Dày đặc trạm thu phí, người dân lãnh đủ

Thứ Năm, 27/08/2015, 08:46
Tình trạng thiếu quy hoạch và tầm nhìn theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay, các dự án BOT về hạ tầng giao thông đang “đua nhau” tại các địa phương trên cùng một tuyến đường khá ngắn mọc lên rất nhiều trạm thu phí, không chỉ gây thêm gánh nặng về chi phí vận chuyển mà còn làm TTATGT thêm rối rắm…

TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… hiện đang có khoảng 40 trạm thu phí. Riêng TP Hồ Chí Minh có 6 trạm đang hoạt động (có 4 trạm thu phí hoàn vốn đầu tư theo hợp đồng BOT và 2 trạm thu phí phục vụ công tác bảo trì công trình). Dự kiến năm 2016 sẽ lập thêm 4 trạm thu phí trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2), trạm thu phí xây dựng công trình nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, trạm thu phí dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và trạm thu phí dự án nâng cấp mở rộng QL22.
Trạm An Sương- An Lạc dự kiến thu đến năm 2033…

Theo quy hoạch mạng lưới các trạm thu phí để hoàn vốn cho các dự án giao thông đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 6 trạm thu phí gồm: Cao tốc Bến Lức - Long Thành, QL22 (tại huyện Củ Chi), Tỉnh lộ 15 (huyện Hóc Môn), Đường Vành đai 3, hầm Thủ Thiêm và trạm thu phí Khu công nghiệp Phú Hữu (quận 9).

Tương lai từ năm 2020-2025 có thêm 7 trạm thu phí gồm: cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và 5 trạm thu phí nằm trên những tuyến đường trên cao qua địa bàn các quận 1, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Hệ thống trạm thu phí sẽ không giảm đi mà sẽ tăng nhiều hơn theo quy hoạch.

Với 6 trạm thu phí hiện hữu của TP Hồ Chí Minh gồm: trạm Xa lộ Hà Nội (quận 9 và quận Thủ Đức) thu để hoàn vốn đầu tư dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc dự kiến đến năm 2045. Trạm cầu Bình Triệu hoàn vốn cho phần 1 (giai đoạn 2) dự án đầu tư xây dựng cầu Bình Triệu tuy đã hết thời hạn từ ngày 7/7/2015 nhưng vẫn hoạt động kéo dài đến năm 2032 để thu phí hoàn vốn giai đoạn 2 của dự án. Còn trạm An Sương- An Lạc dự kiến thu đến năm 2033… Bên cạnh đó, tại các trục đường chính của các tỉnh ra vào cửa ngõ thành phố còn có 9 trạm thu phí nằm trên QL1K, QL13, QL51, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ có quy định: khoảng cách giữa hai trạm thu phí trên cùng một tuyến đường là 70km. Trong trường hợp không đảm bảo tối thiểu 70km đối với Quốc lộ thì trước khi xây dựng trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất với UBND cấp tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính quyết định.

Trên thực tế, quy định này không được áp dụng cùng với nhiều bất cập. Minh chứng như: Trạm thu phí Rạch Chiếc nằm trên Xa lộ Hà Nội, thuộc quận 9 - quận Thủ Đức nằm trên trục đường kết với QL1A chỉ cách trạm thu phí cầu Đồng Nai tại Tân Vạn nằm trên QL1A khoảng 15km. Từ trạm thu phí cầu Đồng Nai đến trạm thu phí An Sương - An Lạc (cũng trên QL1A) cách nhau hơn 30km. Vô lý hơn nữa là, vào ngày 7/6/2008 Tổng Công ty Xây dựng số 1 chủ đầu tư dự án cầu Đồng Nai đã tổ chức thu phí cầu Đồng Nai tại trạm Sông Phan (Bình Thuận). Chưa kể đến trạm thu phí cầu Đồng Nai chỉ cách trạm thu phí đường tránh TP Biên Hòa (nay là đường Võ Nguyên Giáp chỉ khoảng 40km).

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, khoảng cách giữa các trạm thu phí cách nhau 70km/trạm không còn phù hợp nữa. Sắp tới Tổng cục Đường bộ sẽ kiến nghị Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính bỏ quy định khoảng cách tối thiểu 70km giữa hai trạm thu phí trên một tuyến đường. Do đầu tư xây dựng cầu đường giao thông bằng hình thức BOT, không có ngân sách hỗ trợ sẽ có một số trạm không thể đạt được khoảng cách đó.

Do trạm thu phí mọc lên dày đặc, bủa vây khắp nơi nên các doanh nghiệp vận tải, kinh doanh vận tải tốn kém tăng thêm nhiều cước vận tải, chi phí. Nếu trùng với giá nhiên liệu xăng dầu, nhớt tăng cao thì người dân và doanh nghiệp vận tải lãnh đủ vì giá cước tăng lên. Tài xế Lê Nhất Trung, lái xe tải 10 tấn kể lại: Tôi chở hàng đi từ TX Dĩ An (Bình Dương) về huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), đầu tiên mua phí trạm Bình Thưng 20.000 đ/lượt vừa chạy được mấy cây số lại phải mua phí trạm Bình Thắng (TX Dĩ An) giá 10.000đ/lượt, đến trạm Tân Vạn cầu Đồng Nai mua tiếp phí giá 60.000đ/lượt. Tiếp đến trạm T1 (xã Tam Phước, TP Biên Hòa) mua phí 80.000 đ/lượt… Vị chi tổng cộng 170.000 đồng cho một chiều đi trong khoảng cách 30km với 4 trạm thu phí.

Nhiều tài xế còn nói đùa, đi từ Đồng Nai qua Bình Dương, tài xế móc tiền mua phí… mỏi tay. Điển hình như: tuyến đường ĐT743 nối TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tới giao lộ nối cầu Hóa An (TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã có 3 trạm thu phí cùng với các tuyến nối QL1A, QLIK đều có trạm thu phí nằm sát sàn sạt nhau.

Tuyến đường ĐT741 từ Bình Dương đi Bình Phước có 3 dự án BOT với 4 trạm thu phí (tỉnh Bình Dương 1 trạm và Bình Phước 3 trạm). Cá biệt, chỉ một đoạn đường dài 5km từ ngã ba Tân Vạn (TP Biên Hòa, Đồng Nai) về thị trấn Tân Uyên (Bình Dương) đã có 5 trạm thu phí, bình quân cứ 1km/trạm. Còn lưu thông từ TP Vũng Tàu về TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) phải qua 8 trạm thu phí.

Trạm thu phí quá nhiều không chỉ gây tổn hại về chi phí cho DN và người dân, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe, mất trật tự an toàn giao thông.

Hoàng Châu
.
.
.