Hoạt động vận tải liên tỉnh chính thức trở lại: Nhiều rào cản phía trước
Bắt đầu từ 13/10, vận tải khách liên tỉnh chính thức khởi động trở lại theo hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để thí điểm từ ngày 13 đến 20/10. Dù đã có hướng dẫn thống nhất, song thực tế không phải tỉnh nào cũng thực hiện theo, thậm chí có tỉnh còn có những quy định khắt khe hơn.
Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên (Quảng Ninh) cho biết, sau hơn 5 tháng tạm dừng, doanh nghiệp mong ngóng từng ngày để hoạt động trở lại và đã sẵn sàng về nhân lực, phương tiện.
Tuy nhiên, ông Xuyên chia sẻ, doanh nghiệp mừng ít và lo nhiều. Lo nhất là các quy định khác nhau về phòng, chống dịch của các địa phương nơi đầu bến và cuối bến. Ngay tại tỉnh Quảng Ninh, các huyện thị đã có cách kiểm soát dịch khác nhau, chưa nói đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là Hà Nội, nơi mà các tuyến vận tải của công ty hoạt động chủ yếu.
“Mở lại vận tải nhưng có một vài ca, địa phương lại đóng cửa sẽ cắt đứt hoạt động vận tải khách”, ông Xuyên bày tỏ. Tương tự, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng cho rằng, phương tiện và nhân lực không phải là mối lo của doanh nghiệp.
Quan trọng nhất là tính ổn định của các biện pháp phòng, chống dịch. Khởi động lại, doanh nghiệp phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng nếu được vài hôm mà xuất hiện ca nhiễm, tỉnh nào đó lại dừng hoạt động thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Trước mắt doanh nghiệp chỉ thí điểm với quy mô số chuyến nhỏ tuyến Hà Nội - Hải Phòng.
Ông Hải cho rằng, hai địa phương đầu và cuối tuyến cần có quy định rõ ràng, thống nhất trong việc có hay không yêu cầu cách ly đối với hành khách. Địa phương đầu tuyến thông thoáng nhưng nơi tiếp nhận lại đưa ra các điều kiện khắt khe, vận tải liên tỉnh sẽ khó thực hiện.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến nay, 7 Sở GTVT đã được UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục vận tải, gồm: Điện Biên, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình. Ngay trong ngày 13/10, các tuyến của 6 tỉnh: Đồng Nai, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Trị, Quảng Bình, Ninh Bình đã hoạt động trở lại.
Cùng đó, 14 Sở GTVT đang chờ UBND tỉnh đồng ý với kế hoạch khôi phục lại các tuyến. Với TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh có chủ trương cho Sở chủ động mở các tuyến và Sở GTVT cũng đồng ý mở hết các tuyến. Hiện nay Sở GTVT Hồ Chí Minh chỉ chờ các Sở đầu đối lưu có văn bản thống nhất và gửi về Sở để cùng khai thác. Riêng TP Hải Phòng đã chạy các tuyến Thái Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn (trừ Văn Lãng), Hà Nam (trừ Phủ Lý), Nam Định (trừ Hải Hậu), Ninh Bình (trừ Kim Sơn), Hòa Bình (trừ Lương Sơn).
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: Nhu cầu đi lại liên tỉnh bình thường hiện đang cấp thiết. Người dân, doanh nghiệp đang rất mong mỏi vận tải khách tuyến cố định được hoạt động trở lại. Các Sở GTVT cần chủ động đề xuất với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương, lập phương án để sớm triển khai hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT, làm sao từ ngày 13 đến 20/10, tổ chức thí điểm được một số tuyến theo kế hoạch. Trước mắt thí điểm chọn một số tuyến dễ đi từ vùng xanh đến vùng xanh làm trước, sau đó thí điểm từ vùng xanh đến vùng đỏ. Từ kết quả này từng bước mở dần vận tải. Việc tổ chức vận tải, lựa chọn doanh nghiệp, bến xe do Sở GTVT các tỉnh, thành phố quyết định.
Nói là thế, song như Hà Nội, Thủ đô của cả nước, nơi được người dân mong ngóng nhiều nhất, mà đến đầu giờ chiều ngày 13/10, lãnh đạo thành phố vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng là khi nào cho hoạt động vận tải khách hoạt động trở lại.
Dù trước đó, ngày 12/10, Sở GTVT Hà Nội đã trình lên phương án mở lại vận tải hành khách liên tỉnh từ ngày 13/10 (đi/đến các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên). Tổng số chuyến bằng 5% số chuyến của các đơn vị hoạt động trên tuyến theo biểu đồ đã được Sở GTVT công bố. Thời gian thực hiện đến ngày 20/10/2021.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, các tuyến vận tải từ Hà Nội đi các tỉnh chiếm số lượng và tần suất chạy xe lớn. Hà Nội không khôi phục lại vận tải khách liên tỉnh đồng nghĩa với 70% số tuyến vận tải khách liên tỉnh khu vực phía Bắc “đóng băng”. Các tuyến hoạt động được đều không phải là tuyến chủ đạo lưu lượng xe thấp.
Trong sáng 13/10, chỉ có các tuyến nối Thái Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Bộ, các tỉnh đồng bằng nối với Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn là hoạt động được 30% tần suất số chuyến xe của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số tỉnh Tây Bắc nối về các vùng xanh đồng bằng vẫn còn đang “ngập ngừng” chưa tổ chức được vận tải khách liên tỉnh. Hà Nội đang có sự thận trọng quá mức.
"Chính phủ sớm chỉ đạo Hà Nội mở lại các tuyến vận tải khách liên tỉnh. Nếu thực hiện đầy đủ các quy định phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ GTVT, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất thấp vì đa số các tỉnh đều là vùng xanh. Các tuyến từ miền Nam ra Hà Nội có thể lùi lại một bước", ông Quyền nói.