Cô gái chuyên “mở tài khoản” cho Đoàn Thể thao Việt Nam

Thứ Tư, 28/04/2021, 10:14
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games lần thứ 11 Nguyễn Ngọc Thiện vừa ký quyết định ban hành danh mục môn thể thao, nội dung trong chương trình của SEA Games 31. Theo đó, sự trở lại của hai nội dung kiếm thuật, thương thuật kéo theo màn tái xuất của Dương Thuý Vi – cô gái chuyên “mở tài khoản” cho Đoàn Thể thao Việt Nam.


Thần may mắn của thể thao nước nhà

SEA Games 2021 dự kiến diễn ra từ ngày 21/11 đến ngày 2/12 tại Việt Nam. Đại hội có 40 môn trong chương trình thi đấu chính thức. Trong đó với riêng wushu, sau một kỳ SEA Games 2019 mà chủ nhà Philippines khi đó cắt giảm một loạt nội dung thi đấu quan trọng, sự trở lại của hai nội dung kiếm thuật, thương thuật cũng giúp cho Dương Thuý Vi tìm lại được đất diễn sau một kỳ đại hội vắng bóng. Điều đó cũng có nghĩa, cô gái sinh năm 1993 hứa hẹn sẽ lại mở hàng huy chương Vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam, giống như các kỳ đại hội thể thao khu vực đến châu lục trước đó.

Lật giở lại lịch sử, 7 năm trước, tại SEA Games trên đất Myanmar, Thuý Vi đã mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên với nội dung kiếm thuật. Một năm sau tại ASIAD ở Hàn Quốc, Thuý Vi mang về tấm huy chương Vàng đầu tiên và cũng là duy nhất cho thể thao nước nhà. Cô tiếp tục lại là người “mở hàng” vàng tại SEA Games 2017 ở Kuala Lumpur (Malaysia). 

Nếu như chủ nhà Philippines không cố tình cắt giảm nội dung sở trường của Thuý Vi ở SEA Games 2019, Wushu nói riêng và đoàn Việt Nam nói chung đã có thể thêm một lần đón tấm huy chương Vàng mở hàng cho đại hội từ cô gái này.

Thuý Vi “mát tay” với huy chương Vàng ở các giải đấu lớn của Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ít ai biết rằng, phía sau hào quang với người vẫn mệnh danh là thần tài của Đoàn Thể thao Việt Nam, Thuý Vi trải qua không ít ca chấn thương và các bệnh lý liên quan tới sức khoẻ. Năm 2008, cô sống chung với nỗi đau ở gối, đùi, cột sống, đấy là chưa kể bệnh cảm cúm năm thì mười họa lại tìm tới. 

5 năm sau, Thuý Vi nếu không có ngón nghề bấm huyệt bóp chân của bố chưa chắc sang nổi Myanmar để toả sáng trong bối cảnh lúc bấy giờ, Vi chấn thương tới nỗi không cúi nổi người. Năm 2017, Thuý Vi sốt cao, viêm xoang mũi khi tham dự SEA Games tại Kuala Lumpur (Malaysia). Nhưng cô không thể uống thuốc vì lo mình sẽ dương tính với doping không mong muốn.

Tuổi thanh Xuân của Vi quả thực gắn liền với máu, mồ hôi và nước mắt. Đúng như cô nói, sau những tấm huy chương là một câu chuyện rất dài.

“Tung đường quyền” tại học đường

Xuất phát điểm, Thuý Vi là con nhà nòi về võ. Bố của cô là võ sư Thiếu lâm, trong khi mẹ từng theo học Vịnh Xuân Quyền. Tính cách của cô thẳng thắn, mạnh mẽ và kiên nghị, khác hẳn sự nhu mì, đoan trang, hiền thục của nhiều bạn cùng trang lứa. "Tính tình thì giống bố, có vài chiếc váy nhưng rất ít khi mặc, tôi bảo nó đi sửa lông mày một chút cho đẹp hơn thì nó gạt phắt đi", mẹ Thúy Vi nhớ lại.

Đến năm 7 tuổi, trong một lần thấy anh họ mình được bố đưa đi xin học võ để giảm cân, Vi nằng nặc xin bố mẹ cho học Wushu. Thầy giáo dạy đầu tiên cũng là bạn thân của bố cô đã yêu cầu Thúy Vi bật xa và ngay lập tức vô cùng ấn tượng với sải chân dài cùng sức bật mạnh mẽ lên tới 1m50, vượt qua cả các đàn anh, đàn chị. 

Dương Thuý Vi – cô gái chuyên “mở tài khoản” cho Đoàn Thể thao Việt Nam.

Ngay từ khi đó, các huấn luyện viên dạy võ tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức nhận xét Dương Thuý Vi là viên ngọc thô cần được mài giũa cẩn thận. Quả thực sau 3 năm, cô đã giành 2 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc tại giải trẻ vô địch quốc gia năm 2003 tổ chức tại TP  Hồ Chí Minh.

Năm 13 tuổi, Thuý Vi được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm của Wushu với những chuyến tập huấn tại Trung Quốc. Bạn bè cùng trang lứa đều mếu máo vì nhớ gia đình do phải xa nhà quá lâu. Nhưng cô thì ngược lại. Ngay cả trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu, Thuý Vi  từng bị trọng tài “xử ép” trắng trợn, nhưng ngọc nữ của làng wushu chưa một lần rơi nước mắt. 

Cô tâm niệm: “Ai cũng muốn cuộc sống bình thường, an nhiên tự tại. Nhưng với tôi, an nhiên đó chỉ đến khi mình đủ bản lĩnh để không đầu hàng, đủ sức mạnh vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”.

Mạnh mẽ và thành công với võ như vậy nhưng Thuý Vi lại nhẫn nhịn khi đi học văn hoá. Đến một thời điểm cô học lớp 8, khi một bạn đùa quá giới hạn, cô “ra đòn” khoá tay tự vệ. Kể từ thời điểm đó, người bạn bị cô “phản đòn” một dạ hai thưa, nhất mực gọi Thuý Vi là "chị”. 

Cũng trong năm ấy, Thuý Vi là nạn nhân của một vụ bạo lực học đường mà chính cô giáo của Thúy Vi là nguồn cơn. Vi bị cô giáo kỳ thị khi cho rằng con gái tập võ theo thể thao thì không nên đi học. Quá bức xúc trước việc bị xúc phạm niềm đam mê, cô quyết định chuyển trường ngay lập tức.

Giấc mơ lớn lao

Sắp bước sang tuổi 29, cô gái tuổi Dậu vẫn là một trong những niềm hi vọng vàng của Wushu Việt Nam ở kỳ SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà vào năm 2021. Với nhiều vận động viên (VĐV), lại là phận nữ nhi, nhiều người đã nghĩ đến việc chuyển đổi thi đấu sang công tác huấn luyện hay lập gia đình nhưng Dương Thúy Vi vẫn còn nguyên vẹn khao khát chinh phục các đỉnh cao.

Cũng vì thế mà Thuý Vi vẫn muốn duy trì trạng thái độc thân để tự do chinh phục những cột mốc. Cô tâm sự: “Bố mẹ rồi cô dì chú bác suốt ngày hỏi tôi, tại sao giờ này chưa có bạn trai. Bố mẹ thì sốt ruột hơn cả, có khi còn hô hào: “Thôi cô ơi, cô học đại học nhanh nhanh lên rồi lấy chồng cho tôi nhờ”.

Thuý Vi bộc bạch: “Tôi vẫn chưa nghĩ đến lúc dừng lại. Bố mẹ nhiều lần hỏi tôi còn muốn theo đuổi VĐV nữa không vì thấy tôi suốt ngày bị chấn thương. Tôi cũng có nhiều lúc nản, rất nản, muốn buông bỏ, song, vượt qua giai đoạn đó, tôi lại thấy yêu wushu hơn bao giờ hết. Sau này, không làm VĐV nữa, tôi vẫn muốn là cô giáo”, Thuý Vi - sinh viên chuyên ngành huấn luyện viên tại Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn, Bắc Ninh nói về giấc mơ lớn lao.

Vượt khó khăn trước đại dịch COVID-19

COVID-19 khiến cho nhiều môn thể thao trọng điểm, trong đó có Wushu trải qua nhiều khó khăn. Thuý Vi từng phải trải qua cảnh tập luyện trực tuyến khi thầy chưa thể sang Việt Nam được. 

Cô chia sẻ với phóng viên: “Việc phải tập trực tuyến mất nhiều thời gian hơn, việc bao quát cũng rất khó. Chúng tôi phải lắp đặt nhiều camera bằng điện thoại. Nhưng kể cả thế thì thầy cũng không sát sao được. Ngay cả với những VĐV nhiều kinh nghiệm như tôi cũng rất khó để thích nghi.

Trong 2-3 tiếng đồng hồ, mình tập chỉ khoảng 60-70% so với một buổi tập bình thường khi có chuyên gia kèm sát. Dẫu sao, chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Thêm vào đó, trong 2 tháng nay, các chuyên gia sau khi tiến hành cách ly cũng đã có thể huấn luyện vận động viên trực tiếp trong 2 tháng trở lại đây.

Ngoài ra, tự bản thân tôi vẫn còn cảm thấy Wushu may mắn hơn nhiều môn khác. Trong tháng 7 và tháng 10/2020, chúng tôi còn được tham dự hai giải đấu ở phía Nam. Cũng nhờ thế mà tôi vẫn có thể duy trì phong độ tốt, nền tảng thể lực. Bằng sự cảm nhận của cơ thể cũng như các buổi tập luyện, tôi tin rằng mình có thể tranh chấp được huy chương vàng ở các nội dung trường quyền, kiếm thuật và thương thuật tại SEA Games 2021” .

An Khánh
.
.
.