Ùn tắc ở Hà Nội: Gỡ chỗ này, rối chỗ kia
Hơn 1 tuần vừa qua, người dân ở Hà Nội phải chịu cảnh khốn khổ vì lô cốt mọc lên ở một số tuyến đường. Để gỡ cho những nút thắt này, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội vừa đưa ra phương án xén dải phân cách, phân luồng từ xa. Thế nhưng, không ít người dân sống và làm việc ở phía Tây, Tây Nam thành phố cho rằng, đó chỉ là những giải pháp tạm thời bởi quanh khu vực này, nhiều ngã tư lớn cũng đang trở thành “điểm nóng” về ùn tắc mà chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ phía cơ quan chức năng.
Xén dải phân cách, phân luồng từ xa chống ùn tắc trên đường Nguyễn Xiển
Ngày 19/11, thông tin từ Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa kiến nghị UBND TP Hà Nội điều chỉnh phương án phân luồng đảm bảo ATGT phục vụ thi công gói thầu số 2 dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá trên đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân). Trên cơ sở nội dung thống nhất liên ngành, cơ quan này báo cáo tới UBND TP Hà Nội xem xét phương án thi công mới.
Cụ thể, đơn vị thi công tiến hành xén dải phân cách giữa đường Nguyễn Xiển rộng 5-6m cách lòng đường hiện trạng 0,5m theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An làm đường tạm phục vụ công tác phân luồng giao thông. Làn đường tạm rộng 5-6m chỉ cho phép ôtô con, xe máy lưu thông, đầu nối vào có lắp đặt gông hạn chế chiều cao hạn chế xe tải lưu thông để đảm bảo an toàn cho kết cấu của đường Vành đai 3 trên cao.
Tổ chức phương án phân luồng từ xa cấm các loại phương tiện xe khách, xe hợp đồng từ 29 chỗ trở lên, xe tải lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Xiển (từ vị trí lối lên đường Vành đai 3 trên cao) hướng Khuất Duy Tiến đi Linh Đàm vào giờ cao điểm (sáng 6h - 09h; chiều 16h - 19h30), xe buýt được phép hoạt động và sẽ điều chỉnh cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế. Trong trường hợp xảy ra ùn tắc giao thông sẽ điều tiết giao thông tại nút giao và đường Vành đai 3 trên cao cho phù hợp với tình hình giao thông thực tế.
Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án, Sở GTVT TP Hà Nội đề xuất Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp hướng dẫn Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội đánh chuyển dải cây xanh tại dải phân cách giữa đường Vành đai 3 khi triển khai thi công làn đường tạm theo chiều đi từ ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến ngã tư đường Nguyễn Xiển - tuyến đường số 1 bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An. UBND quận Hoàng Mai, Thanh Xuân giải tỏa các vi phạm lấn chiếm vỉa hè dọc tuyến đường Nguyễn Xiển để đảm bảo ATGT, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội khẩn trương xây dựng phương án xén dải phân cách giữa để phục vụ thi công các ga trên đường Nguyễn Xiển đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo đúng quy định hiện hành. Phối hợp với UBND quận Thanh Xuân, Hoàng Mai để san gạt, gia cố, vuốt nối đảm bảo êm thuận phạm vi giải tỏa vỉa hè dọc đường Nguyễn Xiển. đặc biệt là tại các vị trí rào chắn thi công trên tuyến. Đồng thời, Ban này cũng có trách nhiệm lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn... để phục vụ công tác phân luồng đảm bảo ATGT. Phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT TP Hà Nội, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thi công nhằm đảm bảo ATGT, vệ sinh môi trường và tránh gây ùn tắc giao thông.
Còn nhiều ngã tư “nhức nhối”
Là một người dân sống ở khu đô thị Văn Phú, chị Phương Lan chia sẻ: Theo dõi thấy cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vấn đề ùn tắc ở Nguyễn Xiển tôi thấy mừng quá. Tuy nhiên, trên thực tế Hà Nội còn rất nhiều nơi ùn tắc, giá mà lực lượng chức năng cũng “ráo riết” đưa ra giải pháp như ở điểm Nguyễn Xiễn người dân được nhờ hơn rồi.
Chị Phương Lan thông tin thêm: Ngã tư Lê Trọng Tấn-Quang Trung (Hà Đông) là một ví dụ điển hình. Sống ở khu vực này người dân thường xuyên phải chịu cảnh xe ôtô nối dài từ ngã tư Lê Trọng Tấn - Tố Hũu đến ngã tư Lê Trọng Tấn - Quang Trung. Đầu giờ sáng, cuối buổi chiều mỗi ngày, phương tiện giao thông phải chờ hàng chục nhịp đèn mới qua được ngã tư này. Ai cũng biết, ngã tư Lê Trọng Tấn – Quang Trung là nút giao thông của luồng phương tiện từ các huyện phía Tây Nam TP và các tỉnh Tây Bắc về nội đô. Đồng thời là nút giao quan trọng, mà phương tiện giao thông từ các địa phương phía Nam, phía Bắc của TP muốn qua lại quận Hà Đông.
Tuy nhiên, ở ngã tư này, hướng lưu thông chiều từ Đông sang Tây (từ đường Quang Trung ra ngã ba Ba La – Bông Đỏ) nhịp đèn xanh đỏ bố trí rất bất hợp lý (chỉ để 35 giây); chính vì thế vào giờ cao điểm, các phương tiện phải mất hàng chục nhịp đèn mới qua được ngã tư này. Ở chiều từ đường Lê Trọng Tấn sang khu đô thị Văn Phú, tuy nhịp đèn có dài hơn, các phương tiện (từ đường Lê Trọng Tấn) được rẽ phải vào đường Quang Trung, nhưng tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm cũng vẫn xảy ra.
Vào giờ cao điểm, các phương tiện từ phía đường Quang Trung lưu thông ra Ba La – Bông Đỏ (và chiều ngược lại), do chờ lâu nên thường có tâm lý… cố vượt, đã tạo ra xung đột, dẫn đến ùn tắc. Ở chiều Lê Trọng Tấn – đô thị Văn Phú, dù rộng nhưng 1/2 lòng đường đã dành cho xe buýt nhanh BRT, nên các phương tiện lưu thông vô cùng chen chúc. Dù được rẽ phải ra đường Quang Trung, nhưng chỉ cần vài người vô ý thức (đi thẳng nhưng lấn phần đường dành cho phương tiện rẽ phải) ùn tắc tức thì xảy ra. Vào giờ cao điểm xe tải, xe container không được phép đi vào phố. Nhưng tại ngã tư này (bất kỳ cao hay thấp điểm), lúc nào các loại xe siêu trường, siêu trọng vẫn vô tư lưu thông, điều này khiến cho sự ùn tắc ở ngã tư Lê Trọng Tấn – Quang Trung ngày nào cũng nhức nhối.
Không chỉ có tuyến đường trên, phía Tây thành phố còn một loạt đường thường gặp cảnh tương tự. Như đường Lê Văn Lương chỉ dài 2km, mỗi chiều rộng 11,25m, dải phân cách giữa rộng 3-7m. Hai bên đường có khoảng 15 khu nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng. Một số ô đất trống đang được xây dựng nhà cao tầng. Song tuyến này thường xuyên ùn tắc, trong khi phải dành một làn mỗi chiều cho buýt nhanh BRT.
Trước thực trạng này, cử tri cho rằng tuyến đường này thường xuyên ùn tắc do có nhiều khu đô thị, nhà chung cư; đề nghị thành phố kiểm tra lại quy hoạch, xử lý trách nhiệm cán bộ sai phạm. Song, mới đây, UBND TP Hà Nội đã trả lời kiến nghị cử tri trước kỳ họp HĐND lần thứ 10, dự kiến ngày 5-8/12, về quy hoạch đường Lê Văn Lương. Hà Nội cho rằng tuyến đường được xây dựng đúng định hướng quy hoạch. Tuy nhiên, chính quyền thành phố không trả lời cử tri về mật độ xây dựng thế nào?!
Báo cáo gần đây nhất, Sở GTVT Hà Nội cho biết, tính đến nay trên địa bàn TP Hà Nội chỉ còn 32 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, thực tế những ngày gần đây, vào khung giờ cao điểm cả buổi sáng và chiều, thậm chí cả buổi trưa không chỉ 32 điểm ùn tắc như Sở GTVT Hà Nội đã thống kê, mà rất nhiều ngả đường của Thủ đô bị "thất thủ". Nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc tại các nút giao, nhất là các nút giao lớn, thiết nghĩ Sở GTVT Hà Nội sớm nhìn thẳng vào thực tế và đưa ra thêm các giải pháp đồng bộ, để tránh tình trạng gỡ chỗ này, phát sinh chỗ khác.