Hà Nội: Các chuyên gia bàn giải pháp ứng xử với xe hợp đồng

Thứ Sáu, 14/06/2024, 05:19

Chiều 13/6, Báo Giao thông đã tổ chức buổi tọa đàm ứng xử thế nào với xe hợp đồng. Tại đây, nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế, Hiệp hội Vận tải ôtô đã làm rõ hoạt động của loại hình xe hợp đồng vận tải hành khách cũng như đưa ra một số giải pháp, hướng đi rõ hơn cho vận tải hành khách liên tỉnh trong thời gian tới.

Các phương tiện vận tải gia tăng nhanh chóng

Trong những năm qua, các phương tiện kinh doanh vận tải gia tăng nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2013, cả nước có tổng số 121.897 phương tiện kinh doanh vận tải thì đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải là 921.333 xe, tăng gấp 7,5 lần. Trong số 331.914 xe khách có 17.537 xe tuyến cố định, 225.264 xe hợp đồng, 4.717 xe du lịch, 74.222 xe taxi, 8.757 xe buýt và 1.417 xe trung chuyển.

Theo các chuyên gia, với số lượng xe hợp đồng chiếm đến gần 70% tổng số xe khách, loại hình vận tải này đang đóng vai trò rất lớn trong vận chuyển, luân chuyển hành khách, được nhiều người dân lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều tranh cãi về khái niệm, quy định hoạt động của loại xe này dẫn đến lượng lớn xe hợp đồng đang được gọi bằng những cái tên như: Xe trá hình tuyến cố định, xe hợp đồng trá hình.

xe hd.jpg -0
Tính đến hết năm 2023, số xe kinh doanh vận tải trên cả nước là hơn 920.000 xe.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, trong kinh tế thị trường, người sử dụng dịch vụ sẽ là người quyết định xu thế phát triển của các loại hình dịch vụ. Do đó, dễ hiểu vì sao loại hình dịch vụ xe hợp đồng phát triển rất mạnh trong thời gian ngắn, đó là nhờ sự đón nhận rộng rãi của người sử dụng dịch vụ. Theo ông Quyền, nên đưa loại hình kinh doanh này vào khuôn khổ pháp lý để quản lý, tạo điều kiện cho ngành Vận tải phát triển theo hướng ngày một nâng cao chất lượng dịch vụ. Nhờ có khoa học công nghệ, các đơn vị vận tải đưa ra hình thức kinh doanh mới đáp ứng sự mong đợi của người dân, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề tính bình đẳng trong cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định và kinh doanh theo tuyến xe hợp đồng chưa được định danh rõ. Trong khi quản lý tuyến cố định quá chặt trong khi quản lý với xe hợp đồng còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự bình đẳng. Ngoài ra, một số người cũng lo ngại liệu những người hoạt động theo xe hợp đồng đã đóng thuế như thế nào.

Cùng quan điểm với ông Quyền, GS.TS, Nhà giáo Ưu tú Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Cao cấp Trường Đại học GTVT cho biết: “Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy hành khách có tiêu chí, yêu cầu để lựa chọn dịch vụ. Trong khi với xe tuyến cố định lại có quy định rõ phải xuất phát từ bến đến bến. Các bến quá xa khiến hành khách mất thời gian, tiền bạc đi lại”. Thời gian đi xe buýt từ nhà ra bến có khi bằng thời gian tới Hải Phòng. Ở các thành phố trên thế giới như Manchester, người dân chỉ cần đi bộ 300-400m ra bến xe. Họ chủ yếu đi làm bằng tàu điện ngầm nhanh chóng, kịp thời. Do đó, nếu xét về mặt ngữ nghĩa, có thể thấy việc kinh doanh hợp đồng và xe cố định không lành mạnh. Hiện nay, các bến xe quá lớn rộng, đẹp và khang trang, cần phải chuyển đổi mục đích, đa dạng hóa chức năng. Còn với xe hợp đồng, nên có thêm khái niệm mới. Hiện tại, trên thế giới không có loại hình này nên không thể nghiên cứu kinh nghiệm trên thế giới.

An toàn là vấn đề sống còn của doanh nghiệp vận tải

Trước câu hỏi có thật sự hành khách đi xe hợp đồng không có vé sẽ không được bồi thường bảo hiểm khi xảy ra sự cố hay không? Ông Vũ Ngọc Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lữ hành Sơn Hải cho biết, Luật Dân sự năm 2015 quy định các hợp đồng giữa hành khách và đơn vị cung cấp dịch vụ bằng các hình thức khác nhau được gọi là hợp đồng dịch vụ. Do đó, dù có vé hay không thì hành khách đều có bảo hiểm theo quy định giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng lại đưa ra quan điểm, loại hình xe hợp đồng cùng các loại hình xe khác đều là kinh doanh có điều kiện. Để đáp ứng việc phát triển của doanh nghiệp, vấn đề sống còn luôn đặt lên hàng đầu là đảm bảo an toàn.  Doanh nghiệp nào để mất an toàn giao thông sẽ phải chịu những hậu quả rất lớn. Do đó, ngoài những quy định bắt buộc, doanh nghiệp gần như vẫn luôn chủ động đầu tư để đảm bảo tối đa an toàn giao thông, cụ thể như đầu tư trong tuyển dụng, tuyển chọn lái xe tốt nhất để đảm bảo vận hành tốt, nâng cấp chất lượng vận tải.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá VCCI cũng có nhiều ý kiến về cơ chế quản lý với xe hợp đồng. Vị này cho rằng các quy định hiện hành chưa phù hợp, có những cản trở hoạt động của xe hợp đồng. Hiện nay, với các loại hình kinh doanh vận tải, các quy định theo hướng chia thành các loại hình vận tải. Mục tiêu của cơ quan quản lý chỉ là phân loại xe hợp đồng hay tuyến cố định. Bản chất xe hợp đồng là linh hoạt, có thể thỏa thuận điểm đón trả, giá tiền… nên nếu quản lý giống xe tuyến cố định sẽ không còn là bản chất của xe hợp đồng.

Bày tỏ thêm về quan điểm tại tọa đàm, ông Khúc Hữu Thanh Hải thẳng thắn: “Đã đến lúc, loại hình “xe hợp đồng” hiện nay cần có một tên gọi và định danh đúng nghĩa. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi thấy rằng, loại hình vận tải xe hợp đồng hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu của hành khách khi mô hình bến xe, xe khách tuyến cố định dần trở nên không phù hợp, cách quá xa trung tâm, thiếu điểm đón trả khách khu vực nội đô. Thậm chí, hành khách đi ngoại tỉnh cũng rất khó tìm thông tin lộ trình ở các bến xe. Với xe hợp đồng, nhờ công nghệ phát triển, người làm vận tải và hành khách có thể kết nối chỉ bằng click chuột. Xe hợp đồng cũng chưa bao giờ có chuyện bị chèo kéo, ép giá mỗi dịp lễ, Tết. Một loại hình vận tải tốt như thế, chúng ta không nên tìm phương án để trói buộc lại như phải đưa vào bến để quản lý. Thực tế, hiện tại cũng chưa có thống kê nào đánh giá các bến xe có khả năng đáp ứng khi đưa xe hợp đồng vào bến hay không. Nên chăng chúng ta cần có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý, để các doanh nghiệp kinh doanh bình đẳng theo đúng mô hình”.

Còn ông Lê Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH X.E Việt Nam thì hiến kế: “Nếu trong quy hoạch của thành phố có thể bố trí thêm các bến tạm, ở sâu khu vực trung tâm nội thành thì đây là điều kiện thuận lợi cho các loại hình vận tải, không chỉ xe cố định hay xe hợp đồng. Nhưng song song đó có rất nhiều vấn đề nảy sinh như quỹ đất, vị trí, quy hoạch đô thị, ảnh hưởng cục bộ tới vị trí điểm đón. Do vậy, theo tôi, giải pháp này khó khả thi. Vấn đề cần nhất là phát huy sự chủ động của doanh nghiệp. Khi họ đầu tư hàng trăm tỷ, họ chắc chắn sẽ có trách nhiệm với chính mình. Vì vậy, tôi đề xuất nghiên cứu đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng điểm đón trả khách để doanh nghiệp phục vụ cho chính họ hoặc các đơn vị liên kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Từ đó, vừa giải quyết được cái khó của doanh nghiệp, đồng thời cơ quan quản lý kiểm soát được mật độ xe về trật tự đô thị, ATGT”.

Cuối buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Cục Đường bộ Việt Nam nêu quan điểm, quá trình xây dựng các văn bản, quy định, quan điểm của Cục Đường bộ Việt Nam đều hướng tới tăng cường quản lý chứ không cấm, luôn khuyến khích xe hợp đồng vận chuyển học sinh, công nhân, đám cưới… phải phát triển và kinh doanh đúng quy định của pháp luật để tạo thuận lợi cho người dân. Sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT được thông qua, các quy định sẽ tiếp tục được thay đổi và điều chỉnh theo hướng quản lý chặt chẽ hơn, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho các loại hình kinh doanh vận tải, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý trong quá trình kiểm tra vi phạm. Cùng đó, khi các văn bản có hiệu lực, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan quản lý ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, xử lý các xe không tuân thủ quy định của pháp luật.

Phạm Huyền
.
.
.