Hà Nội: Ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống
Các chuyên gia cho rằng, thách thức trong phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội hiện nay là sản xuất còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; công tác quy hoạch chưa hiệu quả...
Ngày 30/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội thảo định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.
Tại Hội thảo, GS. TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp cho biết, Hà Nội có nhiều đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp đô thị với những lợi thế, tiềm năng để phát triển nhưng cũng đi kèm với những khó khăn, thách thức. Trong lĩnh vực trồng trọt, nông nghiệp Hà Nội thực hiện cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm diện tích sản xuất lúa từ 165.593 ha xuống còn 140.000 ha; mở rộng diện tích trồng rau, đậu từ 32.900 ha lên 38.000 ha; tăng diện tích cây ăn quả từ 19.390 ha lên 25.750 ha; tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500 ha đến 9.000 ha; giữ ổn định diện tích chè 2.500 ha. Hiện TP có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tập trung nhiều ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Một số mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội, khẳng định vị thế trên thị trường. Trong chăn nuôi, Hà Nội phát triển theo vùng, xã trọng điểm với 12 xã chăn nuôi bò sữa, 15 xã chăn nuôi bò thịt. Toàn TP có 722 trang trại chăn nuôi lợn ngoài khu dân cư, bình quân 1,1ha/hộ; 2.147 trại chăn nuôi gia cầm, diện tích bình quân 8.800m2/trại; 9 hợp tác xã hoạt động sản xuất chăn nuôi.
Tuy nhiên, trong những năm qua, trước tình hình mở rộng không gian đô thị cùng nhiều dự án nên diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội ngày càng thu hẹp (giảm gần 800ha). Ngoài ra, một số khu vực còn manh mún, chưa hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; công tác quy hoạch chưa hiệu quả cũng là thách thức lớn trong phát triển nông nghiệp đô thị.
Nông nghiệp đô thị vẫn bị ảnh hưởng bởi phương thức sản xuất truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, làm hạn chế năng suất, chất lượng sản phẩm. Vẫn còn một bộ phận lao động lớn tuổi, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cao, chưa thông thạo kỹ năng tìm hiểu thông tin qua internet nên còn thụ động, chủ yếu sản xuất nông nghiệp bằng kinh nghiệm thực tiễn và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Cũng Hội thảo, TS. KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, tại Hà Nội, không gian nông nghiệp vùng ven đô (khu vực đô thị hóa- vùng 2), khu vực này gồm 6 huyện dự kiến thành lập quận hoặc nằm trong vùng định hướng phát triển đô thị gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì, đây là những đơn vị hành chính kề cận các quận. Không gian nông nghiệp đô thị còn chiếm tỷ lệ lớn trên tổng diện tích tự nhiên theo hình thức đa dạng hóa. Tuy nhiên, có xu hướng chuyển dịch sang chuyên canh tương đồng như không gian nông nghiệp đô thị tại các quận.
Đây là không gian luôn có nhiều biến động về đất đai, chức năng; do tác động trực tiếp của quá trình đô thị hóa… nên việc phát triển nông nghiệp đô thị tuy có tiềm năng, lợi thế hơn nhiều so với vùng lõi đô thị nhưng cũng có những hạn chế nhất định.
Vì vậy, theo TS. KTS Trương Văn Quảng, Hà Nội cần tập trung cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao; phấn đấu trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc. Đồng thời, ưu tiên xây dựng vành đai xanh, bảo đảm môi trường sống. Chú trọng phát triển công nghệ giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch gắn với phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.