Thời cơ cũng là thách thức với ngành đường sắt
Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (GTVT) ước tính tổng nhu cầu nhân lực trực tiếp ở các khối quản lý nhà nước, quản lý dự án, tư vấn, xây lắp, vận hành cho xây dựng, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cao điểm khoảng 200.000 - 250.000 lao động, gồm: Nhân lực quản lý dự án 700 -900 cán bộ, tư vấn 1.100-1.300 lao động, xây lắp 180.000 - 240.000 lao động và giai đoạn vận hành là 13.880 lao động.
Nhìn vào ước tính có thể thấy, Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam khi triển khai sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay, các trường đại học trong nước khó có thể đào tạo kịp với nhu cầu thực tế. Như vậy, việc phát triển nhân lực cho ngành đường sắt đang đứng trước thời cơ cũng là thách thức.
Cần hàng trăm nghìn nhân lực
Dự báo của ngành giao thông, với Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, nguồn nhân lực xây dựng, vận hành có thể chia thành 4 khối có nhu cầu phát sinh lớn gồm: Nhân lực quản lí dự án; tư vấn; thầu xây dựng và khai thác vận hành. Ngành giao thông cho rằng, nhân lực xây dựng, vận hành ĐSTĐC Bắc - Nam được tính toán căn cứ trên phương án và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, khai thác gồm nhu cầu nhân lực quản lí dự án giai đoạn 2025-2027, sẽ cần khoảng 300-500 nhân lực; cao điểm nhất giai đoạn 2028 - 2032 khi triển khai đồng thời cả 3 đoạn tuyến của dự án với số lượng khoảng 700 - 900 nhân sự và giai đoạn 2032-2035 sẽ giảm về 300-500 nhân lực. Nhu cầu nhân lực tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát thi công được huy động theo tiến độ dự án và cao điểm nhất vào năm 2026 - 2028, giai đoạn triển khai thiết kế tổng thể kĩ thuật với số lượng khoảng 1.100 - 1.300 nhân sự. Tư vấn là nhóm nhân lực có yêu cầu cao nhất về trình độ và chuyên ngành (100% nhân sự có trình độ đại học trở lên).
Theo kinh nghiệm quốc tế, lực lượng tư vấn nên có khoảng 3-5% nhân lực có trình độ tiến sĩ chuyên ngành hạ tầng, đoàn tàu, cấp điện, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin ĐSTĐC. Khoảng 90% nhân lực tư vấn yêu cầu các chuyên ngành kĩ thuật, 10% chuyên môn kinh tế, tài chính, thể chế, môi trường, xã hội. Trong đó, 2 chuyên ngành yêu cầu số lượng lao động lớn nhất là xây dựng (36%) và quản lí xây dựng (26%). Yêu cầu tư vấn chuyên môn chuyên ngành đường sắt chiếm khoảng 35 - 40% tổng số nhân lực, trong đó, có khoảng 3-5% nhân sự thuộc các chuyên môn rất đặc thù như: Công nghiệp ĐSTĐC, vật liệu...
Nhu cầu nhân lực xây dựng là nhóm có nhu cầu lớn nhất trong suốt quá trình triển khai đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án với nhu cầu lúc cao điểm lên đến khoảng 180.000 - 240.000 nhân sự. Khoảng 90-95% nhân lực xây dựng là công nhân kĩ thuật và phần lớn thuộc các nhóm nghề phổ thông, đang được đào tạo rộng rãi như xây dựng, nề, bê tông, điện... Số lượng công nhân kĩ thuật yêu cầu chuyên môn chuyên ngành đường sắt và ĐSTĐC chỉ khoảng 3 - 5% như hàn, kết cấu thép... Thời kì cao điểm cần huy động tới 15.000 - 20.000 kĩ sư (chủ yếu là kĩ sư xây dựng, làm việc trên các công trường dự án, trong đó khoảng 20-30% kĩ sư chuyên ngành đường sắt và ĐSTĐC).
Theo tính toán, để vận hành 1km ĐSTĐC Bắc - Nam, cần trung bình khoảng 9 người tại 5 vị trí. Với chiều dài hơn 1.500km, dự án cần khoảng 13.800 người. Để thu hút sinh viên theo học, kịp đón đầu dự án vào năm 2027, các trường đã chủ động đề ra các chính sách hỗ trợ, áp dụng ngay trong đợt tuyển sinh 2025.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: “Dự kiến từ 2025, nhà trường sẽ tuyển sinh đầy đủ 4 chuyên ngành: Xây dựng ĐSTĐC; Cơ khí ĐSTĐC; Kỹ thuật điều khiển tự động và hệ thống thông tin tín hiệu ĐSTĐC; Khai thác vận tải ĐSTĐC để đáp ứng nguồn nhân lực cho kế hoạch là 2027 chúng ta sẽ bắt đầu triển khai dự án này”.
Dù đường sắt không phải là ngành mới, thậm chí nhiều trường đã đào tạo hoặc có chương trình đào tạo gần, liên quan đến ngành này, tuy nhiên, để có thể vận hành được một phương tiện có tốc độ lên đến 350km/h, lại là lần đầu tiên có ở Việt Nam đòi hỏi người học phải có nhiều kĩ năng, kiến thức mới.
Chú trọng đào tạo nhân lực, sẵn sàng vận hành đường sắt tốc độ cao
Trước nhu cầu về nguồn lực nói trên, Bộ GTVT cho biết, Bộ đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực đường sắt (Đề án). Để có đủ cơ sở dữ liệu nghiên cứu xây dựng Đề án, Bộ GTVT đề nghị các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đường sắt ở các chuyên ngành.
Cụ thể có 14 chuyên ngành đào tạo cần khảo sát ở các trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, kĩ sư, công nhân/kĩ thuật viên và thời gian hoàn thành đào tạo. Trong đó, chuyên ngành Tổ chức khai thác vận tải đường sắt đào tạo về kế hoạch và tổ chức vận hành tàu; xác lập hệ thống đường sắt. Chuyên ngành Công trình đường sắt đào tạo về kỹ thuật xây dựng, bảo trì công trình đường sắt: hướng tuyến (mặt bằng, mặt đứng) đường sắt trong ga và ngoài tuyến; kết cấu nền móng và kiến trúc tầng trên đường sắt.
Chuyên ngành Công trình cầu đường sắt đào tạo về kỹ thuật xây dựng, bảo trì, vận hành khai thác đường sắt. Chuyên ngành Công trình hầm đường sắt đào tạo về kỹ thuật xây dựng, bảo trì, vận hành khai thác hầm đường sắt. Chuyên ngành Công trình công nghiệp sắt đào tạo về xây dựng dây chuyền công nghệ; bố trí nhân lực, máy móc, phương tiện, thiết bị… phục vụ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị đường sắt…
Phát biểu tại hội nghị tổng kết Cục Đường sắt mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh đặc biệt lưu ý, riêng về chuẩn bị triển khai đầu tư Dự án ĐSTĐC Bắc - Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan chú trọng vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao và đầu tư phát triển công nghệ, mục tiêu khi tuyến đi vào vận hành, khai thác đảm bảo an toàn chạy tàu. Bộ trưởng nhấn mạnh giá trị của đường sắt trong phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ an ninh quốc phòng. Do vậy, sự chuẩn bị này không chỉ phục vụ ĐSTĐC mà còn đường sắt đô thị, đường sắt kết nối, các tuyến đường sắt quốc gia…
Cùng đó, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá định mức, làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án. Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục xây dựng Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) trình Chính phủ và Quốc hội đúng tiến độ; chuẩn bị xây dựng đầy đủ các văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành để khi luật được phê duyệt có hiệu lực thi hành có thể ban hành, triển khai thực hiện được ngay.