Nhiều công trình "há miệng" chờ đất, cát (bài 1)
Từ Bắc tới Nam, hàng loạt công trình giao thông lớn nhỏ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn vật liệu, cụ thể là cát đắp đường. Điều này đã tác động không nhỏ tới tiến độ dự án.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra, song cũng không ít lo ngại được nhắc đến bởi việc khai thác cát quá trữ lượng có thể dẫn đến việc sạt lở, gây hại tới môi trường. Thậm chí, việc khan hiếm có thể dẫn đến tình trạng dùng vật liệu chưa đạt chất lượng để làm đường.
Địa phương khan hiếm nguồn cung ứng cát
Thông tin từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tổng nhu cầu vật liệu đất, đá, cát cho đắp nền đường 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 là hơn 93 triệu m3, gồm khoảng 27 triệu m³ cát, 48 triệu m³ đất và 18 triệu m³ đá. Tuy nhiên, đến nay, nguồn cung ứng tại các địa phương đang thiếu hụt nghiêm trọng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư, nhà thầu, tình hình cung ứng vật liệu xây dựng cho dự án đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng còn chậm so với yêu cầu.

Cụ thể, với các cao tốc thành phần từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, đến nay, các địa phương đã xác nhận 45/69 mỏ các nhà thầu trình, trong số 45 mỏ đã được xác nhận bản đăng ký, các nhà thầu mới khai thác được 16 mỏ. Đơn cử, tính riêng tổng nhu cầu hơn 18 triệu m³ cát đắp nền đường tại cao tốc thành phần Cần Thơ - Cà Mau, đến nay các địa phương mới chỉ bố trí được gần 1,5 triệu m³.
Trong quá trình thi công, các nhà thầu mới tiếp nhận được gần 0,5 triệu m³ thì các mỏ tạm dừng do bị thu hồi. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư) đã kiến nghị với các địa phương cần đẩy nhanh thủ tục nâng công suất các mỏ đang khai thác để có thể cấp cho dự án ngay trong tháng 9/2023, đảm bảo tiến độ thi công. Để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường của dự án, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các các tỉnh An Giang 7 triệu m3, Đồng Tháp 7 triệu m³, Vĩnh Long 5 triệu m3 để ưu tiên cung cấp cho dự án. Đến nay, các địa phương đã cơ bản xác định được nguồn vật liệu nhưng các thủ tục cấp cho dự án vẫn chậm.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 vùng Thủ đô diễn ra mới đây, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, sau hơn 2 tháng khởi công, 3 dự án thành phần đang thực hiện nhưng gặp khó về nguồn đất, cát. Nhu cầu vật liệu xây dựng dự kiến của toàn bộ dự án trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh là 9,6 triệu m³ đất đắp; 7,5 triệu m³ cát đắp, cát xử lý nền đất yếu.
Tính riêng nhu cầu vật liệu phục vụ dự án thành phần 2.1 (xây dựng đường song hành) và dự án thành phần 3 (xây dựng cao tốc) trên địa phận Hà Nội, cần khoảng 1,8 triệu m³ đất đắp và 5,5 triệu m³ cát. Đến nay, đơn vị tư vấn đã khảo sát tổng số 49 mỏ đất, cát tại một số tỉnh, thành với tổng trữ lượng hơn 130 triệu m3. Tuy nhiên, theo ông Cường, những mỏ ở gần thì chưa thể khai thác do chưa có giấy phép, hoặc sắp đấu giá để khai thác. Hiện các nhà thầu mới sử dụng vật liệu từ 12 mỏ đất đắp và cát đắp nằm ngoài Hà Nội nên chi phí cao so với đơn giá nhà nước.
Cần cơ chế đặc thù để khai thác nguồn vật liệu
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu các đơn vị tập trung cao độ hoàn thành các thủ tục cần thiết để lập danh mục các mỏ vật liệu đất, cát đắp trên địa bàn thành phố bao gồm các mỏ đã có, đã giao và các mỏ mới bảo đảm trữ lượng, đơn giản hóa, rút ngắn tối đa các thủ tục, áp dụng cơ chế đặc thù cho phép chỉ định khai thác theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
Đối với các mỏ đất, cát cần điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để đưa vào khai thác, Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải triển khai thực hiện ngay để kịp trình Thường trực HĐND TP hoặc Kỳ họp HĐND TP trong tháng 9 này, qua đó bảo đảm đầy đủ tính pháp lý. Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý phải tính toán trữ lượng vật liệu đủ cung cấp cho toàn tuyến, bảo đảm giá thành hợp lý. Ông Dũng cũng đề nghị giao Công an TP vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thường xuyên việc thực hiện pháp luật về khai thác khoáng sản tại các mỏ cát, mỏ đất trên địa bàn thành phố, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn khoáng sản, ưu tiên phục vụ cho các công trình trọng điểm quốc gia.
Không chỉ ở Hà Nội, hiện tại, toàn bộ 25 gói thầu xây lắp thuộc 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 đã được tổ chức thi công. Đến nay, giá trị sản lượng hoàn thành đạt gần 8.200 tỷ đồng, đạt hơn 9% giá trị hợp đồng, chậm hơn 1% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vật liệu đắp nền đường. Trong bối cảnh nguồn vật liệu khó khăn, Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung triển khai các hạng mục có giá trị cao và không phụ thuộc vào nguồn đắp như hệ thống cầu, hầm, cống và thi công cuốn chiếu, có công địa đến đâu thi công đến đó, đảm bảo tiến độ.
Nhận định trong giai đoạn trước mắt, nguồn cát sông vẫn là nguồn vật liệu chính cho đắp nền các dự án trong khu vực, Bộ GTVT kiến nghị Ủy ban Kinh tế Quốc hội có ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về nguồn cung cấp vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công các dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn đối với các dự án trọng điểm quốc gia trong việc khai thác nguồn vật liệu xây dựng thông thường cấp cho dự án, Bộ GTVT cũng đề nghị cấp có thẩm quyền báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết hoặc nghiên cứu điều chỉnh Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, theo hướng cho phép giao mỏ trực tiếp để khai thác phục vụ riêng cho dự án, nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản và được phép thu hồi đất đối với các mỏ vật liệu nằm trong hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu để phục vụ thi công công trình trọng điểm.