Mở lại đường bay quốc tế: Nhu cầu rất lớn nhưng kiểm soát thế nào?

Thứ Năm, 11/11/2021, 06:15

Thông tin trên được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cách nào mở lại đường bay quốc tế an toàn?” diễn ra ngày 10/11. Tham dự buổi tọa đàm, đại diện Cục Hàng không, Cục Lãnh sự, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia cùng thống nhất quan điểm cần sớm mở lại đường bay quốc tế.

Ước tính khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines thông tin, việc mở lại các chuyến bay quốc tế sẽ để phục vụ khách đến đầu tư, giao thương, du lịch…

hrt.jpg -0
Chậm khôi phục đường bay quốc tế, hàng không Việt Nam lo lỡ nhịp thị trường. Ảnh minh hoạ

Nhưng vấn đề được quan tâm nhất là chính sách nhập cảnh, cách ly. Theo ông Trung, chính sách 7 ngày cách ly tập trung, cách ly tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương, còn nếu muốn thu hút khách du lịch, thì phải thay đổi chính sách cách ly.

Vietnam Airlines đề xuất bỏ quy định cách ly 7 ngày đối với những thị trường được đánh giá kiểm soát tốt, tỷ lệ dân cư đã tiêm vaccine cao, khách đã tiêm đủ 2 mũi, có xét nghiệm COVID-19 âm tính trước và sau chuyến bay thì có thể cách ly hoặc cách ly 1 ngày.

Còn đối tượng khách thì nên mở rộng cho tất cả đối tượng khách có visa, hộ chiếu đầy đủ theo quy định, tức là không hạn chế đối tượng khách, từ khách hồi hương, khách chuyên gia, khách doanh nhân, khách du lịch…

Về giá vé, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trả lời, thông thường chuyến bay giải cứu, charter sẽ có chi phí cao hơn, trong khi khách ít hơn. Còn chi phí khi mở chuyến bay thường lệ sẽ giảm hơn, hành khách sẽ có cơ hội mua vé giá rẻ hơn.

Hơn nữa, chuyến bay thường lệ có sự cạnh tranh, lựa chọn, hành khách có quyền chọn vé sớm để hưởng giá vé rẻ hơn, đó là thông lệ. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, từ thực tiễn cách đây 2 tháng, Bộ Ngoại giao có báo cáo, nhu cầu của công dân về nước khoảng 200.000 người, số lượng các chuyến bay combo về cũng rất hạn chế nên có một số khách không thể chờ được các chuyến bay combo, phải đi các chuyến bay du lịch về và phải cách ly 7 ngày, sau đó mới được về.

Nguồn khách 200.000 người khá lớn bởi trước đây chúng ta tính mở đường bay sang Hoa Kỳ khoảng 300.000 khách/năm với rất nhiều đường bay khác nhau. Công tác truyền thông là thông tin những điều kiện cần thiết để khách được lên các chuyến bay, mua các tour du lịch hoặc mua vé để về Việt Nam, sau đó thực hiện các biện pháp cách ly y tế.

Như vậy, chúng ta chắc chắn có khoảng 180.000 – 200.000 khách sẽ tham gia các chuyến bay về Việt Nam. Nếu tạo điều kiện cho bà con là Việt kiều về nước trong dịp Tết Âm lịch sắp tới, với con số có thể gấp đôi. Uớc tính khoảng nửa triệu khách sẽ đến Việt Nam. Lúc này, các khách sạn có đủ điều kiện được cơ quan y tế cấp phép, khách hàng có thể lựa chọn để đăng ký vào ở, với điều kiện đã tiêm đủ 2 mũi.

Đã tiêm vaccine đủ liều, xét nghiệm âm tính là an toàn

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ gia tăng áp lực đối với địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Thời gian cách ly 7 ngày chưa đủ để khẳng định một người nhập cảnh vào Việt Nam có an toàn hay không.

Trước ý kiến này, PGS TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cho rằng: “Nếu khách đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính là tương đối an toàn với người xung quanh. Ông Nguyễn Huy Nga bày tỏ song cho rằng, mở cửa hàng không quốc tế là cần thiết, quan trọng là ngành Y tế phải có sự chuẩn bị. Cần có sự thống nhất giữa Bộ GTVT, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Bộ Y tế… để có có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh.

Liên quan việc cách ly, ở góc độ du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay: “Chúng tôi đã có những chương trình trọn gói, thiết lập “bong bóng du lịch” để du khách nghỉ ngơi trong khuôn khổ đó”.

Cũng tại buổi toạ đàm, GS TS TrầnThọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên tổ Tư vấn của Thủ tướng phát biểu: “Chúng ta không thể chắc chắn bao giờ thì dịch kết thúc. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là nền tảng chống dịch của thế giới cũng như Việt Nam đã và đang được củng cố”.

Vị này dẫn chứng, tại Việt Nam, chúng ta đã trải qua đợt dịch thứ 4. Đợt dịch này có tác động rất lớn về y tế và kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta đã tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Tỷ lệ tiêm vaccine hiện đã đạt hơn 80% tiêm mũi 1, hơn 40% tiêm mũi 2. Như vậy, về nền tảng y tế phòng, chống dịch, chúng ta đã đạt được mức độ tiêm chủng tương đương với các nền kinh tế phát triển.

Với kinh nghiệm của đợt dịch bùng phát thứ 4 vừa rồi, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, hệ thống y tế của ta đã tích luỹ được thêm nhiều kinh nghiệm. Về y tế và năng lực y tế, nhiều nước ở trạng thái như Việt Nam đã và đang mở đường bay quốc tế. Nếu chúng ta chần chừ sẽ chậm chân, sẽ lỡ nhịp khi thị trường hàng không quốc tế đã hồi phục.

Đặng Nhật
.
.
.