Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ thông tuyến vào cuối năm 2023
Ngày 17/11, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng Đoàn công tác đã làm việc với các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp và An Giang về nguồn vật liệu cát đắp nền cho Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Cà Mau và kiểm tra thực tế cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, khối lượng thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã đạt khoảng 80% thiết kế. Dự án đang trong giai đoạn nước rút, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2023.
Các nhà thầu đang tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị thi công hạng mục thảm nhựa mặt đường, lắp đặt hệ thống an toàn giao thông, thi công đường gom dân sinh, hoàn thiện các cầu trên tuyến chính và cầu vượt…
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, các nhà thầu đang gấp rút triển khai thi công các hạng mục còn lại nhưng hiện còn thiếu hơn 90.000 m3 cát đắp nền. Tỉnh Vĩnh Long và An Giang xem xét hỗ trợ nguồn vật liệu cát phục vụ thi công dự án ngay trong tháng 11/2023. Cụ thể cát từ mỏ Vàm Vũng Liêm 5 (tỉnh Vĩnh Long) khoảng 80.000m3 và từ dự án nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao (tỉnh An Giang) khoảng 44.000m3.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh thời gian hoàn thành dự án còn ít trong khi khối lượng công việc còn nhiều. Ban QLDA Mỹ Thuận tập trung tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các nhà thầu cần tập trung nhân lực, nguồn tài chính, vật tư, thiết bị, tập trung tổ chức thi công 3 ca - 4 kíp, thi công ban đêm, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công trình hoàn thành vào cuối năm 2023.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, phía Đông giai đoạn 2021-2025, đến nay các nhà thầu đã tổ chức 140 mũi thi công, huy động 440 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.072 kỹ sư và công nhân.
Sau hơn 11 tháng khởi công, sản lượng thi công chỉ đạt 13% giá trị hợp đồng, do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công các hạng mục cầu trên tuyến, đắp bờ bao và thi công đường công vụ, cầu tạm. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời nên khó khăn trong việc tiếp cận để di chuyển thiết bị vào thi công.
Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của dự án cần khoảng 18,5 triệu m3. Trong đó, khối lượng cát đắp đến cao độ cắm bấc thấm là 6,2 triệu m3, đã thi công được khoảng 1,2 triệu m3, còn lại 5 triệu m3 và dự kiến hoàn thành 31/3/2023. Khối lượng cho giai đoạn đắp gia tải là 12,3 triệu m3 và dự kiến hoàn thành 31/10/2024. Tổng khối lượng cát còn lại cần huy động là 17,3 triệu m3.
Để đảm bảo nhu cầu đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào sử dụng năm 2026, Ban QLDA Mỹ Thuận đề nghị các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cần quan tâm hỗ trợ cấp quyền khai thác các mỏ đảm bảo tối thiểu 3.700m3/ngày/mỏ.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các tỉnh phải cam kết hỗ trợ đủ số lượng nguồn cát phục vụ cho cao tốc không chỉ trong năm nay mà cho cả năm 2024. Các tỉnh cần phải chủ động bố trí các mỏ cát mới để khai thác đồng thời nâng công suất khai thác các mỏ cát đang khai thác.