Kiến nghị tháo gỡ một số vướng mắc trong dự án cao tốc qua Phú Yên

Chủ Nhật, 09/07/2023, 06:28

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía ở Đông, giai đoạn 2021-2025 qua địa phận tỉnh Phú Yên có tổng chiều dài 90,12km đi qua 24 xã, phường thuộc các huyện Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa, thị xã Sông Cầu, Đông Hòa và TP Tuy Hòa.

Với hai dự án thành phần, gồm: Quy Nhơn - Chí Thạnh dài 42km do Ban QLDA 85 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư và Chí Thạnh - Vân Phong dài 48km do Ban QLDA 7 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Điểm khởi đầu nằm ở phía Nam hầm đường bộ Cù Mông và điểm cuối ở đầu đường dẫn phía Bắc hầm đường bộ Đèo Cả.

Ngoài 7 nút giao liên thông, trên tuyến cao tốc qua Phú Yên còn có 48 cây cầu, 62 hầm chui và 1 công trình hầm đường bộ Tuy An dài 1.020m qua địa phận xã An Cư, huyện Tuy An. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn tuyến 20.848 tỷ đồng.

caotoc1.jpg -0
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cùng Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT kiểm tra mỏ cát Phước Mỹ Đông phục vụ dự án cao tốc qua địa phận Phú Yên.

Từ đầu tháng 1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) do Bí thư Tỉnh ủy đảm trách Trưởng ban, UBND tỉnh Phú Yên cũng thành lập Ban chỉ đạo 319 triển khai xây dựng kế hoạch GPMB bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo ông Huỳnh Gia Hoàng - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên, tổng diện tích đất sử dụng cho dự án 727ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 86,73%, đất nhà ở và đất khác 13,27%. Đến đầu tháng 7/2023, các địa phương trên tuyến đã hoàn thành việc kiểm kê, kiểm đếm đất đai, nhà ở, cây trồng, vật kiến trúc… trong vùng dự án.

Theo đó có 5.184 hộ gia đình bị ảnh hưởng, dự kiến 377 hộ gia đình phải di dời đến 12 khu tái định cư, 2.844 ngôi mộ đã được cải táng. Các địa phương trên toàn tuyến cũng đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án được 85,41km, đạt 94,77%.

Trong di dời hạ tầng kỹ thuật, đến nay có 5/6 huyện, thị xã, thành phố chưa hoàn thành việc di dời lưới điện 110kV, 220kV ảnh hưởng GPMB, do thời gian dự kiến thẩm định hồ sơ thiết kế với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương kéo dài hơn so với dự kiến, một số trụ tải điện nằm trong hành lang đường bộ cao tốc nên phát sinh thủ tục, đến ngày 5/5, Bộ GTVT mới có văn bản ủy quyền cho Ban QLDA 85 và Ban QLDA 7 có ý kiến chấp thuận phương án di dời để các địa phương lập hồ sơ thiết kế, thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Đề cập đến việc xây dựng khu tái định cư, Sở GTVT Phú Yên cho biết, 12 khu tái định cư đều được phê duyệt hồ sơ thiết kế, giá đất, đánh giá tác động môi trường, nhưng đến nay chỉ mới có 5 khu tái định cư ở hai huyện Tây Hòa, Phú Hòa hoàn thành khối lượng xây lắp, tiến hành giao đất cho người dân xây dựng nhà ở. 7 khu tái định cư còn lại ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa còn khó khăn về nguồn đất đắp và thủ tục giải quyết việc hoán đổi đất của các hộ gia đình bị ảnh hưởng.

"Tổng kinh phí đền bù GPMB, tái định cư trên toàn tuyến cao tốc qua địa phận tỉnh Phú Yên khoảng 1.948 tỷ đồng, trong đó kinh phí di dời công trình hạ tầng kỹ thuật 560,8 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư 286 tỷ đồng và đền bù GPMB 1.101 tỷ đồng. Toàn bộ dự toán kinh phí đều được cấp, đến nay đã chi trả gần 708 tỷ đồng. Nguyên nhân chi trả chậm là do việc triển khai thi công các khu tái định cư và di dời lưới điện chưa đảm bảo tiến độ kế hoạch" - ông Huỳnh Gia Hoàng cho biết.

Một trong những nhu cầu cấp thiết trong thi công xây dựng tuyến cao tốc là nguồn vật liệu cần có cho hai dự án thành phần khoảng 7 triệu m3 đất, 2,1 triệu m3 cát và 2,5 triệu m3 đá. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 42 mỏ khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường, đến nay cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hồ sơ 8 mỏ khoáng sản đăng ký cung cấp nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án. 4 gói thầu tại 2 dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong đã và đang huy động tối đa nguồn nhân lực, thiết bị kỹ thuật, xe cơ giới chuyên dụng… triển khai 69 mũi thi công nền đường, cầu và hầm đường bộ.

Trong đó hệ thống hầm đường bộ do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Tổng Công ty Thăng Long, Tổng Công ty xây dựng Lũng Lô, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc và Công ty CP xây dựng - dịch vụ thương mại 68 đảm trách thi công…

Tại buổi làm việc chiều 6/7 với Tổ công tác số 2 của Bộ GTVT do Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đảm nhiệm, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên cho biết, địa phương đã và đang tập trung phối hợp các cơ quan chức trách khắc phục khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, khoáng sản để đảm bảo nguồn vật liệu, bãi thải phục vụ dự án... theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/02/2022. Tuy nhiên, do vấp phải một số vướng mắc nên UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ GTVT quan tâm tháo gỡ, giải quyết 3 vấn đề.

Cụ thể là báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có cơ chế đặc thù rút ngắn trình tự thủ tục, thời gian cấp phép các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; có cơ chế đặc thù hoặc sửa đổi quy định việc bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương khi quỹ đất ngày càng thu hẹp.

Cùng với việc ghi nhận để báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị nêu trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đề nghị UBND tỉnh Phú Yên sớm giải quyết các thủ tục liên quan để hoàn tất hồ sơ và đưa các mỏ VLXD vào khai thác; kiểm soát giá bán VLXD, giải quyết dứt điểm một số tồn tại về giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật…

Hữu Toàn
.
.
.