngư dân phát hiện rất khó xử lý (tình huống này là do bất đắc dĩ, nằm ngoài dự kiến, Hai Tài nghĩ ra để trấn an bọn chúng chứ thực chất làm gì có lưới, chủ yếu cho lực lượng của ta từ phía sau ra trục vớt).
K19 bảo nếu y ra khơi gặp bất trắc (ý nói bị ngư dân phát hiện) thì giải quyết thế nào. Hai Tài chỉ dẫn: Trường hợp anh bị ngư dân phát hiện bắt giữ lại, thì anh phải nói đây là tàu đánh cá đi vào đất liền để lấy nhiên liệu. K19 đặt vấn đề: Nếu họ bắt y lại thì y sẽ đưa họ ra khơi để "xử" (ý nói là thủ tiêu) luôn được không? Nghe đến câu này, Hai Tài điếng người nhưng vẫn nhanh trí và linh hoạt: "Không được, trong trường hợp họ hô hào đòi giữ tàu anh lại, thì bằng mọi giá anh phải tăng tốc vượt thẳng ra khơi cho đến khi nào họ không đuổi kịp. Anh mà "xử" họ, ngư dân phát hiện có người mất tích, họ sẽ báo với lực lượng an ninh, thì kế hoạch xâm nhập những lần sau này sẽ bị phá hỏng và sẽ bị bại lộ, anh tuyệt đối không thể giải quyết bằng cách này. Bằng không tôi sẽ không đảm bảo an toàn cho anh về đây trong những lần sau".
Tình huống giải quyết thấu tình đạt lý (nằm ngoài dự kiến) của Hai Tài đã đánh thẳng vào tâm lý hoang mang của K19, thế là y làm theo sự chỉ dẫn của Hai Tài vượt ra khơi an toàn. Theo kế hoạch là tàu trục vớt phải đậu gần cửa biển Sông Đốc, nhưng do không có kinh nghiệm, sợ bị chúng phát hiện nên đã đậu sâu trong rừng, tàu thì bị vô nước, vừa đi vừa tát cho đến 4h sáng lực lượng mới có mặt tiếp ứng với Hai Tài, các K và lực lượng tại chỗ. Đêm đó và cả hai ngày sau nữa Hai Tài, các K và lực lượng hỗ trợ phải ngâm mình trong nước mặc cho mưa gió, muỗi và côn trùng cắn đốt để trục vớt hết 6 tấn vũ khí, đưa 6 biệt kích vào bờ.
Sáng 11/9 đồng chí Nguyễn Ngọc (tức Ba Ngọc lúc này là Phó ty Công an tỉnh Minh Hải) đem cơm nếp cho Hai Tài, các K và anh em tham gia trục vớt ăn để lấy sức. Trong lúc ngồi ăn, đồng chí Nguyễn Viết Thống (lúc đó là Trưởng ty Công an) cũng là người tham gia trục vớt nói với anh Tám Thậm: "Tao nghe ngứa quá"… Anh Tám Thậm đứng dậy phụ cởi giúp chiếc áo cho đồng chí Thống, anh rợn cả người vì nhìn thấy ông bị muỗi cắn bầm tím cả phần lưng.
Lúc này anh giật nảy người xem lại thân mình cũng đâu khác gì đồng chí Trưởng ty, bắt đầu từ sau gáy xuống đến tận thắt lưng đều tím đen và sưng cứng, không còn cảm giác. Thì ra đêm đó mặc dù mưa rơi, gió giật, nhưng muỗi và côn trùng vẫn đeo bám họ để cắn, vì mải mê làm việc nên Hai Tài, các K và những người trục vớt, không ai hay biết mình đã bị côn trùng cắn đốt đến kinh khủng như vậy.
Sau khi về báo cáo với "Tổng hành dinh", thì 11 ngày sau (tức 21/9/1981) bọn chúng xâm nhập lần thứ 3 tại Vàm Mỹ Bình. Lần này chúng đưa trên 13 tấn vũ khí (chở 2 tàu) và gần 20 biệt kích. Hai Tài được dịp khẳng định mình trong lòng của bọn phản động, lần sau này anh có kinh nghiệm hơn, đặt ra nhiều tình huống giả thuyết để xử lý khiến các K nể phục, còn "Tổng hành dinh" thì tin tưởng tuyệt đối