TP Hồ Chí Minh: Tập trung hoàn tất tuyến Vành đai 2, khoan tính chuyện “ôm” dự án đường Vành đai 4

Thứ Tư, 11/12/2024, 08:10

Sau 8 năm được khởi động, đến nay tuyến đường Vành đai 2 của TP Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe vẫn đang bị ngắt khúc tại 4 đoạn, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp; đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng; đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa và đoạn nối từ QL1 vào đường Nguyễn Văn Linh.

Như vậy dù chỉ đầu tư khép kín 2 tuyến đường có sẵn là tuyến Nguyễn Văn Linh và QL1 để tạo thành tuyến đường bao quanh khu vực nội thành và cũng đã phải cắt thành nhiều dự án thành phần trên từng đoạn, nhưng đến nay đường Vành đai 2 vẫn đang còn khoảng 14km chưa được hoàn thành. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa với chiều dài 2,7km đã được triển khai từ năm 2017, sau 4 năm phải tạm dừng thi công đoạn đường này đang xúc tiến để tái khởi công trở lại vào năm tới.

vanh dai 2.jpg -0
Quá tải trên một tuyến vận tải hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh trong khi các dự án giao thông trọng điểm vẫn đang ì ạch.

Các đoạn nối từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp và đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng đang được triển khai ở bước hoàn thành thủ tục pháp lý và giải phóng mặt bằng. Riêng đoạn nối từ QL1 vào đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài 5,3km đến nay cũng mới chỉ được dự kiến sẽ triển khai trước năm 2030.

Vào tháng 11 vừa qua, ông Trần Thanh Lộc, Phó trưởng Ban điều hành dự án PPP - Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) cho biết: Tháng 9/2023, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết về duyệt chủ trương đầu tư đoạn đường này. Theo đó, tổng mức đầu tư từ ngân sách thành phố cho phần xây dựng là 2.653 tỷ đồng, nhưng số tiền phải chi cho việc bồi thường, giải tỏa đã lên tới 6.675 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với 3,5km đường, nhưng do không được đầu tư ngay từ những năm trước, đến nay suất đầu tư đã vọt lên đến 2.800 tỷ đồng cho mỗi km. Mục tiêu đặt ra đối với việc triển khai đoạn đường này là khởi công vào cuối năm 2025 và hoàn thành vào cuối năm 2026 nhưng hiện còn phụ thuộc vào việc thu hồi đất từ 764 hộ dân và tổ chức của TP Thủ Đức.

Đối với đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, theo ông Hoàng Hữu Hưng, Phó trưởng Ban điều hành dự án PPP - Ban Giao thông, sơ bộ tổng số tiền ngân sách phải đầu tư cho đoạn đường có chiều dài 2,8km này cũng lên đến 4.543 tỷ đồng. Trong đó tiền dành cho việc bồi thường, giải tỏa là 1.956 tỷ đồng; chi phí xây dựng là 2.587 tỷ đồng, tương ứng với suất đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng mỗi km. Tuy vậy, đoạn đường này cũng chỉ được dự kiến khởi công vào giữa năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027 do phải giải quyết thủ tục đầu tư và chờ TP Thủ Đức thu hồi đất từ 171 hộ dân và tổ chức.

Thực tế cho thấy, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa ngắn hơn đoạn trên 800m và cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, nhưng do được triển khai theo hợp đồng BT với nhà đầu tư từ năm 2016 nên chi phí xây dựng chỉ ở mức hơn 944 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải tỏa là 1.821 tỷ đồng. Triển khai chậm hơn nên đoạn nối từ QL1 vào đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài 5,3km còn đòi hỏi số tiền đầu tư “khủng” hơn khi dự kiến tổng mức đầu tư sẽ lên đến 16.417 tỷ đồng. Trong đó riêng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 13.190 tỷ đồng. Với tổng mức đầu tư trên, mỗi km đường Vành đai 2 sẽ ngốn khoảng 3.000 tỷ đồng.

Một loạt các công trình đầu tư công về hạ tầng giao thông quan trọng trị giá hàng nghìn tỷ, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ đồng của TP Hồ Chí Minh vẫn đang ngổn ngang. Nhiều công trình đã chậm tiến độ và bị đội vốn nhưng đang tiếp tục đối mặt với nguy cơ “tái đội vốn” gây lãng phí không ít cho ngân sách và xã hội. Trong khi đó, trong chương trình công tác trọng điểm năm 2024 vừa qua, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đưa ra Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Sang năm 2025, Sở GTVT tiếp tục đăng ký với UBND thành phố 2 chương trình công tác chủ đạo là phát triển hệ thống đường sắt đô thị và xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh. Phát triển hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết đối với một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, nhưng đến nay sau 16 năm được quy hoạch, tuyến đường Vành đai 2 với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông cho một loạt tuyến đường trục chính trong khu vực nội thành hiện vẫn còn ngắt khúc; tuyến Vành đai 3 do TP Hồ Chí Minh làm chủ công vẫn đang ngổn ngang dù mục tiêu ban đầu là sẽ hoàn thành vào năm 2025, trong khi đó áp lực về tổ chức triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, áp lực về giải ngân vốn đầu tư công lại chủ yếu dồn xuống Ban Giao thông.

Xem công tác xúc tiến xây dựng tuyến đường Vành đai 4 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT TP Hồ Chí Minh trong năm tới lại càng không hợp lý bởi dự án có chiều dài khoảng 198km, là tuyến giao thông quan trọng đi qua 5 tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ nhưng đoạn đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh chỉ có chiều dài không đáng kể. Mục tiêu chính của dự án này là kết nối liên vùng. Đối với TP Hồ Chí Minh, điểm đầu phía Đông của tuyến Vành đai 4 ở khu vực cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, một khu đô thị cảng đang quá èo uột những năm qua, đoạn ngắn còn lại chạy qua địa bàn huyện Củ Chi. Thế nhưng xem ra ngành GTVT thành phố đang tiếp tục muốn “ôm” để được làm “chủ xị” trong đầu tư dự án này chứ không giao cho địa phương khác.

Do đó, ngoài việc cơ quan Trung ương cần cân nhắc giao cho địa phương nào có chiều dài tuyến Vành đai 4 đi qua nhất trong số 5 tỉnh, thành làm chủ đầu tư thì TP Hồ Chí Minh cần tập trung nhân lực vào việc đẩy mạnh tiến độ các công trình trọng điểm, công trình quan trọng để tránh lãng phí nguồn lực trong đầu tư công. Chấm dứt tình trạng “khoán trắng” cho Ban Giao thông ì ạch triển khai một loạt các công trình hạ tầng nghìn tỷ, chục nghìn tỷ như những năm qua.                         

Bảo Sơn
.
.
.