Việc bồi thường quyết định thời gian hoàn thành tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài
Sau khi được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng giai đoạn 1 tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh) với chiều dài 51km vào tháng 8 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh đã xây dựng tiến độ triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành, đưa tuyến cao tốc này vào khai thác từ tháng 12/2027…
Đây là dự án được triển khai theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOT, tổng vốn đầu tư cho dự án được dự kiến ở mức 19.617 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 9.674 tỷ đồng, gồm vốn từ ngân sách Trung ương 2.872 tỷ đồng và vốn từ ngân sách thành phố 6.802 tỷ đồng, phần vốn dành cho nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng.
Để đảm bảo thời gian hoàn thành, dự án được chia làm 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 - Xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (BOT) có giá trị 10.421 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư 9.943 tỷ đồng, vốn ngân sách 478 tỉ đồng; Dự án thành phần 2 - Xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang cao tốc bằng vốn ngân sách với giá trị 2.422 tỷ đồng; Dự án thành phần 3 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn TP Hồ Chí Minh có vốn đầu tư từ ngân sách 5.270 tỷ đồng, cả 3 dự án thành phần này đều do UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư.
Riêng Dự án thành phần 4 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đoạn qua địa bàn tỉnh Tây Ninh với tổng mức đầu tư công 1.504 tỷ đồng do UBND tỉnh này triển khai.
Ngày 16/8 vừa qua UBND TP Hồ Chí Minh đã quyết định giao Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư dự án và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với việc xây dựng tuyến cao tốc. Thành phố đặt mục tiêu sẽ phê duyệt Dự án thành phần 1 vào tháng 4/2025, ký kết hợp đồng BOT vào tháng 9/2025 và khởi công dự án vào tháng 4/2026.
Đối với Dự án thành phần 2, mốc thời gian phê duyệt dự án được xác định vào tháng 1/2025, khởi công vào tháng 8 cùng năm và hoàn thành vào tháng 4/2027. Khó khăn nhất đối với dự án tuyến cao tốc trên là Dự án thành phần 3 với mục tiêu được phê duyệt vào tháng 1/2025, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ra quyết định thu hồi đất và tiến hành chi trả đối với người dân đồng thuận từ tháng 4/2025; bàn giao ngay mặt bằng từ thời điểm thu hồi để phục vụ khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật cũng như khởi công Dự án thành phần 2 vào tháng 8/2025.
Thông tin về tình hình thực hiện dự án này, ông Hà Quốc Linh, Trưởng ban điều hành dự án phát triển giao thông xanh - Ban Giao thông cho biết, ngày 6/9 vừa qua UBND thành phố đã kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, có ý kiến về việc có thực hiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hay không để thành phố có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Về bố trí vốn đầu tư, phần vốn ngân sách Trung ương trung hạn giai đoạn 2021-2025 cần bố trí cho dự án là 2.872 tỷ đồng cho việc giải phóng mặt bằng của dự án. Tháng 8 vừa qua UBND thành phố đã đề nghị Bộ KH&ĐT xem xét, bố trí 1.368 tỷ đồng cho Dự án thành phần 3. Tỉnh Tây Ninh cũng đã đề nghị Bộ KH&ĐT bố trí 1.504 tỷ đồng cho Dự án thành phần 4. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đã quyết định bố trí vốn ngân sách địa phương số tiền 4.705 tỷ đồng cho dự án.
Đến nay, thời gian để thực hiện dự án trên chỉ còn 3 năm, Sở TN&MT cũng đã có ý kiến về vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thành phố cũng đã vào cuộc. Tuy nhiên, theo rà soát của chính quyền địa phương, chỉ riêng trên địa bàn thành phố đã có hơn 1.800 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó chỉ có khoảng 254 hộ dân đủ điều kiện để bố trí nền đất tái định cư; 178 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp… nên vấn đề đặt ra là phải có cơ chế thỏa đáng để người dân đồng thuận, đồng loạt bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Để tránh tình trạng như nhiều dự án đang bị đội vốn thêm hàng nghìn tỷ đồng do chậm tiến độ vì vướng giải tỏa, đền bù, chính quyền địa phương cần có những giải pháp phù hợp mức bồi thường theo khung giá đất hoặc chính sách khác để khi người dân bị giải tỏa có diều kiện để tạo lập lại nhà cửa, ổn định cuộc sống.