Mở lại đường bay quốc tế phải thận trọng vì biến chủng Omicron
Trong khi đường bay nội địa đang dần được mở nút thắt thì kế hoạch nối lại một số đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt nói riêng và hàng không trên thế giới nói chung dường như bị "tắc lại" bởi biến chủng COVID-19 mới mang tên Omicron.
Mở đường bay quốc tế với quốc gia nào phải có sự đồng thuận của quốc gia đó
Gần 2 năm bị tạm dừng bay quốc tế, các hãng bay Việt chỉ được phép bay bằng 4 hình thức: Giải cứu công dân, chở chuyên gia, thuê chuyến kèm cách ly và bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Với 4 hình thức này, khách đều phải trả chi phí rất đắt đỏ và phải xin phép bay với rất nhiều thủ tục. Các chuyến bay này thường phải nhận được sự đồng ý của 4 Bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải (GTVT) và mới đây là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (đối với chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế). Các hãng hàng không trong nước hoàn toàn bị động và bị biến thành hãng chở thuê cho các doanh nghiệp khác trên chính đường bay thông lệ của mình.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, do biến chủng mới Omicron nên các quốc gia đều xem xét thận trọng hơn và có đánh giá kỹ việc mở lại bay quốc tế.Vì vậy, theo kế hoạch ban đầu của Bộ GTVT, dự kiến đầu tháng 12 có thể mở một số đường bay nhưng do biến chủng mới, kế hoạch này cần rà soát lại và làm việc với các quốc gia để có phương án cuối cùng.
Tuy nhiên, theo ông Đông, việc mở lại bay quốc tế là nhu cầu thực tế, khách quan và không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước cũng xem xét mở lại bay quốc tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy giao thương, du lịch và đi lại của người dân. Do vậy, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có danh sách các quốc gia dự kiến mở lại. Cụ thể, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc thì có 10 quốc gia khác và chia thành 3 giai đoạn khác nhau, với lộ trình khác nhau. Cùng với đó là tần suất khai thác và biện pháp phòng, chống dịch kèm theo để đảm bảo nhu cầu đi lại của các thị trường đó.
Ông Đông nhấn mạnh, để có kế hoạch cuối cùng và trình lên Thủ tướng xem xét quyết định, Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế để hoàn thiện một cách chi tiết. "Mở đường bay quốc tế với quốc gia nào phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không cũng phải tuân thủ để thực hiện các chuyến bay một cách an toàn", ông Đông nói.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc mở bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt còn để cứu nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài. Hàng không là ngành có sức lan tỏa rất rộng, là cầu nối quan trọng nhất với thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không thể để thế giới sôi động còn mình thì "đóng cửa" mãi được. Cùng đó, các hãng hàng không cho rằng, việc mở bay thương mại quốc tế định kỳ và không buộc cách ly đối với khách sẽ khiến giá vé bay lập tức giảm rất sâu. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho kiều bào, đặc biệt là những người đi làm việc, du học có cơ hội được về nước.
Đồng tình quan điểm đó, các hãng hàng không đề nghị sớm công bố kế hoạch mở bay với các phương án chống dịch rõ ràng, dài hơi để kiều bào cũng như khách bay yên tâm lên kế hoạch bay. Các chuyến bay quốc tế phải đưa lịch bay và mở bán trước ít nhất 6 tháng. Nếu không công bố sớm và không quy định rõ ràng, khách sẽ không đủ thời gian đăng ký bay.
Đề nghị dừng chuyến bay tới 10 quốc gia châu Phi để ngăn chặn biến chủng mới
Trước diễn biến phức tạp của biến chủng Omicron, ngày 4/12, Cục Hàng không đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng. Cụ thể, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Đinh Việt Thắng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép không thực hiện các chuyến bay, bao gồm cả chuyến bay cứu trợ từ 10 quốc gia châu Phi (Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Malawi, Angola và Zambia) đến Việt Nam; cấm nhập cảnh đối với hành khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 30 ngày trước khi vào Việt Nam.
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Y tế để có hướng dẫn cụ thể về kiểm soát y tế đối với hành khách đến từ một số quốc gia đã xuất hiện Omicron như Hàn Quốc, Nhật Bản; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường công tác cách ly y tế, đảm bảo 100% hành khách quốc tế đến từ các quốc gia đã xuất hiện biến chủng Omicron phải cách ly y tế khi nhập cảnh vào Việt Nam. Có ý kiến đề nghị Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện khách đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu hàng không để thông báo kịp thời cho Bộ Y tế, cơ quan y tế của địa phương nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan biến thể này vào nước ta.
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, thế giới đang chạy đua ngăn chặn biến thể mới Omicron. Trong đó các quốc gia như Israel cho biết sẽ cấm nhập cảnh đối với tất cả khách nước ngoài. Liên minh châu Âu (EU) thúc giục 27 nước thành viên hạn chế đi lại tới các quốc gia phía Nam châu Phi. Thực tế, nhiều nước EU đã ra các quyết định tương tự.
Tại khu vực châu Á, từ ngày 3/12, tất cả khách đến Singapore bằng đường hàng không, bao gồm cư dân của nước này và người quá cảnh tại sân bay Changi, sẽ phải tuân thủ quy định xét nghiệm nghiêm ngặt; tạm hoãn triển khai chương trình Làn đi lại dành cho người đã tiêm vaccine với 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Y tế Thái Lan cũng đã đưa ra các hạn chế nhập cảnh với người đến từ Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Từ ngày 1/12, Thái Lan cấm hoàn toàn người nhập cảnh đến từ các quốc gia này. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Campuchia đều đã áp dụng các biện pháp cấm nhập cảnh khách đến từ một số nước châu Phi hoặc những du khách có lịch sử đi qua các quốc gia này trong vòng 3 tuần trước khi vào Campuchia.