Vận tải khách liên tỉnh vẫn “đóng băng” vì các địa phương còn e dè

Thứ Năm, 07/10/2021, 08:51

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách trong 5 lĩnh vực sau nới lỏng giãn cách xã hội (có hiệu lực từ ngày 1/10), trong đó quy định rất rõ các nguyên tắc.

Tuy nhiên, cho đến nay các địa phương vẫn tỏ ra rất thận trọng và hầu như chưa có thay đổi gì so với trước khi có hướng dẫn. Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không thay đổi, các hoạt động kinh tế xã hội trong điều kiện “bình thường mới” sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Nhiều tỉnh đang… nghiên cứu

Tính đến ngày 6/10, mới chỉ có hai địa phương là Lạng Sơn và Thái Nguyên bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách trên lĩnh vực đường bộ của Bộ GTVT, bằng cách cho phép khai thác nhiều tuyến vận chuyển hành khách liên tỉnh với một số tỉnh vùng xanh.

Tuy nhiên, Lạng Sơn và Thái Nguyên chỉ là một số rất ít trong số các địa phương sớm triển khai thực hiện theo Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT để nối lại hoạt động vận tải khách, với nhiều lý do khác nhau. Tại Hải Phòng, đại diện Sở GTVT TP cho biết, hiện mới “đang nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho thành phố”. Hiện tại, Hải Phòng vẫn đang dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh.

Tương tự, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ninh  cũng thông tin, hiện một số quy định kiểm soát của tỉnh cao hơn hướng dẫn. Do đó, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục rà soát để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh cho phù hợp với hướng dẫn của Bộ GTVT và tình hình thực tiễn ở địa phương. Tại Nghệ An, hiện tất cả các huyện, thị xã (trừ 1 số xã, phường giãn cách theo Chỉ thị 16) đều đã chuyển về trạng thái bình thường mới hoặc chỉ còn giãn cách theo Chỉ thị 19.

Tuy nhiên, suốt 1 tuần qua tỉnh này vẫn chưa cho phép xe khách ngoại tỉnh hoạt động. Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo tìm hiểu của phóng viên, trước mắt Sở GTVT đang xây dựng phương án vận chuyển hành khách liên vùng, trong đó có việc đi lại giữa TP Hồ Chí Minh  với 4 tỉnh lân cận là Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh. Song đến nay chưa vẫn chưa thể thực hiện vì đang chờ ý kiến trả lời của các địa phương này.

Ngay trên địa bàn TP Hà Nội, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, có ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới nào, tuy nhiên thành phố tỏ ra rất thận trọng trong việc mở lại hoạt động vận tải khách, kể cả hoạt động vận tải nội đô. Căn cứ theo kế hoạch của Bộ GTVT về các điều kiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cho phép taxi được hoạt động trở lại theo sự giám sát chặt của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND thành phố chấp thuận.

Vận tải khách liên tỉnh vẫn “đóng băng” vì các địa phương còn e dè -0
Nhiều doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh trông chờ ngày được hoạt động trở lại.

Địa phương quá thận trọng, doanh nghiệp và người dân “khó thở”

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, toàn bộ người dân đã được tiêm vaccine, việc cho phép taxi hoạt động là cần thiết. “Doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ thành phố chấp thuận. Thành phố không nên phòng dịch kiểu “cầu toàn quá”, ông Hùng góp ý. Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng Giám đốc Taxi G7 kiến nghị: “Thời điểm này taxi hoạt động trên địa bàn thành phố là phù hợp, vì một số ngành hàng mở lại, nhu cầu của người dân tăng cao”.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch HIệp hội Vận tải ôtô Việt Nam lo lắng, hoạt động vận tải khách cứ đóng băng thế này thì doanh nghiệp và người dân  sẽ rất “khó thở”. Ông này cũng bày tỏ: Đến nay mặc dù ngành Y tế, ngành Giao thông đã có những quy định về kiểm soát sức khoẻ người dân, hướng dẫn cụ thể việc đi lại sao cho phù hợp, các địa phương vẫn còn qúa thận trọng nên việc xác nhận hai đầu tuyến để xe được phép hoạt động trở lên khó khăn hơn rất nhiều. Nói đúng hơn, đến nay chưa tỉnh nào làm được việc này.

Trong khi đó, nhu cầu của người dân là có, nhu cầu của doanh nghiệp là có. Ở một diễn biến khác, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng cho rằng, vì hoạt động khách liên tỉnh chưa thể hoạt động, nên nhiều người dân mới phải “rồng rắn” đi xe máy đưa nhau về quê, việc đi lại tự phát thế này cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh khó kiểm soát. Trước thực trạng này, theo ông Quyền, các tỉnh nên nhanh chóng mở lại vận tải liên tỉnh, vì nếu có xe đi theo tuyến, thì việc kiểm soát sẽ thuận lợi hơn.

Đứng về khía cạnh đơn vị quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam thẳng thắn: Sở GTVT các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình phòng, chống dịch của địa phương, chủ động lập kế hoạch chi tiết để mở lại vận tải khách liên tỉnh. Trong đó, phải có sự trao đổi, thống nhất với Sở GTVT địa phương đầu tuyến. Kế hoạch phải có sự phối hợp của các cơ quan địa phương như Y tế, Công an...

Sau đó, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương triển khai kế hoạch. Cũng theo bà Hiền, kế hoạch mở lại vận tải của các địa phương cần có sự linh hoạt theo cấp độ chống dịch. Nhiều tỉnh, thành phố e ngại khi mở lại vận tải sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, khi mở lại cần thận trọng và có thí điểm theo từng tuyến với tỷ lệ, tần suất xe thấp, số lượng khách trên phương tiện giãn cách phù hợp.

Đặng Nhật
.
.
.