Nỗi lo đường ngang tự mở qua đường sắt Bắc - Nam

Thứ Hai, 30/10/2023, 07:32

Đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ nhiều vụ tai nạn đường sắt, trong đó làm chết 3 người. Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, lực lượng chức năng đã phát hiện 270 trường hợp vi phạm, trong đó 7 phương tiện ôtô và 236 mô tô, phạt tiền hơn 100 triệu đồng. Sau nhiều vụ TNGT đau lòng xảy ra trên những lối đi tự mở đi qua đường sắt, nhiều vị trí được đưa vào danh sách điểm đen nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Tại TP Huế (Thừa Thiên Huế), điểm giao giữa đường Lương Văn Can (phường An Cựu) với Km690+380 (đường sắt Bắc - Nam) là điểm đen TNGT đường sắt nhiều năm nay. Điều đáng nói, đây là tuyến đường giao thông huyết mạch nằm ngay trung tâm thành phố nên lưu lượng người tham gia giao thông rất đông. Thời gian qua, liên tiếp các vụ va chạm giữa người điều khiển xe máy và tàu hỏa đã xảy ra tại điểm giao này.

Cụ thể, cách nay đúng 1 tháng, khoảng 22h40 ngày 29/9, một nam thanh niên điều khiển xe máy đi từ đường Duy Tân băng qua đường ray va chạm với tàu hỏa lưu thông theo hướng Nam-Bắc. Rất may, cú va chạm không trực diện nên nam thanh niên chỉ bị xây xát nhẹ, phần đầu xe máy bị hư hỏng. Tiếp đó, khoảng 21h50 ngày 12/10, tại điểm giao nói trên cũng xảy ra một vụ TNGT khác. Thời điểm đó, một nữ sinh điều khiển xe máy băng qua đường ray vừa lúc tàu hỏa chạy hướng Nam-Bắc đi tới nên xảy ra va chạm, nạn nhân bị tàu kéo lê khoảng 7m, bị thương nặng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện… Trước đó, cũng tại khu vực này đã xảy ra những vụ TNGT thương tâm.

duong-ngang2.jpg -0
Tại một đường ngang ở trung tâm TP Huế không có rào chắn cũng như đèn tín hiệu.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, tại điểm giao này không hề có rào chắn cũng như đèn tín hiệu cảnh báo khi có tàu hỏa, trong khi đó lối đi lại nhỏ hẹp, dốc. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng để rút ngắn quãng đường, nhiều người vẫn bất chấp để đi qua đoạn đường. Chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra tại điểm giao, một số hộ dân có nhà ở cạnh phải thường xuyên thay phiên nhau đứng trực để quan sát và cảnh báo cho người đi đường.

Ông Tôn Thất Minh (trú phường An Cựu, TP Huế) ở gần tuyến đường ngang đường Lương Văn Can (TP Huế) đã không khỏi ám ảnh khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ông Minh nói, ngành chức năng phải sớm trang bị gác chắn vì nhà cửa ở đây san sát nhau nên mỗi lần người đi xe máy qua đây bị hạn chế tầm nhìn. Nếu không có gác chắn thì địa điểm này sẽ còn xảy ra nhiều vụ tai nạn nữa…

Anh Đinh Văn cho biết, để hạn chế tối đa những vụ tai nạn đáng tiếc, nhiều người dân thường ra túc trực để cảnh báo cho người đi đường. Thậm chí, mỗi lần khi thấy tàu gần đến mà có 2 xe máy cùng mắc kẹt khi qua đường ngang, người dân ở gần đó la lên, chạy ra dắt xe cho người đang qua đường ngang. Có người vẫn cố chạy xe máy qua thì người dân ở cạnh đó chạy ra la lớn để ngăn lại. Tuy nhiên, việc túc trực 24/24h là không thể, do đó mong các cơ quan chức năng cần có biện pháp để giải quyết kịp thời như lắp rào chắn, đèn cảnh báo...

Lãnh đạo UBND phường An Cựu cho biết, tuyến đường Lương Văn Can được hình thành từ xa xưa và đường sắt mới hình thành sau này. Thời gian qua, có nhiều vụ tai nạn xảy ra, địa phương nhiều lần kiến nghị, đề xuất nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Theo lãnh đạo UBND phường An Cựu, trước tình trạng xảy ra các vụ TNGT ở đường ngang, chính quyền địa phương chỉ có cách đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền người dân chú ý khi lưu thông qua điểm giao chứ không thể thực hiện ngay giải pháp khắc phục vì kinh phí quá lớn. Thời gian qua, nhiều hộ dân có nhà ở gần rất tích cực trong việc túc trực, cảnh báo nhắc nhở người tham gia giao thông, qua đó đã góp phần giảm thiểu rất nhiều vụ việc đáng tiếc xảy ra…

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, điểm giao đường Lương Văn Can với đường sắt hiện nay tỉnh đã đưa vào danh sách điểm đen giao thông. Thành phố cũng báo cáo với UBND tỉnh về thực trạng để làm việc với ngành đường sắt nhằm có hướng giải quyết, đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo UBND TP Huế, hồ sơ quản lý, vị trí giao đường sắt và đường bộ là lối đi tự mở cần phải xử lý nâng cấp thành đường ngang hoặc đóng theo lộ trình của ngành đường sắt. Tuy nhiên hiện nay có nhiều người và phương tiện qua lại rất nguy hiểm nên các đơn vị đề xuất tạm thời lắp đèn tín hiệu và chuông cảnh báo khi tàu đến. UBND TP Huế cũng đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam hướng dẫn việc thực hiện.

Theo tìm hiểu, tại Thừa Thiên Huế có khoảng 67 lối đi tự mở giao nhau giữa đường bộ với đường sắt. Mặc dù cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực để nâng cấp hạ tầng, xóa bỏ các lối đi tự mở nhưng đến nay vẫn chưa được dứt điểm. Được biết, năm 2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng ban hành kế hoạch thực hiện việc thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở và các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Theo đó, tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao.

Các lối đi tự mở là các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Lối đi mà hai bên đường sắt đã có đường dẫn ra các tuyến đường bộ hoặc các điểm giao cắt khác. Thu hẹp chiều rộng xuống dưới 3 mét đối với toàn bộ các lối đi tự mở có chiều rộng từ 3 mét trở lên (nếu có). Mục tiêu đến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra vụ nhiều vụ tai nạn đường sắt, trong đó làm chết 3 người. Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang. Qua đó, đã phát hiện 270 trường hợp vi phạm, trong đó 7 phương tiện ôtô và 236 môtô, phạt tiền hơn 100 triệu đồng.

Ông Hồ Quốc Văn, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, trong thời gian tới, để tình hình trật tự ATGT đường sắt được duy trì và giảm sâu, không để TNGT đường sắt xảy ra thì lực lượng Công an tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giao thông. Đồng thời, làm tốt công tác phối kết hợp và khảo sát các bất cập trên tuyến để kịp thời có những kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để khắc phục. Bên cạnh đó, trong mùa mưa bão, lũ lụt, lực lượng CSGT đã chủ động rà soát những điểm sạt lở thường ngập lụt trên tuyến đường sắt để làm tốt công tác phòng ngừa đảm bảo TNGT đường sắt không xảy ra.

Hải Lan
.
.
.