Tăng xử phạt vi phạm hành chính là mong người dân nâng cao hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông

Chủ Nhật, 23/01/2022, 10:13

Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, do Chính phủ ban hành ngày 28/12/2021 và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2022, đến nay đã thực hiện được hơn nửa tháng. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn bỡ ngỡ. Để có những thông tin chính xác gửi tới bạn đọc trên cả nước, Báo CAND đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về các quy định mới trong Nghị định 123/2021/NĐ-CP? Theo ông đâu là điểm nhấn đáng lưu ý ở nghị định này? Cục CSGT đã thực hiện những gì để đưa nghị định vào đời sống?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Có thể nói Nghị định thay thế lần này đã khắc phục được một số bất cập của Nghị định 100, đồng thời nâng mức phạt theo hướng nghiêm khắc hơn, sát thực tế hơn với hoạt động giao thông vận tải.

Cụ thể, Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định lỗi vi phạm “Không đội mũ bảo hiểm cho ngườii đi môtô, xe máy” hoặc “Đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách” cũng tăng mức xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng lên từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Tăng mức phạt hành vi che biển số ôtô, xe máy.

Tại khoản 9 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định người điều khiển ôtô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự ôtô sẽ bị phạt tiền từ 4 triệu đồng – 6 triệu đồng khi: Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Khoản 10 điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe máy khi: Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển.

Ngoài ra, Nghị định còn phạt nặng ôtô nhận, trả khách, hàng hóa trên đường cao tốc; tăng mức phạt với mọi trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; chỉ còn 3 mức vi phạm đối với xe chở quá tải trọng; tăng mức phạt với hành vi bán, sản xuất biển số xe trái phép; phạt nặng hơn hành vi đua xe trái phép; thay đổi quy định xử phạt xe chở khách quá số người quy định.

Theo tôi những lỗi liên quan đến nguyên tắc giao thông đã được tăng nặng về hình thức xử phạt là rất đúng. Nói rõ thêm, trên đường cao tốc khi phương tiện giao thông đi với tốc độ cao có khi tới 120km/h, nếu gặp phải lái xe đi ngược chiều hay đi lùi, thậm chí dừng đột xuất thì đó sẽ là tiềm ẩn dẫn đến tai nạn thảm khốc.

Bên cạnh đó, có một số hành vi dán che biển số, rồi sử dụng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, thậm chí sử dụng biển số của xe khác để trốn tránh hệ thống giám sát, làm cho lực lượng chức năng mất rất nhiều công sức, thời gian để đi xác minh. Đặc biệt, nhiều mức phạt tiền trong lĩnh vực giao thông đường bộ đươc nâng lên từ 40-75 triệu đồng tối đa.

Việc tăng này đã tạo hành lang răn đe. Việc đưa nghị định đi vao cuộc sống, chúng tôi đã thực hiện trong gần 2 năm trở lại đây. Lực lượng CSGT lúc nào cũng sẵn sàng chuyên đề thực hiện nghiêm vi phạm giao thông, nhất là với những vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. 

Tăng xử phạt vi phạm hành chính là mong người dân nâng cao hơn nữa ý thức khi tham gia giao thông -0
Đại tá Nguyễn Quang Nhật.

PV: Nghị định có hiệu lực từ  1/1/2022, đến nay lực lượng CSGT có gặp khó khăn gì trong việc thực thi nhiệm vụ? Người dân khi bị xử phạt theo quy định mới có phản ứng gì không? Liệu những quy định mới này đã đủ sức “răn đe”  và nâng cao ý thức đối với người tham gia giao thông?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Nói về mức nâng thì chưa phải cao lắm. Vẫn đang ở mức vừa phải, nhưng một số lỗi hành vi thì nâng cao. Một số lỗi hành vi ấy xuất phát từ thực tiễn. Tôi chỉ lấy ví dụ nhỏ, bạn ra đường hãy thử quan sát mà xem, tại các ngã ba, ngã tư nơi có đèn tín hiệu giao thông, nếu thấy bóng dáng lực lượng CSGT thì người dân chấp hành rất nghiêm chỉnh. Thế nhưng chỉ cần không thấy lực lượng chức năng, là kiểu gì cũng có người vượt đèn đỏ. Hoặc là có những nơi đường hẹp thì sẵn sàng đi lấn sang làn đường.

Hay hành vi cố tình làm biển xe giả trùng với xe người khác để lưu thông trên đường, nếu chẳng may vi phạm thì họ sẽ nghĩ rằng người chủ thật chịu phạt chứ không phải họ. Đấy là những vi phạm trật tự an toàn giao thông mà đâu đó vẫn còn có một bô phận người dân cố tình vi phạm.

Chính vì việc người dân cố tình vi phạm nên đa phần khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì không có phản ứng gì. Họ chấp hành nghiêm việc xử phạt. Còn thực tế đa phần người dân đều ủng hộ đồng tình với việc nâng cao mức xử phạt nhằm nâng cao ý thức chấp hành quy định ATGT.

PV: Thời điểm Nghị định 123 ra đời cũng là thời điểm lực lượng CSGT trên cả nước ra quân đảm bảo TTATGT dịp cuối năm. Vậy từ đó đến nay, lực lượng CSGT trên cả nước đã xử lý được bao nhiêu trường hợp? Những lỗi vi phạm nào là chủ yếu?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật:  Sau 1 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm TTATGT, TTXH phục vụ tết Nguyên đán Nhâm Dần, cả nước xảy ra 963 vụ TNGT, làm chết 565 người, bị thương 599 người. So sánh với 30 ngày trước liền kề (từ ngày 15/11/2021 đến ngày 14/12/2021), giảm 378 vụ (-28,19%), giảm 90 người chết (-13,74%), giảm 358 người bị thương (-37,41%).

Cùng đó,  lực lượng CSGT đường bộ của địa phương đã kiểm tra, xử lý 240.551 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước: 259.556,79 triệu đồng; tạm giữ 39.771 phương tiện; tước 21.301 GPLX các loại.

Cụ thể: Trên đường bộ lực lượng chức năng xử lý 240.551 trường hợp; phạt tiền 259.557 triệu đồng; tước 21.301 GPLX; tạm giữ 39.771 phương tiện. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 13.385 trường hợp; ma túy 152 trường hợp; lạng lách đánh võng 186 trường hợp; đi sai phần đường, làn đường: 7.001 trường hợp; tránh vượt sai quy định 1.874 trường hợp; dừng đỗ 19.516 trường hợp; vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm 54.589 trường hợp; chở quá tải 2.123 trường hợp; quá tốc độ 23.179 trường hợp…

Lực lượng CSGT đường sắt toàn quốc đã kiểm tra xử lý 417 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; trong đó vi phạm nồng độ cồn 6 trường hợp, phạt tiền 209 triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát đường thủy toàn quốc đã xử lý 8.755 trường hợp, phạt tiền 11.775 triệu đồng. Lực lượng CSGT đường bộ của Cục đã kiểm tra, xử lý 1.553 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước 4.570,90 triệu đồng, tước 767 GPLX.

PV: Thông tin từ CSGT Hà Nội cho biết, việc “phạt nguội” vi phạm TTATGT đến nay đã đạt hiệu suất 80-85% đối với ôtô. Nếu nhìn chung trên cả nước thì hình thức xử phạt nguội liệu có đạt được kết quả như Hà Nội hay như kỳ vọng không?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Trong những năm qua, Cục CSGT đã được Chính phủ, Bộ Công an quan tâm đầu tư, xây dựng Hệ thống giám sát xử lý vi phạm, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm TTATGT. Đồng thời, không ngừng tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu sự đi lại của người dân, nhưng vẫn đảm bảo việc xử phạt, nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tạo tính răn đe chấp hành nghiêm quy định của pháp luật của người tham gia giao thông.

Trên 4 tuyến cao tốc có Hệ thống giám sát do Cục CSGT phụ trách, gồm: Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Thông qua hệ thống giám sát đã phát hiện, ghi nhận được 64.350 trường hợp phương tiện vi phạm; số trường hợp dừng ngay được phương tiện, lập biên bản tại hiện trường (xử phạt nóng) 4.908 trường hợp; số thông báo vi phạm gửi đến chủ phương tiện 46.437 trường hợp; số trường hợp  gửi cơ quan đăng kiểm 26.448 trường hợp; số trường hợp đã lập biên bản theo thông báo vi phạm (phạt nguội) 7.934 trường hợp; người vi phạm đã đến chấp hành quyết định xử phạt 8.585 trường hợp; kho bạc nhà nước thu trên 47 tỷ 604 triệu đồng; tước quyền sử dụng GPLX 9.842 trường hợp.

Trong đó: Từ ngày 15/7/2020 đến 15/12/2021: Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xử phạt 4.053 trường hợp phạt tiền 32 tỷ 435 triệu; tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng đã xử phạt 2.864 trường hợp, phạt tiền 9 tỷ 905 triệu. Từ ngày 15/3/2021 đến 15/12/2021: Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã xử phạt 660 trường hợp, phạt tiền 2 tỷ 354 triệu; tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã xử phạt 1.008 trường hợp, phạt tiền 2 tỷ 909 triệu.

PV: Mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều tình tỉnh, song không vì thế mà người dân “ngại” ra đường. Do đó, từ nay đến Tết Nguyên đán, tình hình giao thông chắc chắn sẽ còn diễn biến phức tạp. Cục CSGT đã đang và sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm gì để đảm bảo ATGT trên từng cung đường?

Đại tá Nguyễn Quang Nhật: Từ nay đến Tết Nguyên đán và các lễ hội đầu xuân Nhâm Dần lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, gắn với cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên các tuyến giao thông. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tập trung vào các lỗi như đua xe trái phép, sử dụng rươu bia khi tham gia giao thông, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, xe chở quá số người quy định….

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Phạm Huyền (thực hiện)
.
.
.