Một SEA Games bớt… nặng nề

Chủ Nhật, 06/12/2020, 15:15
40 môn với 520 nội dung là số lượng mà SEA Games 31 với chủ nhà Việt Nam chốt lại. Nhìn từ đó, người ta thấy được một kỳ SEA Games mà số lượng môn Olympic cao nhất trong lịch sử. Rất nhiều môn thi đấu "trời ơi đất hỡi" đã bị lược bỏ, tránh tình trạng vận động, o bế cho chủ nhà đứng nhất toàn đoàn như nhiều quốc gia khác từng làm trước đó.


Chủ nhà Việt Nam "chơi đẹp"

Tại phiên họp lần 1 của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á cách đây 4 tháng, Việt Nam đã công bố chương trình thi đấu sơ bộ SEA Games 2021 gồm 36 môn với 450 nội dung. Sau đó, nước chủ nhà Việt Nam cũng đã nhận được đề nghị của các nước về việc bổ sung môn và phân môn với số lượng lên tới 24. Đến cuối tháng 11, tại phiên họp lần 2 của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Việt Nam cùng đại diện các nước đã thống nhất bổ sung 4 môn hội đủ các yếu tố cần thiết là Jujitsu (6 nội dung thi đấu), Bowling (6 nội dung thi đấu), E-Sport (Thể thao điện tử 6 nội dung thi đấu) và 3 môn phối hợp (4 nội dung). Như vậy, chương trình thi đấu của SEA Games 31 đã chính thức được chốt gồm 40 môn với 520 nội dung.

E-sport là một trong 4 môn được bổ sung thêm vào SEA Games 2021.

Xung quanh 4 môn thi đấu mới, đã có nhiều ý kiến trái chiều của các nước tham dự. Chủ tịch Ủy ban Olympic Malaysia (OCM) Datuk Seri Mohamad Norza Zakaria lên tiếng chỉ trích có phần lạc lõng: "Tại cuộc họp Hội đồng SEA Games (SEAGF), nhiều nước không hài lòng với quyết định của chủ nhà". Tuy nhiên, thực tế thái độ không hài lòng ấy chỉ thuộc về duy nhất Malaysia. Bởi trong số 11 môn mà quốc gia này đề cử chỉ có đúng 1 môn được chấp nhận. Trong khi đó, Squash, Khúc côn cầu trong nhà và Netball được xem như những mỏ vàng của thể thao Malaysia tại Philippines 2019 bị gạt.

Với các quốc gia còn lại, họ cảm thấy hài lòng về quyết định của BTC SEA Games 2021. Brunei đương nhiên là ủng hộ khi Ju-jitsu và ESports là 2 môn đang phát triển mạnh tại Vương quốc này. Philippines cũng cảm thấy chủ nhà Việt Nam chơi đẹp khi chấp nhận đưa 4 môn cuối vào chương trình thi đấu, đặc biệt khi 3 trong số đó góp phần giúp Philippines - chủ nhà SEA Games 2019 giành ngôi nhất toàn đoàn năm ngoái.

Rõ ràng, nếu so với các kỳ SEA Games nhiều thập niên qua đua nhau xuất hiện những môn thể thao mới lạ trong chương trình thi đấu, Việt Nam  đã không lạm dụng đặc quyền của chủ nhà để chiếm lợi thế quá lớn. Môn mới duy nhất xuất hiện tại SEA Games 31 là Bóng đá bãi biển. Tuy nhiên, đây là môn mà Đông Nam Á có ít nhất 6 nước từng tham dự giải Vô địch châu Á. Xét về thành tích, Việt Nam thuộc hàng kém nhất. Nói cách khác, SEA Games 31 tổ chức Bóng đá bãi biển có ý nghĩa quảng bá du lịch nhiều hơn là chuyên môn.

Quá bán các môn Olympic được đưa vào thi đấu tại SEA Games 2021.

Ở một khía cạnh khác, trong 40 môn thuộc chương trình thi đấu SEA Games 31, 24 môn đang thuộc hệ thống của Olympic. Đây chính là đại hội có nhiều môn Olympic nhất lịch sử. Điều đó cũng cho thấy thay vì chỉ chăm chăm lựa chọn những môn lạ vào nội dung thi đấu nhằm đảm bảo vị trí nhất toàn đoàn, Việt Nam hướng trọng điểm nhiều hơn về đấu trường đẳng cấp cao là Olympic.

Cũng nhờ thế, kỳ đại hội thể thao lần này không còn là "ngày hội làng" mà có thể xem như một bước đệm để những VĐV thành tích cao có thể căn cứ làm thước đo cho một tham vọng lớn hơn mang tầm Thế vận hội. 16 môn còn lại hầu hết đều từng được tổ chức nhiều kỳ SEA Games trước. Cá biệt có những môn mới tổ chức 1 lần như eSport, Jujutsu, Kickboxing và Kurash thì đều vừa diễn ra tại Philippines 2019.

Cơ hội xoá bỏ nhược điểm của khu vực

Trao đổi xoay quanh SEA Games 2021, ông Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 2003, kỳ đại hội Việt Nam đóng vai trò chủ nhà, cho rằng SEA Games là dịp để các VĐV cọ xát, nâng cao trình độ. Từ bàn đạp SEA Games, chúng ta tiến lên đấu trường châu lục hay thế giới. Gần 20 năm qua, chúng ta đã thực hiện và bức tranh của thể thao Việt Nam bây giờ khác với thời bấy giờ. Thời đó, chúng ta tổ chức SEA Games với nhiều âu lo, khó khăn vì không có kinh nghiệm, trình độ thể thao còn thấp và kinh tế chưa phát triển như mong muốn.

Công tác chuẩn bị cho đại hội vào năm sau đang được Việt Nam gấp rút hoàn thành.

Nhưng chuẩn bị cho SEA Games 22 là sự nỗ lực rất lớn của tất cả các cấp, ngành. Ý nghĩa quan trọng nhất của thể thao thành tích cao là giới thiệu với bạn bè khu vực, quốc tế về đất nước, con người, nền văn hóa, thể thao Việt Nam. Đó là vấn đề quan trọng hàng đầu còn thành tích chỉ là thứ hai. Khi thể thao hòa nhập với quốc tế, thể thao thành tích cao là biện pháp để giáo dục con người về ý chí, tinh thần, kỷ luật, sự nỗ lực để vươn lên. Đó là bài học cần thiết cho thế hệ trẻ cũng như tinh thần của thể thao Olympic.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, những công việc thuộc về công tác tổ chức quan trọng hàng đầu, phải làm sớm. Trong đó là thành lập Ban tổ chức, các tiểu ban thuộc Ban tổ chức; đồng thời xây dựng kế hoạch, các nhiệm vụ, nội dung và các hạng mục, tiến độ của nó. Sẽ phải thành lập Trung tâm điều hành để tổng hợp tin tức ở các địa điểm thi đấu và xây dựng kế hoạch để kiểm tra tiến độ. Tất cả điều này chúng ta đều có kinh nghiệm. Có những khó khăn mới, đầu tiên là giao thông, thứ hai là phòng chống dịch bệnh.

Nhưng thuận lợi cơ bản là trình độ VĐV phát triển ổn định; kinh nghiệm tổ chức giúp thế hệ sau đỡ lo âu hơn; thái độ và tiềm lực đầu tư cho thể thao lớn hơn như xây dựng một chương trình thi đấu vừa đáp ứng chuyên môn và có tính fair-play. Điều này cũng dựa vào hai yếu tố: thay đổi nhận thức của nhà quản lý thể thao và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Lần tổ chức này, chúng ta có sự tự tin để tổ chức thành công.

Ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT chia sẻ, chúng ta phải đấu tranh để ngăn chặn tư tưởng muốn tìm cách hạn chế sức mạnh của các nước, vẫn muốn tạo nhiều lợi thế cho mình. Nó ảnh hưởng đến tính nhân văn, tính fair-play trong thi đấu thể thao. Điều này cũng khó khăn vì nhiều nhà quản lý thể thao cả mới lẫn cũ có mang tư tưởng SEA Games theo tinh thần số đông các nước Đông Nam Á. Dư luận thắc mắc, Philippines chỉ đứng thứ 5 ở SEA Games 22 nhưng kỳ sau tổ chức sân nhà, họ lại lên thứ nhất. Indonesia tổ chức cũng lên thứ nhất hay Myanmar là nước không có sự phát triển mạnh về thể thao nhưng năm 2013 tổ chức, họ cũng có vị trí cao.

"Theo dõi quá trình đó, nhược điểm của phong trào Đông Nam Á là không ổn định được các môn thi đấu. Việt Nam cũng bị cuốn vào thời kỳ chúng tôi làm nhưng nay thì cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn tàn dư của nó. Một chương trình thi đấu muốn đưa thể thao Việt Nam phát triển lên tầm cao mới thì phải tập trung vào chương trình của Olympic, của ASIAD; đẩy lùi căn bệnh thành tích", ông Phấn nói.

Những điều cần biết về SEA Games 2021

SEA Games 2021, hay còn gọi là SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 21-11 đến 2-12-2021 tại Hà Nội và một số thành phố và tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Bắc Giang, với sự tham gia của khoảng 10.000 người. SVĐ quốc gia Mỹ Đình sẽ là nơi diễn ra các buổi lễ quan trọng của Đại hội gồm lễ khai mạc (21-11), lễ bế mạc (2-12). Mục tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Đại hội thể thao lớn nhất khu vực trên sân nhà là giành ngôi nhất toàn đoàn.

40 môn thi đấu tại SEA Games 2021 bao gồm: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao, jujitsu, esport, bowling, triathlon.

Linh vật chính thức của SEA Games 2021 (cũng như ASEAN Para Games 11) là SAO LA của tác giả Ngô Xuân Khôi. Trong khi đó, tác phẩm "Cánh chim bay lên - bàn tay chữ V" của tác giả Hoàng Xuân Hiếu, giành giải Nhất cuộc thi sáng tác logo SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11. Ý tưởng bàn tay hình cánh chim hòa bình trong thiết kế của tôi thể hiện niềm tự hào dâng trào khi các vận động viên đặt bàn tay lên ngực, hướng về quốc kỳ. Điều lớn lao là các vận động viên đều nỗ lực thi đấu, gắn kết để tạo nên cuộc thi, một giải đấu hòa bình.

Ngành thể thao cũng thống nhất khẩu hiệu chính thức của SEA Games 2021 là: "For a stronger South East Asia" (Vì một Đông Nam Á vững mạnh hơn).

Đơn Ca
.
.
.