Hàng nghìn dự án chậm tiến độ - Vì sao?
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 có 1.878 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,7% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ (gồm có 49 dự án nhóm A, 502 dự án nhóm B, 1.327 dự án nhóm C). Trong đó có 1.267 dự án chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng, 337 dự án chậm do thủ tục đầu tư, 248 dự án chậm tiến độ do bố trí vốn không kịp thời, 157 dự án chậm do năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và 545 dự án chậm do các nguyên nhân khác.
Từ báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào cuộc kiểm toán chi tiết hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư của các dự án thì thấy tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm, tuy nhiên chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ nguyên nhân để xử lý.
Một số tỉnh thực hiện thanh toán sai đơn giá, khối lượng dự án
Cụ thể, ở nhiều dự án KTNN cũng chỉ ra rằng, công tác nghiệm thu, thanh toán còn sai khối lượng, đơn giá, định mức, bù giá thiếu cơ sở hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ như Dự án nâng cấp quốc lộ 30, đoạn Cao Lãnh-Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp; đơn giá thanh toán không đúng thực tế thi công như Dự án Hồ chứa nước Mỹ Lâm, tỉnh Phú Yên; Dự án Đập ngăn mặn Sông Hiều, tỉnh Quảng Trị (Bộ NN&PTNT) thi công đắp đất mặt bằng K95 nhưng thanh toán theo đơn giá đắp cát mặt bằng K90; thanh toán vượt cơ cấu tổng mức đầu tư như Dự án xây dựng đường giao thông liên kết các vùng phát triển kinh tế xã hội phía Đông tỉnh Hà Giang giáp tỉnh Cao Bằng.
Tương tự, tại thành phố Đà Nẵng có tới 10 dự án đã tạm ứng lần đầu 433,6 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tạm ứng lần thứ hai 1.123,3 tỷ đồng dẫn tới vượt mức tạm ứng đã quy định trong hồ sơ mời thầu và điều khoản hợp đồng đã ký kết.
Còn tại tỉnh Hải Dương, kết quả kiểm toán cũng điểm tên Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Nam đường Việt Hòa, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương phát hành hồ sơ mời thầu, ký kết hợp đồng thi công và tạm ứng cho nhà thầu số tiền 7,2 tỷ đồng khi chưa bảo đảm được điều kiện bàn giao mặt bằng thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu, dẫn đến việc tiền tạm ứng không được sử dụng cho công trình.
Tại Hà Nội, kết quả kiểm toán cũng làm rõ việc Dự án đầu tư xây dựng Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội (Đoạn tuyến đi trùng Đại lộ Đông – Tây Khu tổ hợp Yên Bình và cầu vượt sông Cầu) (tỉnh Thái Nguyên) cùng một số dự án, gói thầu chậm hoặc chưa xuất hóa đơn GTGT khối lượng đã nghiệm thu.
Dự án sử dụng vốn ODA cũng đầy lỗi…
Qua kiểm toán một số dự án sử dụng vốn ODA, cơ quan kiểm toán cũng nhận thấy Hiệp định quy định vay vốn còn có điều khoản làm hạn chế sự tham gia của những nhà thầu có năng lực trong nước. Điển hình như Dự án hệ thống cấp thoát nước đô thị huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La quy trình thu mua nêu rõ: “các nhà thầu tư vấn, cung cấp hàng hoá và dịch vụ phải là công dân của Cộng hoà Hàn Quốc hoặc pháp nhân được thành lập và đăng ký ở Hàn Quốc”.
UBND tỉnh Sơn La phê duyệt Chủ dự án khi chưa có thông báo chính thức danh mục tài trợ. Cũng tại dự án này, tỉnh Sơn La đã phê duyệt dự án không cụ thể cơ cấu nguồn vốn; không xem xét sự kết nối với dự án khác dẫn tới trong quá trình thi công phải cắt giảm hạng mục, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, ở Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, KTNN phát hiện ra vấn đề xác định tổng mức đầu tư chưa phù hợp dẫn đến bỏ qua tiêu chí công trình quan trọng quốc gia và bao gồm một số chi phí có tính chất chi thường xuyên sử dụng vốn vay chưa phù hợp quy định; Nghiệm thu, thanh toán các hạng mục công việc thuộc các gói thầu khi chưa tuân thủ đầy đủ các điều khoản quy định của hợp đồng; Hạch toán vào chi phí đầu tư phí cam kết, lãi vay đối với phần ngân sách nhà nước cấp phát là chưa đúng quy định với số tiền 127,389 tỷ đồng.
Chưa dừng lại, tại Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, kiểm toán vào cuộc nhận thấy, tỷ lệ giải ngân vốn vay WB thực tế so với Kế hoạch sử dụng tính đến 30/9/2020 chỉ đạt 20,48%; ký thỏa thuận vay lại chậm; chưa thực hiện ghi thu - ghi chi theo quy định.
Hay như Dự án Thu gom và xử lý nước thải thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa thực hiện ghi thu - ghi chi phần vốn ODA viện trợ không hoàn lại 23,818 tỷ đồng đã giải ngân cho dự án theo quy định. Tổ chấm thầu gói thầu xây lắp chỉnh sửa khối lượng, đơn giá trong Hồ sơ thầu không phù hợp với Hồ sơ mời thầu làm tăng giá trị gói thầu.
Quay trở lại Dự án hệ thống cấp thoát nước đô thị huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, dự án sử dụng vốn ODA, tổ chấm thầu đánh giá đề xuất mục II.1 và III.2 của các nhà thầu (không có khối lượng và đơn giá trong Hồ sơ dự thầu), nhưng đã chỉnh sửa làm tăng giá trị của đơn giá dự thầu lên 5.000USD và 2,3 tỷ đồng và sau đó là tăng giá trị hợp đồng lên 3.070USD và 1,8 tỷ đồng tại công việc Chi phí liên quan đến biện pháp xây dựng và Hoàn thành hồ sơ…
Ngoài ra, qua kiểm toán công tác lựa chọn nhà thầu tại một số dự án cho thấy còn một số hạn chế sau: Không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư trước khi thực hiện; lựa chọn nhà thầu chậm; chỉ định thầu khi chưa có kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chưa có dự toán được duyệt; hồ sơ mời thầu (hồ sơ yêu cầu) nêu rõ yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa; chỉ định thầu, phân chia gói thầu không đúng quy định; chậm hoặc không đăng tải thông tin về đấu thầu; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa đảm bảo lộ trình, thậm chí không đấu thầu qua mạng; nhà thầu trúng thầu không đủ năng lực theo hồ sơ yêu cầu...