Phụ thu phí hay trò "móc túi" khách hàng!

Thứ Hai, 05/09/2022, 07:20

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, cả hai ứng dụng gọi xe công nghệ có thị phần lớn gồm Grab và Be đều áp dụng thu thêm phụ phí cao điểm nghỉ lễ từ 5.000-20.000 đồng/cuốc khiến người tiêu dùng cảm thấy bức xúc.

Theo thông báo trên trang web của Grab Việt Nam, hãng xe công nghệ này áp dụng “Phụ phí cao điểm ngày lễ” đối với khung giờ 6-22h trong hai ngày 1/9 và 2/9 cho một số loại hình dịch vụ tại một số tỉnh, thành phố nhất định.

Cụ thể, tại khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi chuyến xe GrabBike, GrabMart, GrabFood, GrabExpress (trừ dịch vụ GrabExpress 4H siêu rẻ và GrabExpress Siêu tốc thực phẩm) được áp dụng mức phụ phí 5.000 đồng. Các chuyến xe GrabCar và Grab đi tỉnh 2 chiều sẽ có phụ phí 10.000 đồng tại khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Các tỉnh, thành phố khác như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Khánh Hoà, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai có mức phụ phí 5.000 đồng/chuyến áp dụng cho dịch vụ GrabFood.

Ngoài ra, để đảm bảo lực lượng túc trực dịp 2/9, Grab còn cải thiện đãi ngộ cho tài xế nâng cao thu nhập bằng cách: Thưởng 300.000 đồng cho 50 đối tác GrabCar 4 bánh có tổng số chuyến xe hoàn thành cao nhất tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 30/8-4/9. Mỗi chuyến GrabCar hoàn thành có điểm đón tại sân bay Đà Nẵng và Cam Ranh cũng được thưởng thêm 5.000 đồng.

Phụ thu phí hay trò
Nhiều khách hàng bày tỏ sự không hài lòng khi Grab phụ thu phí trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh.

Theo Grab, tiền thưởng sẽ được thanh toán vào ví của tài xế trong ngày 10/9/2022 khi chuyến xe GrabCar được tính là hợp lệ và đạt đầy đủ điều kiện để nhận thưởng theo quy định, bao gồm: Có điểm đón khách hoặc điểm trả khách tại địa điểm áp dụng; Chuyến xe được phát trong thời gian áp dụng; Chỉ áp dụng đối với chuyến xe có trạng thái hoàn thành. Một tài xế GrabBike ở Hà Nội cho biết, trong 2 ngày 1 - 2/9, sau khi hoàn thành một chuyến đi, anh sẽ nhận được thêm 5.000 đồng tiền phí phụ thu và được ghi trong app với tên gọi là “phụ phí nhu cầu cao”. Thậm chí nếu chạy trong giờ cao điểm, mức phí này còn lên đến 7.500 đồng. Trong khi đó, các dịch vụ be 4 bánh (beCar 4 chỗ/7 chỗ, beCar đi tỉnh 1 chiều/2 chiều, beTaxi 4 chỗ/7 chỗ, beTaxi đi tỉnh) có phụ phí 20.000 đồng/chuyến vào khung giờ từ 12-21h59 ngày 31/8 và 6-21h59 ngày 1/9-4/9. Các chuyến be 2 bánh (beBike, beBike đi tỉnh, beDelivery/2H và beFood) có phí thêm 10.000 đồng/chuyến vào khung giờ 12-21h59 ngày 31/8 và giảm xuống 5.000 đồng/chuyến vào khung giờ 6-21h59 ngày 1/9-4/9.

Trước đó, vào đầu tháng 7/2022, Grab đã thông báo áp dụng “phụ phí nắng nóng” với các dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô-tô hai bánh, gồm GrabBike, GrabFood, GrabMart và GrabExpress tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số khu vực khác tại Việt Nam kể từ ngày 6/7/2022. Grab khẳng định, 100% nguồn thu (sau thuế) từ “phụ phí nắng nóng” được dành cho đối tác tài xế của Grab. Tuy nhiên, do hạn chế về thiết lập hệ thống, đặc biệt là trong việc tự động tách bạch và phân chia doanh thu để có thể hạch toán 100% nguồn thu (sau thuế) từ phụ phí này cho đối tác tài xế nên Grab đã ngừng áp dụng “phụ phí nắng nóng” kể từ ngày 7/7/2022. Tính đến hết ngày 29/7/2022, Grab đã hoàn tất việc chuyển toàn bộ nguồn thu từ “phụ phí nắng nóng” (sau khi đã trừ thuế giá trị gia tăng) cho các đối tác tài xế của mình.

Liên quan đến sự việc Công ty TNHH Grab (Grab) áp dụng phụ phí “thời tiết nắng nóng gay gắt” (phụ phí nắng nóng), thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương (Cục CT&BVNTD) đã tiến hành làm việc với các bên liên quan, tìm hiểu, thu thập thông tin nhằm làm rõ sự việc.

Dù lần này, Grab đã rút kinh nghiệm từ phụ phí nắng nóng, toàn bộ phí dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 được cộng hết vào cho đối tác tài xế nhưng nhiều người tiêu dùng phản đối và cho rằng, xe công nghệ đang kiểu “một mình một chợ”. Chị Như Ngọc (Thanh Trì- Hà Nội), một khách hàng thường xuyên của xe công nghệ bày tỏ: “Tôi không phủ nhận những ngày đầu taxi công nghệ hoạt động rất tích cực và “chiều” khách hàng. Thế nhưng, thời gian gần đây, xe công nghệ cứ lấy lý do này kia để thu phụ phí (thực chất chỉ thông báo và thu tiền), thiệt cho khách hàng quá. Trong khi vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh rất nhiều dịch vụ giảm giá, đồng thời gần đây giá xăng giảm liên tục, giá cước của họ vẫn cao, không lý do gì mà phải tăng phụ phí cả. Cơ quan chức năng nên vào cuộc làm rõ các vấn đề này”.

Chiều 4/9, trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội chia sẻ, đến thời điểm này phần lớn các hãng taxi truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã điều chỉnh giá cước giảm từ 5-7% theo giá xăng dầu.  Trong khi đó, taxi công nghệ bản chất hoạt động như taxi, chỉ khác phương thức tính tiền. Song đến giờ chưa đăng ký là đơn vị kinh doanh vận tải nên họ tuỳ ý điều chỉnh giá cước tăng theo ngày. Có thể nói, điều này đã tạo kẽ hở lớn để Grab tự ý điều chỉnh giá cước với một loạt những phụ thu mà hãng xe công nghệ đã từng đưa ra như: Thời tiết xấu mưa bão, ban đêm, khung giờ cao điểm, phí chờ lâu, nhiều điểm đến và mới đây nhất là phụ thu dịp nghỉ lễ Quốc khánh.

“Tất cả đều theo kiểu một chiều khi hãng chỉ thông báo và thu tiền, khách hàng buộc phải chấp nhận. Đây cũng được coi là nguyên do khiến giá cước của Grab thay đổi liên tục, "nhảy múa" khiến khách hàng nhiều khi gặp phiền toái vì đặt xe rồi mới được thông báo "giá cước có điều chỉnh". Do đó, để khách hàng không bị thiệt và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, cần quy định các ứng dụng gọi xe cũng phải kê giá cước với cơ quan quản lý”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trước tình trạng này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ “đẻ” thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ. Do đó, Bộ Tài chính đang sửa đổi Luật giá lần này cần bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số. Với vận tải hành khách xe công nghệ, các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek... cần phải kê khai, niêm yết, công khai giá cước, phụ phí để cơ quan quản lý giám sát và người tiêu dùng biết.

Bộ GTVT bác thông tin cấm xe Limousine kinh doanh chở khách

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có báo cáo Thủ tướng về quy định cấm hoán cải xe trên 10 chỗ ngồi thành xe dưới 10 chỗ ngồi chở khách theo Nghị định 47/2022. Vì khi nghị định này được ban hành, có nhiều người hiểu nhầm các loại xe Limousine, Dcar được cải tạo từ xe 16 chỗ xuống 10 chỗ (kể cả người lái) sẽ bị cấm hoạt động. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, nội dung quy định cấm cải tạo xe từ 10 chỗ trở lên thành xe từ 10 chỗ trở xuống để kinh doanh vận tải tại Nghị định 47 không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải, kể cả các loại xe Limousine, Dcar. Do các phương tiện này đều có sức chứa từ 10 chỗ trở lên.

Nghị định 47 cũng có quy định chuyển tiếp để đảm bảo tính chặt chẽ và có tính kế thừa (không hồi tố). Các trường hợp đã hoán cải trước khi nghị định có hiệu lực tiếp tục được sử dụng cho hết niên hạn của phương tiện theo quy định. Nghị định mới không cấm việc cải tạo xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ để phục vụ vận chuyển nội bộ hoặc phục vụ nhu cầu cá nhân.

Theo Bộ GTVT, tính tới nay, cả nước có hơn 84.700 xe dưới 7 chỗ kinh doanh vận tải, hơn 9.600 xe từ 8-9 chỗ kinh doanh và hơn 106.500 xe 10 chỗ trở lên đăng ký kinh doanh. Lý giải về quy định cấm xe ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ để kinh doanh vận tải hành khách, Bộ GTVT cho biết, nhằm ngăn ngừa việc cải tạo phương tiện từ xe có sức chứa 16 chỗ thành xe dưới 9 chỗ để kinh doanh taxi. Do xe hoán cải có chiều rộng cơ sở của xe lớn, dẫn đến chiếm dụng diện tích mặt đường, nhất là tại nội thành các thành phố lớn, làm tăng ùn tắc giao thông.

Đặng Nhật
.
.
.